Dầu tăng do hy vọng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc
Giá dầu tăng trên 62 USD/thùng sau khi Trung Quốc ám chỉ đang tiến tới một thỏa thuận với Mỹ, nâng cao hy vọng chấm dứt tranh chấp kéo dài đã gây tổn hại tới tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu.
Tranh chấp thương mại đã khiến giới phân tích giảm dự báo nhu cầu dầu và lo ngại rằng dư thừa nguồn cung có thể phát triển trong năm 2020. Giá dầu giảm trong ngày 6/11 vì lo lắng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể bị trì hoãn.
Chốt phiên 7/11, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 1/2020 tăng 55 US cent hay 0,9% lên 62,29 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 80 US cent hay 1,4% lên 57,15 USD/thùng.
Dầu WTI tăng mạnh đã giảm mức chênh của dầu Brent với WTI xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 9.
Dầu Brent đã tăng gần 16% trong năm 2019, hỗ trợ bởi thỏa thuận giữa OPEC và các nhà sản xuất đồng minh như Nga để hạn chế sản lượng tới tháng 3/2020. Các nhà sản xuất sẽ nhóm họp vào ngày 5 – 6/12 tại Vienna để xem xét chính sách này.
Tổng thư ký OPEC, Mohammad Barkindo cho biết ông lạc quan hơn về triển vọng năm 2020 vì sự tiến bộ trong thỏa thuận thương mại, giảm khả năng cần thiết phải cắt giảm sản lượng sâu hơn.
Tuy nhiên, nghi ngờ về thỏa thuận thương mại vẫn hiện hữu khi cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc để ký thỏa thuận có thể hoãn tới tháng 12.
Vàng giảm xuống mức thấp nhất một tháng
Vàng giảm khoảng 2% xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng, do mất nhu cầu trú ẩn an toàn khi quan chức Mỹ khẳng định Washington và Trung Quốc đã đồng ý dỡ bỏ thuế quan như một phần giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận thương mại.
Trước đó Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Trung Quốc và Mỹ đồng ý hủy thuế quan áp đặt trong cuộc chiến thương mại nhưng không nêu rõ mốc thời gian cụ thể.
Vàng giao ngay giảm 1,7% xuống 1.465,78 USD/ounce, trong phiên giá đã giảm 2% xuống 1.460,75 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 1/10. Vàng kỳ hạn tháng 12 của Mỹ giảm 1,8% xuống 1.466,4 USD.
Cũng gây sức ép cho vàng, lợi suất trái phiếu 10 năm của kho bạc Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 1/8.
Cuộc chiến thuế quan giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới 16 tháng qua đã khuấy động thị trường tài chính thế giới và dấy lên mối lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, giúp vàng tăng gần 16% trong năm nay. Giá vàng giảm gần 6,2% từ đỉnh cao nhiều năm tại 1.557 USD/ounce trong đầu tháng 9.
Ủy ban Châu Âu dự báo kinh tế khu vực eurozone có thể tăng chậm hơn so với dự tính trước đó vào năm nay và năm tới bởi xung đột thương mại toàn cầu, căng thẳng địa chính trị và Brexit.
Đồng đạt mức cao nhất trong hơn 2 tháng
Giá đồng tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 tháng sau khi Trung Quốc cho biết họ đạt được thỏa thuận hủy thuế quan do Mỹ áp đặt trong cuộc chiến tranh thương mại kéo dài theo từng giai đoạn, làm sống lại hy vọng kết thúc xung đột và tăng nhu cầu kim loại.
Đồng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) đã tăng 1,2% lên 5.975 USD/tấn. Tranh chấp thương mại kéo dài 16 tháng đã gây thiệt hại cho tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu kim loại cơ bản.
Tổng dự trữ đồng trong kho của LME giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2019, tại 238.550 tấn từ 241.925 tấn trong phiên trước. Dự trữ giảm gây lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn.
Chile, nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới hầu như vẫn duy trì được sản lượng và hoạt động trơn tru bất chấp nhiều tuần bất ổn tại quốc gia này.
Quặng sắt giảm
Giá quặng sắt Đại Liên giảm theo xu hướng giá giao ngay suy yếu bởi lượng tồn kho đang tăng tại các cảng của Trung Quốc, mặc dù đà giảm bị hạn chế do nhu cầu phục hồi từ một số nhà máy thép.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm 2,2% xuống 611 CNY (87,14 USD)/tấn.
Trên sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 12 giảm 1,1% xuống 80,15 USD/tấn.
Quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% xuất sang Trung Quốc ổn định tại 83,5 USD/tấn trong ngày 6/11, thấp nhất kể từ hôm 29/1.
Theo số liệu của SteelHome, tồn kho quặng sắt đã nhập khẩu tại các cảng của Trung Quốc ở mức cao nhất trong 6 tháng, ước tính tại 131,65 triệu tấn tính tới 1/11.
Các nhà phân tích tại ngân hàng ANZ cho biết áp lực ổn định nguồn cung từ các nhà xuất khẩu hàng đầu Brazil và Australia, giá quặng sắt đã tìm được hỗ trợ khi lợi nhuận thép cải thiện.
Cao su TOCOM tăng ngày thứ 3 liên tiếp
Giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) tăng phiên thứ 3 liên tiếp, gần mức cao nhất trong hơn 3 tháng đạt được trong phiên trước, được hỗ trợ bởi hy vọng một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời với những mối lo ngại về sự lây lan bệnh nấm tại các quốc gia sản xuất.
Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 4/2020 đóng cửa tăng 0,5 JPY lên 178,9 JPY (1,64 USD)/kg.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong khi Bắc Kinh và Washington vẫn phải đồng ý hủy bỏ một số mức thuế hiện nay đối với hàng hóa của nhau để đạt được thỏa thuận thương mại "giai đoạn một", hai bên đã đồng ý hủy bỏ thuế quan bổ sung theo các giai đoạn khác nhau.
Hiroyuki Kikukawa, tổng giám đốc nghiên cứu của Nissan Securities cho biết, hy vọng một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã hỗ trợ cho đợt tăng giá gần đây trong khi những đồn đoán cho rằng bệnh nấm lây lan sẽ làm giảm sản lượng ở Đông Nam Á cũng thúc đẩy mua vào, đặc biệt là trong các hợp đồng kỳ hạn.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 35 CNY xuống 12.105 CNY (1.734 USD)/tấn. Cao su TSR 20 của Trung Quốc giảm 40 CNY xuống 10.130 CNY/tấn.
Cà phê arabica gần mức cao nhất trong 4 tháng
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2019 chốt phiên tăng 1,1 US cent hay 1% lên 1,091 USD/lb, cao nhất kể từ giữa tháng 7.
Cà phê được hưởng lợi từ đồng real của Brazil mạnh lên, không thúc đẩy các nhà sản xuất Brazil bán ra.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2020 tăng 26 USD hay 1,9% lên 1.378 USD/tấn, cao nhất kể từ cuối tháng 7.
Tại Việt Nam giá cà phê tiếp tục phục hồi theo giá tại London do thu hoạch cà phê vẫn chưa đạt mức cao.
Nông dân tại Tây Nguyên bán cà phê với giá 33.000 đồng (1,42 USD)/kg trong ngày 7/11, so với mức 31.800 – 32.600 đồng/kg một tuần trước.
Nông dân bắt đầu thu hoạch quả cà phê nhưng chưa ở quy mô lớn, khi chỉ khoảng 1/4 vụ thu hoạch chín hoàn toàn.
Các thương nhân tại Việt Nam đã chào bán cà phê robusta loại 2 (5% hạt đen và vỡ) ở mức cộng 110 – 120 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn ICE, nới rộng từ 80 – 100 USD một tuần trước.
Trong khi đó, cà phê robusta của Indonesia loại 4 khiếm khuyết 80 được chào ở mức cộng 240 USD với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2020, giảm từ mức cộng 270 USD trong tuần trước. Giao dịch tại Indonesia vẫn rất yếu khi nguồn cung cà phê cạn kiệt.
Đường giảm
Đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 giảm 0,17 US cent hay 1,4% xuống 12,39 US cent/lb, giảm trở lại sau khi tăng lên mức cao nhất một tháng trong ngày 5/11.
Đường được hỗ trợ bởi việc điều chỉnh giảm triển vọng sản lượng niên vụ 2019/20 tại Ấn Độ, nhưng được hãm bởi dự trữ vượt trội.
Cơ quan lương thực của Liên hiệp quốc cho biết thị trường đường toàn cầu dự kiến thiếu hụt khoảng 2,4 triệu tấn trong niên vụ 2019/20.
Brazil đã hủy lệnh cấm trồng mía ở rừng Amazon và vùng đất ngập nước kéo dài trong 10 năm.
Hàng chục người biểu tình chống chính phủ đã chặn lối vào cảng Umm Qasr của Iraq, nơi tiếp nhận phần lớn đường của quốc gia này.
Đường trắng kỳ hạn tháng 12 giảm 6,8 USD hay 1,4% xuống 332,1 USD/tấn.
Gạo Châu Á
Giá gạo xuất khẩu Thái Lan thay đổi ít trong tuần này, nhưng các thương nhân hy vọng một thỏa thuận với Iraq có thể tăng cường xuất khẩu, trong khi nhu cầu mờ nhạt và đồng rupee suy yếu gây áp lực lên giá gạo Ấn Độ.
Truyền thông địa phương cho biết Thái Lan đã ký một thỏa thuận bán gạo cho Iraq, gần 10 năm sau khi mất hợp đồng vì lo ngại về chất lượng.
Xuất khẩu của Thái Lan đã bị thiệt hại bởi giá loại gạo Thái đặc biệt tương đối cao so với giá gạo Việt Nam, chủ yếu do đồng baht mạnh.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức 390 – 408 USD/tấn so với 390 – 413 USD trong tuần trước.
Tại Việt Nam, gạo 5% tấm không đổi so với tuần trước ở mức 345 – 350 USD/tấn trong bối cảnh giao dịch trầm lắng. Giá xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất 4,5 tháng trong tháng trước.
Tuy nhiên, không có giao dịch nào được thực hiện trong tuần này vì hầu hết người mua đang chờ đợi nguồn cung mới từ vụ thu hoạch thu đông ở đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến sẽ có số lượng lớn vào tháng 12.
Gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ được chào ở mức 365 - 370 USD/tấn trong tuần này, giảm từ 368 - 372 USD/tấn trong tuần trước.
Các nhà xuất khẩu cho biết nhiều nước trồng lúa có mưa rào trong 2 tuần qua, làm chậm trễ việc thu hoạch và gây thiệt hại cho cây trồng sắp đến ngày thu hoạch.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 8/11