Thị trường tiếp tục theo dõi vào cuộc đàm phán thương mại giữa 2 cường quốc lớn nhất thế giới. Bất cứ động thái nào từ đây cũng đều có tác động tới thị trường hàng hóa, nhất là dầu mỏ và kim loại.
Dầu tăng 1% do tồn trữ ở Mỹ giảm và tín hiệu tích cực từ Trung Quốc
Giá dầu tăng 1% trong phiên vừa qua do tồn trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm, tuy nhiên xung đột thương mại Mỹ - Trung gia tăng căng thẳng đã cản trở giá tăng mạnh bởi các nhà đầu tư vẫn lo ngại về triển vọng nhu cầu năng lượng toàn cầu.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch, dầu Brent tăng 49 UScent tương đương 0,7% lên 70,37 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 72 UScent tương đương 1,2% lên 62,12 USD/thùng.
Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) vừa thông báo tồn trữ dầu thô của nước này giảm 4 triệu thùng trong tuần qua, trái ngược với dự đoán của giới phân tích là sẽ tăng 1,2 triệu thùng.
Tuần này giá dầu liên tục chịu sức ép bởi căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi Mỹ thông báo sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 10/5/2019 với lý do phía Trung Quốc không thực hiện những điều 2 bên đã thỏa thuận.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của Nhà Trắng, Sarah Sanders, hôm thứ Tư (8/5/2019) cho biết Mỹ đã nhận thấy dấu hiệu từ Bắc Kinh cho thấy Trung Quốc muốn thực hiện thỏa thuận thương mại, và Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He sẽ tới Washington trong tuần này để thực hiện cuộc đàm phán kéo dài 2 ngày.
Thị trường rất lo ngại hai nước rơi vào vòng xoáy chiến tranh thương mại sẽ khiến kinh tế toàn cầu suy giảm và ảnh hưởng tới nhu cầu dầu mỏ.
Những thông tin mới nhất về cung – cầu dầu thế giới cho thấy, nhập khẩu dầu thô vào Trung Quốc tháng 4 vừa qua đạt mức cao kỷ lục, 10,6 triệu thùng mỗi ngày, theo số liệu của Hải quan nước này; trong khi đó Saudi Arabia dự định sẽ duy trì mức xuất khẩu dầu thô dưới 7 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2019, đồng thời sẽ giữ sản lượng dưới mức hạn ngạch cam kết với nhóm OPEC+.
Mỹ đang vừa là nhân tố gây áp lực giảm giá dầu, nhưng cũng là yếu tố đẩy giá đi lên. Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo nước này sẽ không cấp thêm bất cứ miễn trừ nào cho phép bất cứ quốc gia nào mua dầu Iran, đồng thời đe dọa sẽ áp đạt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Iran và cảnh báo Châu Âu không được quan hệ thương mại với Tehran nữa.
Goldman Sach dự báo việc thiếu các thông tin rõ ràng về các yếu tố cơ bản (cung-cầu) sẽ khiến giá dầu Brent tiếp tục biến động mạnh trong 2 tháng tới, trong khoảng từ 70 đến 75 USD/thùng.
Vàng giảm từ mức cao nhất 3 tháng, các kim loại quý khác cũng đi xuống
Giá vàng đánh mất mốc cao kỷ lục 3 tháng bởi nhu cầu đối với tài sản an toàn lại giảm đi sau khi Nhà Trắng nhận được tín hiệu từ Trung Quốc rằng Bắc Kinh muốn thực hiện cam kết thương mại.
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay trên sàn LBMA (London Bullion Market Association) giảm 0,3% xuống 1.280,76 USD/ounce, trong khi vàng giao tháng 6/2019 trên sàn New York giảm 0,3% xuống 1.281,4 USD/ounce.
Cùng xu hướng với vàng, giá bạc lúc đóng cửa giảm 0,4% xuống 14,84 USD/ounce, bạch kim giảm 1,1% xuống 858,5 USD/ounce trong khi palađi giảm 1% xuống 1.314,01 USD/ounce.
Các phái đoàn thương mại của Washington và Bắc Kinh sẽ bắt đầu vòng đàm phán mới từ ngày thứ Năm (9/5/2019), và các nhà đầu tư đang lạc quan về những tiến triển về thái độ của 2 bên.
Vàng đã tăng giá trong 3 phiên liền trước, lên mức cao nhất kể từ 15/4/2019 (1.291,39 USD/ounce) vào buổi sáng của phiên giao dịch vừa qua bởi lo ngại cuộc chiến thương mại có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu. Bên cạnh đó, nhu cầu vàng tăng ở Ấn Độ trong mùa lễ hội cũng đã góp phần tạo xu hướng tích cực cho những thời điểm giá tăng đó. Ấn Độ dự kiến sẽ tăng mua vàng thêm ít nhất 10% (so với cùng kỳ năm ngoái) trong mùa lễ hội Akshaya Tritiya
Về triển vọng của giá vàng, ngân hàng UBS cho rằng sự thiếu chắc chắn trong mối quan hệ Mỹ - Trung cũng như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chưa chắc sẽ nâng lãi suất trong năm nay hoặc năm tới là một số yếu tố sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá mặt hàng này.
Sắt thép giảm tiếp
Giá sắt và thép tại Trung Quốc chưa hết đà giảm do lo căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Kết thúc phiên giao dịch, giá thép cây trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 1,4% xuống 3.731 CNY (551,28 USD)/tấn, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 1,5% xuống 3.687 CNY/tấn.
Các thương gia Trung Quốc tuần vừa qua còn tồn kho 12,41 triệu tấn thép, giảm 31.000 tấn so với tuần trước đó. Tuy nhiên, nhu cầu mặt hàng này trong mùa Hè cũng thường yếu bởi nhiệt độ cao và mưa nhiều gây khó khăn cho hoạt động xây dựng.
Quặng sắt trên sàn Đại Liên cũng giảm 1,2% xuống 643 CNY/tấn trong phiên vừa qua. Hãng Vale đã phải ngừng khai thác 92,8 triệu tấn quặng sắt trong tổng công suất khai thác 400 triệu tấn mỗi năm sau vụ vỡ đập hồi tháng Giêng vừa qua, và dự đoán hầu hết những mỏ đang bị dừng khai thác đó sẽ tiếp tục đóng cửa cho tới 2020. Do đó, nguồn cung quặng sắt trên thị trường thế giới dự báo sẽ tiếp tục bị hạn chế, tồn trữ có thể sẽ còn giảm tiếp.
Đồng giảm tiếp xuống thấp nhất gần 3 tháng
Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất gần 3 tháng vẫn bởi lo ngại nhu cầu sụt giảm nếu Mỹ và Trung Quốc tiếp tục bất đồng sâu sắc trong mối quan hệ thương mại.
Kết thúc phiên giao dịch vừa qua trên sàn London, giá đồng giao sau 3 tháng giảm 0,5% xuống 6.148 USD/tấn, sau khi có thời điểm trong cùng ngày chạm mức 6.119 USD - thấp nhất kể từ ngày 15/2/2019.
Tuy nhiên, thị trường vẫn hy vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ tung ra những chương trình kích thích mới để giảm bớt tác động do cuộc chiến thương mại với Mỹ. Nhập khẩu đồng thô của Trung Quốc trong tháng 4/2019 đã tăng 3,6% so với tháng 3/2019. Trong khi đó, Cochilco - ủy ban đồng Chile – thông báo sản lượng khai thác mỏ đồng ở nước này trong quý 1/2019 giảm mạnh do các vấn đề liên quan tới hoạt động, mưa lớn và khai thác quặng ở các mỏ lớn nhất bị chậm lại.
Cà phê robusta hồi phục từ mức thấp nhất 9 năm
Giá cà phê robussta đã hồi phục trở lại do các nhà xuất khẩu Việt Nam bán được nhiều cà phê xô. Robusta giao tháng 7 tới trên sàn London kết thúc phiên giao dịch giảm 5 USD tương đương 0,4% xuống 1.290 USD/tấn dù trước đó có lúc giảm xuống chỉ 1.267 USD/tấn – thấp nhất kể từ tháng 3/2010.
Arabica cũng tăng trong phiên vừa qua, hợp đồng giao tháng 7 thêm 0,55 UScent tương đương 0,6% lên 88,55 UScent/lb, mặc dù phiên trước đó có lúc giảm xuống chỉ 87,60 UScent – thấp nhất 13,5 năm.
Đường sụt giảm
Đường thô và đường trắng đều giảm giá trong phiên vừa qua do các nhà máy ép mía Brazil đang có kế hoạch tăng sản lượng đường trong năm nay, sau khi đã tập trung nhiều cho sản xuất ethanol suốt từ đầu năm.
Cuối phiên giao dịch, giá đường thô giao tháng 7/2019 giảm 0,3 UScent tương đương 2,5% xuống 11,65 UScent/lb, thấp nhất kể từ đầu tháng 10 năm ngoái. Hợp đồng này đã duy trì được mức giá trên 12 UScent suốt từ đầu năm 2019, nhưng tuần trước đã đánh mất mốc này khi giảm xuống dưới 12 UScent.
Đường trắng giao tháng 8/2019 cũng giảm 6,6 USD tương đương 2,2% xuống 321,7 USD/tấn.
Các nhà đầu tư đường đang kỳ vọng dự đoán mới nhất của hãng tư vấn F.O. Licht sẽ kéo giá đường tăng trở lại. F.O. Licht dự báo cán cân cung – cầu đường thế giới sẽ chuyển hướng thiếu hụt 1,7 triệu tấn trong niên vụ 2018/19. Nguyên nhân bởi giá đường duy trì lâu quanh mức thấp nhất 10 năm đã khiến nhiều nông dân chuyển sang những cây trồng khác, điển hình là Thái Lan. Sản lượng đường của Brazil được dự đoán sẽ vẫn ở mức thấp vì các nhà máy thích sản xuất ethanol hơn là đường.
F.O. Licht dự báo sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2019/20 sẽ giảm 1,2 triệu tấn xuống 181,5 triệu tấn.
Cao su giảm vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Giá cao su trên thị trường Tokyo – tham chiếu cho toàn thị trường cao su Châu Á – quay đầu giảm trong phiên vừa qua do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng. Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng kỳ hạn giao tháng 10/2019 giảm 1,8 JPY (0,0163 USD) xuống 189 JPY/kg.
Sữa tăng phiên thứ 11 liên tiếp
Giá sữa trên thị trường thế giới tăng trong phiên giao dịch thứ 11 liên tiếp (diễn ra 2 tuần một lần) do nguy cơ sản lượng của New Zealand sụt giảm.
Chỉ số giá sữa GDT tăng 0,4%, giá bán trung bình đạt 3.490 USD/tấn. Trong phiên giao dịch trước, chỉ số này đã tăng 0,5%.
Nguồn cung từ New Zealand giảm sút trong khi nhu cầu mạnh từ Châu Á đã đẩy giá liên tiếp tăng trong các phiên đấu giá năm nay. Ngân hàng ASB dự báo xu hướng tăng sẽ còn tiếp diễn khi niên vụ 2019/20 bắt đầu từ tháng 6 tới.
Dưa hấu giảm ở Trung Quốc
Công nghệ trồng dưa hấu ở Trung Quốc không ngừng được cải thiện, nay đã cho phép lựa chọn thời điểm thu hoạch. Hiện trên thị trường này vẫn còn dưa của vùng Hải Nam, trong khi các khu vực Quảng Đông, Giang Tô, Sơn Đông và Hà Nam cũng bắt đầu thu hoạch dưa. Tuy nhiên, nguồn cung không dư thửa nên nông dân vẫn đảm bảo thu lợi nhuận. Giá giảm so với cách đây một tuần nhưng vẫn duy trì ở mức khoảng 2 CNY (0,3 USD)/0,5 kg, tức là cao hơn so với tuần cuối tháng 4.
Giá thủy hải sản sẽ không ngừng tăng
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, giá thủy sản trung bình trên toàn cầu ở thời điểm 2030 sẽ tăng 25% so với 2016 do nhu cầu thủy sản toàn cầu tăng nhanh trong khi khai thác và nuôi trồng tăng chậm, nhất là ở Trung Quốc - nhà cung cấp hàng đầu thế giới. Dự báo trong giai đoạn đó, giá bột cá sẽ tăng 20%, trong khi dầu cá tăng 16%.
Tổng sản lượng thủy sản toàn cầu dự kiến sẽ đạt 201 triệu tấn vào năm 2030, tức là tăng 18% (tương đương 30 triệu tấn) so với 171 triệu tấn của năm 2016, tỉ lệ tăng hàng năm chỉ đạt 1% trong giai đoạn 2016 - 2030 so với 2,3% của giai đoạn 2003 - 2016.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay