Vào tháng 3 năm 2009, khi bài kiểm tra sức chịu đựng (stress-tests) tại các định chế tài chính của Mỹ thúc đẩy cơn co thắt cuối cùng của cuộc khủng hoảng tín dụng năm trước đó, cái giá để mua tất cả cổ phần của Citigroup Inc., Royal Bank of Scotland Plc và Barclays Plc (với tổng tài sản đạt 8,4 nghìn tỷ đô la Úc, tương đương 11 nghìn tỷ USD) thậm chí còn thấp hơn mức bạn phải trả để sở hữu Westpac Banking, 1 ngân hàng Úc với 347 tỷ USD tài sản.
Chất lượng tài sản của các ngân hàng: cuối cùng thì, chỉ số P/B của các ngân hàng lớn ở Úc cũng đã đứng sau Mỹ
6 năm sau đó, tức là vào năm 2015, giá cổ phiếu của Commonwealth Bank of Australia (CBA) lập đỉnh với chỉ số P/B gấp gần 3 lần giá trị tài sản ròng của ngân hàng này - con số đáng kinh ngạc đối với ngành ngân hàng vốn có chỉ số P/B luôn ở mức thấp hơn con số này trong suốt thập kỷ vừa qua.
Tuy nhiên trong bối cảnh ngành công nghiệp dịch vụ tài chính của Úc bị điều tra dồn dập với một loạt bê bối, những ngày tươi đẹp của các ngân hàng Úc đã phải chấm dứt. Đầu tuần này, CBA đã phải trả 700 triệu đô Úc (533 triệu USD) để dàn xếp vụ bê bối liên quan đến hành vi rửa tiền, họ thừa nhận rằng một bản cập nhật phần mềm đã khiến cho khoảng 54.000 giao dịch không được báo cáo trong khoảng thời gian gần ba năm.
P/B của nhóm các cổ phiếu ngân hàng trong chỉ số S&P 500 đang "tiến tới" mức ngang hàng với nhóm cổ phiếu ngân hàng trong chỉ số ASX 200 của Úc
Hôm thứ Sáu vừa rồi, Australia & New Zealand Banking Group và các chi nhánh ở Úc của Deutsche Bank AG và Citigroup thông báo rằng có thể họ đang phải đối mặt với các vụ kiện hình sự liên quan đến vụ xử lý 2,5 tỷ đô Úc cổ phiếu ANZ trong năm 2015.
Các giám đốc điều hành bị triệu tập theo yêu cầu của chính phủ và phải đền bù hàng trăm triệu đô theo sự dàn xếp từ phía toà án không phải là chuyện "thú vị" cho các tiêu đề báo chí, nhưng sẽ là một sai lầm khi cho rằng đây là nguyên nhân duy nhất khiến các ngân hàng Úc đi xuống.
Khi thu nhập ròng mỗi năm của các ngân hàng như CBA chỉ rơi vào khoảng 10 tỷ đô Úc, thì khoản phạt 700 triệu đô Úc là con số không hề nhỏ. Nhưng việc cổ phiếu của ngân hàng này lại tăng thêm 1,2% sau khi thỏa thuận được công bố hôm thứ Hai lại là một dấu hiệu cho thấy cổ đông của công ty đón nhận mức phạt này một cách tích cực để giải quyết triệt để những vấn đề từ quá khứ.
Những rủi ro lớn hơn đối với các ngân hàng Úc không "ẩn nấp" trong các tài liệu từ các nhà lập pháp và điều tra viên, mà chính là trên các con phố ngổn ngang của những vùng ngoại ô.
Đi tìm nguyên nhân sâu xa khiến các ngân hàng Úc lao dốc, hãy nhìn vào một chỉ số cũng được NHTW Úc ưa thích: giá thuê nhà. Theo cục thống kê quốc gia, giá thuê nhà ở Úc đã tăng ít hơn mức 1% trong 9 quý liên tiếp, đây là diễn biến tồi tệ nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng nhà đất đầu những năm 1990.
Giá cho thuê ở 8 thành phố lớn của Úc đang ở mức thấp nhất trong vòng 25 năm trở lại đây
Lý do khá đơn giản: cuối cùng Úc đã xây dựng đủ nhà để đáp ứng với lượng dân số ngày càng tăng của họ. Sau nhiều năm rơi vào tình trạng thiếu nhà ở, theo dự đoán sắp tới Úc sẽ có khoảng 164 nghìn ngôi nhà dư thừa khi so sánh với năm 2012, thời điểm số lượng nhà cho thuê giảm chạm mức đáy.
Trong quá khứ, khi số lượng nhà ở bùng nổ như vậy thường có khuynh hướng "trùng hợp" với thời kỳ khi tín dụng thế chấp được phổ biến rộng rãi. Điều đó có nghĩa là, sự sẵn có của các khoản cho vay một cách dễ dàng đã khiến cho thị trường duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, nhưng lần này thì khác.
Bởi sự giới hạn về các tiêu chuẩn tín dụng của Tổ chức Giám sát tài chính Úc (APAR), tốc độ cho vay đang ở mức chậm nhất trong vài năm trở lại đây. Trên khắp các ngân hàng "Big Four", giá trị các khoản vay mua nhà của chủ sở hữu và nhà đầu tư tăng đều mỗi năm nhưng cũng chỉ đạt 4,8% trong tháng Tư, tháng duy nhất trong vòng 13 năm qua ở dưới mức 5%.
Tốc độ tăng của các khoản vay mua nhà từ các ngân hàng "Big Four" của Úc đang ở mức thấp kỷ lục
Các dấu hiệu đã quá rõ ràng. Tại Sydney, giá nhà giảm 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở các vùng ngoại ô thì đã giảm sâu tới 10%, theo Business Insider. Theo Tạp chí Financial Review của Australia, tỷ lệ nhà bán đấu giá thành công vào cuối tuần trước đã hướng tới mức 50%, báo hiệu tình trạng "tụt dốc thảm hại".
Điều đó còn tệ hơn là những hoạt động truyền thông không hiệu quả hay do các khoản tiền phạt khổng lồ, đó mới là lý do tại sao "thời hoàng kim" các ngân hàng ở Úc đang đi đến hồi kết. Khi bong bóng"Nhà ở", thứ đem lại lợi nhuận bền vững cho một thế hệ đang bắt đầu tan vỡ, và với lãi suất trên khoản nợ hộ gia đình khổng lồ của đất nước này được dự báo sẽ bắt đầu tăng vào cuối năm nay, thì điều tồi tệ nhất có thể vẫn chưa đến.