Giá dầu tăng 1%
Giá dầu tăng 1%, bù đắp mức giảm trong phiên trước đó do số liệu kinh tế từ Trung Quốc và Mỹ tăng mạnh.
Chốt phiên giao dịch ngày 6/4, dầu thô Brent tăng 59 US cent tương đương 1% lên 62,74 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 68 US cent tương đương 1,2% lên 59,33 USD/thùng.
Trong phiên trước đó, cả hai loại dầu đều giảm khoảng 3 USD do nguồn cung dầu OPEC+ tăng và các trường hợp nhiễm Covid-19 tại Ấn Độ và một số khu vực của châu Âu tăng.
Giá dầu tăng được hỗ trợ bởi số liệu cho thấy hoạt động dịch vụ của Mỹ trong tháng 3/2021 đạt mức cao kỷ lục. Lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc cũng tăng mạnh nhất trong 3 tháng.
Ngoài ra, giá dầu còn được hỗ trợ khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự kiến sản lượng dầu của Mỹ trong năm 2021 sẽ giảm 270.000 thùng/ngày (bpd) xuống 11,04 triệu bpd, giảm mạnh hơn so với dự báo tháng trước giảm 160.000 bpd. Đồng thời, tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 2/4/2021 giảm 2,6 triệu thùng, cao hơn dự báo của các nhà phân tích chỉ giảm 1,4 triệu thùng.
Tuần trước, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi là OPEC+ thỏa thuận nguồn cung trở lại mức 350.000 bpd trong tháng 5/2021, 350.000 bpd trong tháng 6/2021 và 400.000 bpd trong tháng 7/2021.
Giá khí tự nhiên thấp nhất 10 tuần
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm hơn 2% xuống mức thấp nhất 10 tuần, do dự báo thời tiết sẽ vẫn ôn hòa hơn và nhu cầu sưởi ấm đến cuối tháng 4/2021 giảm.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn New York giảm 5,5 US cent tương đương 2,2% xuống 2,456 USD/mmBTU – thấp nhất kể từ ngày 22/1/2021.
Giá vàng cao nhất hơn 1 tuần
Giá vàng tăng khoảng 1% và đạt mức cao nhất hơn 1 tuần, được thúc đẩy bởi đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,8% lên 1.743,04 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.745,15 USD/ounce – cao nhất kể từ ngày 25/3/2021 và vàng kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn New York tăng lên 1.743 USD/ounce.
Chiến lược gia thị trường Phillip Streible thuộc Blue Line Futures, Chicago cho biết, vàng được nâng đỡ tạm thời bởi chỉ số đồng USD suy giảm và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ ở mức thấp.
Đồng tăng, thiếc cao nhất 3 tuần
Giá đồng tăng do những lo ngại về nguồn cung, sau khi nước sản xuất hàng đầu – Chile – đóng cửa biên giới, bởi các trường hợp nhiễm virus corona tăng đột biến.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 3,1% lên 9.059 USD/tấn.
Giá thiếc trên sàn London tăng 2,7% lên 25.800 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 3 tuần (26.065 USD/tấn) do lo ngại nguồn cung, trong bối cảnh kiểm tra môi trường và bảo trì nhà máy luyện tại Trung Quốc và sau khi Trung Quốc hạn chế di chuyển tại Ruili – biên giới với Myanmar do Covid-19 lây lan. Trong khi đó, Myanmar chiếm hơn 95% nhập khẩu thiếc cô đặc vào Trung Quốc năm 2020.
Giá thép cây cao nhất 10 năm, quặng sắt giảm
Giá thép tại Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục, được thúc đẩy bởi nhu cầu nội địa tăng mạnh và mối lo ngại về các hạn chế nguồn cung tại nước sản xuất và xuất khẩu vật liệu xây dựng và sản xuất lớn nhất thế giới.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 5/2021 tăng 2,1% lên 5.180 CNY (791 USD)/tấn, trong đầu phiên giao dịch đạt 5.200 CNY/tấn – cao nhất kể từ năm 2011. Giá thép cuộn cán nóng tăng 0,9% lên 5.566 CNY/tấn, trước đó đạt 5.589 CNY/tấn – cao nhất kể từ năm 2014. Giá thép không gỉ tăng 0,6%.
Trong khi đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên giảm 0,6% xuống 971 CNY/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản tiếp đà giảm
Giá cao su tại Nhật Bản giảm do lo ngại tình trạng thiếu chip toàn cầu có thể giảm sản lượng ô tô và nhu cầu lốp xe.
Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Osaka giảm 3,1 JPY xuống 247,6 JPY (2,2 USD)/kg.
Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 75 CNY lên 14.315 CNY (2.186 USD)/tấn.
Nhà phân tích Toshitaka Tazawa thuộc công ty môi giới hàng hóa Fujitomi Co. cho biết, sự gia tăng về mối lo ngại thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu có thể khiến sản lượng ô tô và nhu cầu lốp xe giảm gây áp lực thị trường.
Subaru Corp 7270.T Nhật Bản cho biết sẽ đóng cửa nhà máy Yajima từ ngày 10-27/4/2021, do tình trạng thiếu hụt chip ảnh hưởng đến 10.000 chiếc ô tô.
Giá cà phê tiếp đà tăng
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE tăng 4,75 US cent tương đương 3,9% lên 1,2685 USD/lb.
Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London tăng 9 USD tương đương 0,7% lên 1.334 USD/tấn.
Giá đường tăng
Giá đường thô tăng hơn 2%, được thúc đẩy bởi giá dầu thô và các hàng hóa khác trên thị trường tăng.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE tăng 0,32 US cent tương đương 2,2% lên 15,16 US cent/lb, hồi phục từ mức thấp nhất 3 tháng (14,67 US cent/lb) trong tuần trước đó.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London tăng 4,3 USD tương đương 1% lên 427,7 USD/tấn.
Giá đậu tương và ngô tăng, lúa mì giảm
Giá đậu tương tại Mỹ tăng do diện tích trồng trọt tại Mỹ thấp hơn so với dự kiến và mưa đã trì hoãn việc thu hoạch đậu tương tại Brazil, khiến nguồn cung thắt chặt.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2021 tăng 6 US cent lên 14,18-3/4 USD/bushel. Giá ngô kỳ hạn tháng 5/2021 tăng 1 US cent lên 5,54-1/4 USD/bushel, trong khi giá lúa mì giao cùng kỳ hạn giảm 2-1/2 US cent xuống 6,15-1/2 USD/bushel.
Giá dầu cọ cao nhất 1 tuần
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng hơn 1% lên mức cao nhất hơn 1 tuần, do giá dầu đậu tương tăng mạnh và dấu hiệu sản lượng trong tháng 4/2021 giảm đã củng cố giá.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn Bursa Malaysia tăng 53 ringgit tương đương 1,42% lên 3.792 ringgit (918,16 USD)/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 7/4