Giá dầu rời khỏi mức cao nhất 7 năm
Giá dầu giảm do các dấu hiệu mờ nhạt về tiến triển trong các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran, điều này có thể dẫn đến việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với việc bán dầu của Iran.
Chốt phiên giao dịch ngày 7/2, dầu thô Brent giảm 58 US cent tương đương 0,6% xuống 92,69 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 94 USD/thùng – cao nhất kể từ tháng 10/2014 và dầu thô Tây Texas WTI giảm 99 US cent tương đương 1,3% xuống 91,32 USD/thùng, sau khi đạt 92,73 USD/thùng. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay giá dầu thô đã tăng 20% và có khả năng vượt 100 USD/thùng do nhu cầu toàn cầu tăng mạnh, các nhà phân tích cho biết.
Tuần trước, giá dầu thô tăng lên mức cao 7 tuần do lo ngại về gián đoạn nguồn cung nhiên liệu, bởi thời tiết khắc nghiệt tại Mỹ và bất ổn chính trị tại các nước sản xuất lớn trên thế giới. Nếu lệnh trừng phạt của Mỹ được dỡ bỏ, Iran có thể nhanh chóng xuất khẩu hàng triệu thùng dầu thô và giúp hạ nhiệt giá dầu.
Giá khí tự nhiên giảm hơn 7%
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm hơn 7% xuống mức thấp nhất gần 2 tuần, do sản lượng hồi phục chậm lại từ thời tiết khắc nghiệt tuần trước, dự báo thời tiết ít lạnh và nhu cầu sưởi ấm trong 2 tuần tới thấp hơn so với dự kiến trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn New York giảm 34 US cent tương đương 7,4% xuống 4,232 USD/mmBTU – thấp nhất kể từ ngày 25/1/2022.
Giá vàng tăng
Giá vàng tăng lên mức cao nhất hơn 1 tuần, được hỗ trợ bởi lo ngại lạm phát và rủi ro địa chính trị kéo dài, khi thị trường chờ đợi số liệu lạm phát quan trọng của Mỹ để biết thêm tín hiệu về quỹ đạo tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,7% lên 1.820,23 USD/ounce, trước đó trong phiên đạt 1.820,96 USD/ounce – cao nhất kể từ ngày 27/1/2022 và vàng kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn New York tăng 0,8% lên 1.821,8 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động lên gần mức cao nhất kể từ tháng 12/2019, sau số liệu lạc quan về báo cáo việc làm tại Mỹ. Số liệu lạm phát của Mỹ trong tháng 1/2022 sẽ được đưa ra vào ngày 10/2/2022, với các nhà phân tích cho biết 1 trong 3 khả năng Fed có thể tăng 50 điểm cơ bản trong tháng 3/2022.
Giá nhôm cao nhất 4 tháng
Giá nhôm tăng lên mức cao nhất 4 tháng, do lo ngại về nguồn cung từ nước sản xuất hàng đầu – Trung Quốc và thiếu hụt tại châu Âu và Mỹ đã thúc đẩy thị trường.
Giá nhôm trên sàn London tăng 1,5% lên 3.212 USD/tấn, trước đó trong phiên đạt 3.135 USD/tấn – cao nhất kể từ ngày 19/10/2021. Tính từ giữa tháng 12/2021 đến nay, giá nhôm tăng 20%.
Các nhà phân tích cho biết, chính quyền Trung Quốc nhằm mục đích cắt giảm ô nhiễm trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa đông đã hạn chế sản lượng tại các lò luyện nhôm. Trung Quốc chiếm khoảng 56% sản lượng nhôm toàn cầu, ước đạt khoảng 67 triệu tấn trong năm 2021. Trong năm 2022, Trung Quốc dự kiến thiếu hụt khoảng 1,5 triệu tấn nhôm.
Tồn trữ nhôm tại London chạm 768.250 tấn – thấp nhất 22 năm và ít hơn 1/2 so với tháng 3/2021. Tồn trữ nhôm tại Thượng Hải giảm 20% kể từ đầu tháng 12/2021 xuống 266.906 tấn.
Giá thép và quặng sắt đều tăng
Giá thép và quặng sắt tại Trung Quốc tăng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 1 tuần, do kỳ vọng về gói kích thích kinh tế sau khi nhà hoạch định nhà nước kêu gọi xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 5/2022 tăng 1,7% lên 4.847 CNY (762,42 USD)/tấn – cao nhất kể từ ngày 21/10/2021, trong phiên có lúc tăng 2,4%. Giá thép cuộn cán nóng tăng 2% lên 4.980 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 5/2022 tăng 2,8% lên 17.875 CNY/tấn, trước đó trong phiên tăng 4,2%.
Đồng thời, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 2,5% lên 817 CNY/tấn – cao nhất kể từ cuối tháng 8/2021.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng
Giá cao su tại Nhật Bản tăng, theo xu hướng giá cao su tại Thượng Hải tăng mạnh, cùng với đó là đồng JPY suy yếu so với đồng USD và giá dầu tăng cũng hỗ trợ giá.
Giá cao su kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn Osaka tăng 5,4 JPY tương đương 2,2% lên 247 JPY (2,14 USD)/kg.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 375 CNY tương đương 2,7% lên 14.470 CNY (2.276 USD)/tấn. Đây là phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 22/11/2021.
Giá cà phê tăng
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE thay đổi nhẹ ở mức 2,4165 USD/lb.
Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London tăng 5 USD tương đương 0,2% lên 2.218 USD/tấn.
Giá đường giảm
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE giảm 0,18 US cent tương đương 1% xuống 18,05 US cent/lb.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn London giảm 5,6 USD tương đương 1,1% xuống 492,9 USD/tấn.
Giá đậu tương cao nhất 8 tháng, ngô và lúa mì tăng
Giá đậu tương tại Chicago tăng lên mức cao nhất 8 tháng, được củng cố bởi lo ngại nguồn cung có thể giảm bởi thời tiết khắc nghiệt tại Nam Mỹ.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2022 tăng 28-1/4 US cent lên 15,81-3/4 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 15,89-1/2 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 8/6/2021. Giá ngô tăng 14-3/4 US cent lên 6,35-1/4 USD/bushel, tăng 2,58% - mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 4/1/2022. Giá lúa mì tăng 5-1/2 US cent lên 7,68-3/4 USD/bushel.
Giá dầu cọ giảm
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm từ mức cao kỷ lục, do giá dầu thực vật khác giảm và dự kiến tồn trữ đến cuối tháng 1/2022 vẫn tăng nhẹ.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn Bursa Malaysia giảm 1,39% xuống 5.539 ringgit (1.324,01 USD)/tấn. Trong đầu phiên giao dịch giá dầu cọ đạt mức cao kỷ lục 5.749 ringgit/tấn, song đảo chiều giảm do giá dầu thực vật khác giảm.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 8/2