Dầu tiếp đà giảm
Giá dầu tiếp tục giảm khi danh sách đen của Washington có thêm những công ty của Trung Quốc, làm giảm kỳ vọng 1 thỏa thuận thương mại giữa 2 nước, song bất ổn tại Iraq và Ecuador đã hạn chế đà giảm giá dầu.
Chốt phiên giao dịch đêm qua, dầu thô Brent giảm 11 US cent tương đương 0,2% xuống 58,24 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 12 US cent tương đương 0,2% xuống 52,63 USD/thùng, sau khi cả 2 loại dầu đều tăng hơn 1% trong đầu phiên giao dịch.
Giá dầu còn chịu áp lực giảm sau số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho thấy rằng, dự trữ dầu thô của nước này tăng 4,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 4/10/2019, vượt xa so với dự báo của các nhà phân tích tăng 1,4 triệu thùng. Đồng thời Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2020 thêm 100.000 thùng/ngày xuống 1,3 triệu thùng/ngày. EIA cũng cho biết, sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ tăng thêm 1,27 triệu thùng/ngày lên mức cao kỷ lục 12,26 triệu thùng/ngày, cao hơn so với dự báo trước đó tăng 1,26 triệu thùng/ngày. Giá sản xuất của Mỹ trong tháng 9/2019 bất ngờ sụt giảm, điều này có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất 1 lần nữa trong tháng này cũng gây áp lực đối với giá dầu.
Tuy nhiên, mức giảm giá dầu được hạn chế bởi các cuộc biểu tình tại Iraq và Ecuador, đe dọa gián đoạn nguồn cung dầu.
Khí tự nhiên giảm tiếp
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm do tồn kho lớn, bất chấp dự báo nhu cầu sưởi ấm và xuất khẩu khí gas hóa lỏng (LNG) trong 2 tuần tới sẽ tăng hơn so với dự kiến trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 11/2019 trên sàn New York giảm 1,5 US cent tương đương 0,7% xuống 2,288 USD/mmBTU.
Vàng tăng trở lại, bạc cao nhất gần 2 tuần
Vàng bật tăng khỏi mức thấp nhất 1 tuần trong phiên trước đó, do không chắc chắn về các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung và Brexit, khiến thị trường chứng khoán giảm và các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn là vàng.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,4% lên 1.499,67 USD/ounce, sau khi tăng 1% lên 1.506,31 USD/ounce trong đầu phiên giao dịch. Vàng kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn New York không thay đổi ở mức 1.503,9 USD/ounce.
Đồng thời, bạc tăng 1,2% lên 17,64 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 17,8 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 27/9/2019.
Đồng giảm trở lại, nickel thấp nhất 1 tuần
Giá đồng giảm do các nhà đầu tư lo ngại các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung sẽ có ít tiến triển, song giá đồng vẫn được hỗ trợ từ các thông tin tích cực.
Trên sàn London, giá đồng giao sau 3 tháng giảm 0,8% xuống 5.675,5 USD/tấn, sau khi tăng 1,4% trong phiên trước đó. Đồng thời, giá nickel giao sau 3 tháng cũng giảm 3,3% xuống 17.135 USD/tấn, thấp nhất 1 tuần, trong phiên có lúc giảm 0,9% xuống 17.570 USD/tấn. Như vậy, giá nickel giảm 2 phiên liên tiếp sau khi tăng 3,4% trong tuần trước đó.
Thép thấp nhất 2 tuần, quặng sắt cao nhất 3 tuần
Giá thép tại Thượng Hải giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần, do lo ngại triển vọng nhu cầu và dư thừa nguồn cung tại nước sản xuất và tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc, trong khi giá quặng sắt tăng trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ 1 tuần.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 1/2020 giảm 2,3% xuống 3.404 CNY (477,9 USD)/tấn, trong đầu phiên giao dịch giảm 2,4% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 23/9/2019. Giá thép cuộn cán nóng giảm 1,8% xuống 3.416 CNY/tấn. Giá thép không gỉ giảm 0,1% xuống 15.675 CNY/tấn.
Trong khi đó, giá quặng sắt kỳ hạn trên sàn Đại Liên tăng 0,8% lên 657 CNY/tấn, cao nhất kể từ ngày 18/9/2019. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 11/2019 trên sàn Singapore tăng 0,6% lên 89,12 USD/tấn.
Giá quặng sắt tăng được hỗ trợ bởi xuất khẩu quặng sắt của Brazil trong tháng 9/2019 giảm xuống 27,14 triệu tấn so với 28,3 triệu tấn tháng 8/2019 và 33,9 triệu tấn tháng 9/2018. Xuất khẩu quặng sắt vào Trung Quốc từ Port Hedland Australia - cảng quặng sắt lớn nhất thế giới – giảm hơn 5% so với tháng 8/2019 xuống 36,05 triệu tấn trong tháng 9/2019.
Cao su tăng trở lại tại Tokyo, giảm tại Thượng Hải
Giá cao su tại Tokyo tăng trở lại sau các cuộc đàm phán và các thương nhân cao su lớn tại Trung Quốc tạm dừng hoạt động trong tháng qua.
Trên sàn TOCOM, giá cao su kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 3,1 JPY (0,029 USD) lên 159 JPY/kg. Trong khi đó, giá cao su TSR20 kỳ hạn tháng 4/2020 không thay đổi ở mức 148,9 JPY/kg.
Trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2020 giảm 45 CNY (6,3 USD) xuống 11.430 CNY/tấn. Giá cao su TSR20 giảm 110 CNY xuống 9.680 CNY/tấn.
Đường và cà phê giảm
Giá đường tiếp tục giảm trong bối cảnh các nhà sản xuất và thương nhân đẩy mạnh bán ra, song mức giảm được hạn chế bởi dự báo sản lượng đường trong niên vụ này sẽ thiếu hụt.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn ICE giảm 0,06 US cent tương đương 0,5% xuống 12,46 US cent/lb, sau khi giảm 1,7% trong phiên trước đó. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn London tăng 2 USD tương đương 0,6% lên 341,6 USD/tấn.
Trong khi đó, giá cà phê cũng giảm. Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn ICE giảm 1,3 US cent tương đương 1,3% xuống 0,957 USD/lb. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2019 trên sàn London tăng 6 USD tương đương 0,5% lên 1.259 USD/tấn.
Đậu tương cao nhất gần 3 tháng, ngô và lúa mì cao nhất gần 2 tháng
Giá ngô, đậu tương và lúa mì tại Mỹ đồng loạt tăng sau khi các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2019 tăng 5-1/4 US cent lên 9,2-1/2 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 19/7/2019. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2019 tăng 8-3/4 US cent lên 3,95-3/4 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 12/8/2019. Giá lúa mì mềm, đỏ, vụ đông kỳ hạn tháng 12/2019 tăng 11 US cent lên 5-1/4 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 11/8/2019.
Dầu cọ tiếp đà tăng
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng do các thương nhân dự báo tốc độ tăng trưởng sản lượng hàng tháng thấp hơn so với dự kiến trước đó và chờ đợi tín hiệu từ thông báo ngân sách quốc gia của nước này cho năm tới.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn Bursa Malaysia tăng 0,7% lên 2.174 ringgit (518,85 USD)/tấn, tăng phiên thứ 3 liên tiếp.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 9/10