Thị trường chứng khoán đã nối dài chuỗi ngày giảm điểm lên phiên thứ 4 liên tiếp khi VN-Index mất thêm gần 23 điểm (-1,96%) và rơi xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 2/2021. Sắc đỏ bao trùm trên hầu hết các nhóm cổ phiếu, thậm chí một loạt cái tên “hot” thời gian gần đây còn giảm kịch sàn.
Cổ phiếu nóng đồng loạt giảm sàn
Đầu tiên phải kể đến bộ đôi cổ phiếu HAG của HAGL và HNG của HAGL Agrico. 2 cổ phiếu cùng chịu áp lực bán mạnh và đóng cửa tại mức giá sàn nhưng HAG “trắng bên mua” còn HNG vẫn có lực cầu.
Trước đó, HAG đã liên tục tăng mạnh từ đáy hồi giữa tháng 6 cùng câu chuyện heo ăn chuối tốn nhiều giấy mực. Mặc dù giảm mạnh phiên hôm nay nhưng cổ phiếu này vẫn cao hơn 80% so với cách đây hơn 3 tháng. Do đó, áp lực chốt lời mạnh cũng không quá bất ngờ. Trong khi đó, HNG chỉ có một nhịp hồi ngắn ngủi hồi trung tuần tháng 7 mà không tạo ra được nhịp tăng nào thực sự nổi bật. Cổ phiếu này bắt đầu đi xuống từ cuối tháng 8 và đã tiến gần hơn đến vùng đáy trước đó sau phiên hôm nay.
Cùng trong lĩnh vực nông nghiệp, 2 cổ phiếu PAN của PAN Group và DBC của Dabaco cũng có một phiên giao dịch đầy sóng gió. Đây đã là phiên thứ 3 liên tiếp DBC giảm mạnh (gần 7%) nhưng cổ phiếu này vẫn cao hơn gần 30% so với đáy hồi giữa tháng 6. Giá thịt lợn liên tục giảm mạnh gần đây cũng phần nào ảnh hưởng đến diễn biến cổ phiếu này. Trong khi đó, PAN không hồi phục nhanh từ đáy như DBC nhưng lại bền bỉ hơn. Mặc dù giảm mạnh phiên hôm nay, cổ phiếu này vẫn ghi nhận mức tăng 23% sau 3 tháng.
Không khả quan hơn là mấy, 3 cổ phiếu đầu ngành xây dựng là CTD của Coteccons, HBC của Hòa Bình Corp, FCN của Fecon đều bị bán mạnh và đóng cửa sàn “trắng bên mua” với thanh khoản cao. Trước đó, cùng với kỳ vọng giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy nhanh tiến độ, các cổ phiếu xây dựng đã có nhịp hồi khá khả quan thời gian qua. Sau phiên giảm mạnh hôm nay, đà tăng của CTD (+46%), HBC (+27%), FCN (+27%) cũng đã bị thu hẹp đáng kể.
Nhóm cổ phiếu bảo hiểm tăng nóng gần đây cũng chịu áp lực chốt lời mạnh, đặc biệt là 2 cái tên MIG của Bảo hiểm Quân đội và VNR của Vinare còn nằm sàn. Trước đó, nhóm này đã có vài phiên đồng loạt bứt phá sau thông tin Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành trong đó bao gồm cả trần lãi suất tiền gửi. Với đặc thù nắm giữ lượng tiền gửi lớn, cổ phiếu nhóm bảo hiểm được dự báo sẽ hưởng lợi từ xu hướng tăng lãi suất. Dù vậy, trong bối cảnh thị trường biến động khó lường, nhóm này cũng chịu áp lực chốt lời mạnh là điều khó tránh khỏi.
Tương tự với bộ đôi cổ phiếu ngành điện là NT2 của Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 và VSH của Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh. Cả 2 cổ phiếu này đều có nhịp tăng bền bỉ thời gian gần đây và lên đỉnh lịch sử giữa lúc sóng gió bủa vây thị trường. Do đó, áp lực chốt lời mạnh đè nặng lên 2 cổ phiếu này trong ngắn hạn là điều không quá bất ngờ dù triển vọng ngành điện vẫn được đánh giá khả quan nhờ nhu cầu tiêu thụ và giá điện tăng cao.
Đại diện hiếm hoi trong nhóm bất động sản đi ngược thị trường thời gian gần đây là VCG của Vinaconex cũng bị xả mạnh phiên hôm nay. Cổ phiếu này giảm sàn “trắng bên mua” với thanh khoản cao nhưng vẫn còn dư bán sàn hàng triệu đơn vị. Trước đó, trong bối cảnh nhóm bất động sản gặp nhiều sóng gió, VCG vẫn lầm lũi đi lên. Dù giảm mạnh phiên hôm nay, cổ phiếu này vẫn cao hơn đến gần 50% so với đáy cách đây hơn 3 tháng.
Đồng cảnh ngộ, CTR của Viettel Construction và FRT của FPT Retail đã nối dài chuỗi giảm điểm bằng một phiên sàn. Cả 2 cổ phiếu này đều đã đánh mất toàn bộ thành quả tăng giá trong tháng 8 trước đó. FRT đã giảm về vùng đáy gần nhất trong khi CTR cũng chỉ còn cách đôi chút khoảng 9%.
Hiện tượng thời gian gần đây là cổ phiếu CFV của Cà phê Thắng Lợi cũng giảm sàn phiên thứ 2 liên tiếp với thanh khoản nhỏ giọt 100 đơn vị. Sau khi tăng sốc 23 phiên trần liên tiếp, cổ phiếu này đi ngang vùng đỉnh trong một vài phiên trước khi quay đầu. Dù giảm mạnh 2 phiên vừa qua nhưng thị giá CFV vẫn cao gấp 15 lần so với thời điểm cách đây hơn 1 tháng.
Trong bối cảnh cổ phiếu vừa tăng nóng, CFV đã có giải trình đầy bất ngờ gửi Sở GDCK Hà Nội (HNX). CFV cho biết “Việc cổ phiếu công ty liên tục tăng trần và khối lượng như vậy là rất bất thường, tất cả các phiên tăng trần chỉ có một lệnh đặt mua và bán giá trần trong phiên. Công ty nghi ngờ có một số cá nhân lợi dụng lỗ hổng của TTCK tác động đến giá cổ phiếu công ty vì động cơ cá nhân”.