Dầu tăng 2% vì khả năng Mỹ trì hoãn đánh thuế hàng hóa Mexico
Giá dầu tăng mạnh trong phiên vừa qua, đảo ngược xu hướng giảm xuống mức thấp nhất gần 5 tháng của phiên trước, sau thông tin cho rằng Mỹ có thể hoãn áp thuế lên Mexico.
Kết thúc phiên, dầu Brent tăng 1,04 USD tương đương 1.7% lên 61,67 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas (WTI) tăng 91 UScent tương đương 1,8% lên 52,59 USD/thùng. Sau khi kết thúc phiên giao dịch chính thức, trên bảng điện tử giá cả 2 loại dầu đều tăng hơn 2%.
Cả chứng khoán và giá dầu đều đi lên mạnh mẽ sau khi Bloomberg News đưa tin Mỹ đang xem xét trì hoãn việc đánh thuế Mexico để tiếp tục đàm phán.
Việc OPEC+ duy trì cắt giảm sản lượng đã đẩy giá dầu lên mức gần 75 USD/thùng vào đầu tháng 5/2019, nhưng sau đó giảm nhanh do lo ngại cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và Mexico sẽ làm suy yếu kinh tế kéo nhu cầu giảm theo. Việc giá tăng trong phiên vừa qua không biết có kéo dài hay không, bởi trong bình luận công khai mới nhất về cuộc chiến thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông có thể sẽ quyết định bổ sung thuế quan đối với "ít nhất 300 tỷ USD" hàng hóa Trung Quốc vào cuối tháng 6 này, sau kỳ họp của G20.
Morgan Stanley mới đây đã hạ dự báo giá dầu mỏ bởi cho rằng nhu cầu sẽ tăng ít hơn nguồn cung cung, cụ thể tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2019 sẽ giảm từ 1,2 triệu thùng/ngày xuống 1 triệu thùng/ngày, do đó giá dầu Brent năm 2019 cũng sẽ chỉ 65-70 USD/thùng, thấp hơn mức 75-80 USD dự báo trước đây.
Đầu tuần này Merrill Lynch cũng cho biết "Tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ yếu nhất kể từ 2012, chỉ dưới 1 triệu thùng/ngày".
Vàng bạc tăng
Giá vàng tăng trong phiên vừa qua bởi lo ngại ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại đối với kinh tế toàn cầu và Mỹ có thể hạ lãi suất.
Cuối phiên, giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.338,65 USD/ounce, trong khi vàng giao tháng 8/2019 tăng 0,7% lên 1.342,7 USD/ounce.
Về những kim loại quý khác, giá bạc cũng tăng 0,8% lên 14,91 USD/ounce, bạch kim tăng 1,6% lên 1.349,51 USD/ounce, trong khi palađi giảm 0,1% xuống 798,5 USD/ounce.
Đất hiếm tăng chóng mặt
Giá đất hiếm của Trung Quốc tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong vòng nhiều năm sau khi báo chí nước này thông tin đây có thể là vũ khí để Bắc Kinh chống lại Washington trong cuộc chiến thương mại.
Theo số liệu của Asian Metal – tổ chức chuyên nghiên cứu và báo giá các nguyên tố trong đó có đất hiếm, giá đất hiếm nhóm AM-CN-DYMET (sử dụng trong sản xuất nam châm, đèn công suất cao và thanh điều khiển hạt nhân) hiện đạt 2.025 CNY (292,98 USD)/kg, mức cao nhất kể từ tháng 6/2015, tức là tăng gần 14% so với thời điểm 20/5/2019 - ngày Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm một nhà máy đất hiếm, làm dấy lên đồn đoán rằng đây sẽ là "mặt trận" quan trọng của cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Giá đất hiếm nhóm neodymium AM-CNF-NDMTL, được sử dụng trong sản xuất một số loại nam châm dùng trong động cơ và tuabin, cũng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2018 là 63,25 USD/kg, tức là tăng khoảng 30% kể từ ngày 20/5/2019.
Đất hiếm nhóm oxit gadolinium AM-CN99-GDOX, được sử dụng trong các thiết bị hình ảnh y tế và pin nhiên liệu, cũng tăng 12,6% kể từ ngày 20/5/2019, hiện đạt 192.500 nhân dân tệ/tấn, cao nhất trong vòng 5 năm.
Chì cao nhất 1 tháng
Giá chì tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 tháng do sản lượng của nhà máy luyện chì Port Pirie ở Australia bị tạm dừng và lượng chì lưu kho giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ. Port Pirie là một trong những nhà luyện chì nguyên khai lớn nhất thế giới. Công ty này đã phải đóng cửa từ 28/5/2019 vì lý do "bất khả kháng", nhưng dự kiến sẽ hoạt động trở lại trong những ngày tới.
Chì giao ngay kết thúc phiên vừa qua tăng 1,3% lên 1.890 USD/tấn, sau khi có lúc đạt 1.918,5 USD/tấn, cao nhất kể từ 15/2019. Lượng chì lưu kho ở sàn London giảm xuống 66.550 tấn, thấp nhất kể từ tháng 4/2009.
Gạo tăng
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ và Thái Lan tuần này tăng do tiền tệ mạnh lên buộc các nhà xuất khẩu phải nâng giá bán, trong khi gạo Việt Nam cũng tăng.
Đối với loại 5% tấm, gạo Ấn Độ giá hiện khoảng 366-369 USD/tấn, tăng so với 364-367 USD/tấn cách đây một tuần; gạo Thái Lan hiện khoảng 393-402 USD/tấn, FOB Bangkok, so với 385- 402 USD/tấn tuần trước; gạo Việt Nam hiện khoảng 350 – 360 USD/tấn, so với 350 USD/tấn cách đây một tuần.
Nhu cầu gạo của Ấn Độ và Thái Lan không có sự đột biến, giá tăng chỉ bởi nội tệ mạnh lên.
Bangladesh tuần qua đã xóa bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo với kỳ vọng xuất được 1,5 triệu tấn để hỗ trợ người trồng lúa sau khi giá gạo trong nước giảm mạnh. Tuy nhiên, gạo nước này sẽ khó cạnh tranh với các nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Thái Lan… bởi giá đắt hơn.
Cao su lập "đỉnh" 3 tháng
Giá cao su kỳ hạn trên sàn Tokyo tăng lên mức cao nhất 3 tháng do hoạt động mua mạnh của các quỹ nước ngoài và bởi giá ở Thượng Hải cũng tăng trong bối cảnh giá cao su giao ngay ở Thái Lan đi lên vì nguồn cung bị thắt chặt.
Cao su giao tháng 11/2019 trên sàn Tokyo tăng 7 JPY tương đương 3,6% lên 202 JPY (1,87 USD)/kg, mức cao nhất kể từ ngày 7/3/2019 và cũng đánh dấu một phiên tăng nhiều nhất kể từ 16/5/2019. Cao su TSR trên sàn Tocom kỳ hạn tháng 12/2019 tăng 1,1% lên 164,7 JPY/kg.
Hợp đồng cao su giao tháng 9/2019 tăng 210 CNY lên 12.236 CNY (1.770 USD)/tấn.
Khô hạn trong tháng qua và nỗ lực giảm xuất khẩu để đẩy giá lên đã khiến giá cao su Thái Lan gần đây tăng khá mạnh. Loại RSS3 (cao su tấm hun khói của Thái) đạt mức cao nhất 21 tháng, cụ thể đạt 1,96 USD/kg (FOB), cao nhất kể từ tháng 9/2017.
Cà phê hồi phục mạnh
Giá cà phê arabica đã lấy lại một nửa những gì đã mất ở phiên trước do sự điều chỉnh của thị trường. Hợp đồng arabica giao tháng 7/2019 trên sàn New York tăng 2,95 UScent tương đương 3% lên 1,025 USD/lb (phiên trước giảm 6,2%) . Robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London cũng tăng 18 USD tương đương 1,3% lên 1.431 USD/tấn (phiên trước giảm 4,8%).
Nhà đầu tư đã mua mạnh trở lại khi thấy giá giảm sâu. Bên cạnh đó, lo ngại về thời tiết ở Brazil cũng như đồng real lên giá góp phần kéo cà phê hồi phục trở lại.
Tuy nhiên trái với xu hướng hồi phục ở phương Tây, tại Việt Nam, giá cà phê giảm mạnh trong phiên vừa qua, xóa đi toàn bộ những gì có được kể từ khi hồi phục khỏi mức thấp nhất 6 năm chạm tới vào đầu tháng 5/2019.
Tại Tây Nguyên, cà phê được bán với giá 33.000 đồng (1,41 USD)/kg, giảm 3% so với phiên trước đó, nhưng vẫn cao hơn mức 32.000 – 32.700 đồng của tuần trước. Nguyên nhân bởi giá cà phê thế giới giảm mạnh. Cà phê robusta loại 2 (5% đen và vỡ) có giá +100 USD/tấn so với hợp đồng giao tháng 9/2019 trên sàn London, so với mức +80-120 USD/tấn cách đây một tuần.
Người trồng cà phê ở Tây Nguyên đã bán trên 80% sản lượng của vụ 2018/19, vụ 2019/20 sẽ bắt đầu thu hoạch từ tháng 10 tới.
Thị trường Indonesia tuần này trầm lắng trong dịp lễ hội Hồi giáo Eid Al Fitr holidays.
Quặng sắt giảm
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc giảm và thị trường kết thúc một tuần sụt giảm nhiều nhất trong vòng gần 2 tháng. Lý do bởi nguồn cung từ các nhà khai thác mỏ hàng đầu tăng lên trong khi triển vọng nhu cầu trở nên mờ mịt do cuộc chiến thương mại. Thị trường Trung Quốc sẽ đóng cửa nghỉ trong ngày thứ Sau (7/6/2019) nhân Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch).
Quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 0,8% trong phiên này, xuống 712,5 CNY (103,07 USD)/tấn; tính chung cả tuần giảm 3,7%, nhiều nhất kể từ giữa tháng 4/2019.
"Giái đoạn khó khăn nhất về nguồn cung đã qua. Tất cả những nơi bị gián đoạn sản xuất đã trở lại hoạt động bình thường. Yếu tố thu hút sự chú ý của thị trường trong những tháng tới sẽ là nhu cầu", ông Wu Jingjing thuộc Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) cho biết.
Thép giảm
Giá thép tại Trung Quốc giảm do lo ngại nhu cầu yếu đi sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo về tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống 6,2% từ mức 6,3% đưa ra trước đây.
Thép cây trên sàn Thượng Hải giảm 0,2% xuống 3.737 CNY/tấn, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 0,1% xuống 3.597 CNY/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng nay