Thị trường nông sản trong nước:
Hiện nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã bước vào thu hoạch lúa Thu Đông, một số địa phương như An Giang, Đồng Tháp giá lúa giảm nhẹ.
Tỉnh Đồng Tháp xuống giống hơn 100.000 ha/120.008 ha lúa Thu Đông, đạt trên 91% kế hoạch. Đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch gần 10.000 ha, năng suất bình quân 5,66 tấn/ha. Hiện lúa Thu Đông thu hoạch sớm giá giảm từ 400 - 600 đồng/kg so với tháng trước.
Cụ thể, lúa tươi giống IR 50404 bán tại ruộng có giá 5.200 - 5.600 đồng/kg; OM 5451, Đài thơm 8, OM 18 có giá 5.300 - 5.500 đồng/kg….
Lúa Thu Đông phát triển tốt, nhờ áp dụng các giải pháp kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý nước hợp lý.
Mặc dù giá lúa giảm nhưng vụ lúa Thu Đông thu hoạch sớm và sau khi trừ chi phí, nông dân có lãi hơn 20 triệu đồng/ha.
Hiện nay, nhiều nông dân đang thu hoạch lúa Thu Đông sớm và mặc dù giá lúa giảm nhưng có nhiều diện tích cho năng suất cao.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 5.800 - 6.000 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; các loại lúa chất lượng ổn định. Lúa Jasmine giá từ 6.100 - 6.300 đồng/kg, lúa OM từ 5.900 - 6.100 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg
Về gạo, giá gạo thường từ 10.000 - 11.500 đồng/kg, gạo Jasmine từ 15.000 - 15.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 11.500 đồng/kg, gạo Nhật 22.500 đồng/kg…
Theo Diễn đàn của người làm cà phê, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên ngày 26/9 dao động trong khung 31.900 - 32.400 đồng/kg, tăng 100 - 200 đồng/kg so với cuối tuần trước. Mức giá này cho thấy, giá cà phê đã phục hồi nhẹ so tuần trước nữa đã bị giảm khá mạnh.
Hoạt động giao dịch cà phê tại Việt Nam trầm lắng, do các thương nhân chờ đợi vụ thu hoạch mới, trong khi khoảng cách giá giữa thị trường Việt Nam và Indonesia được thu hẹp.
Do dịch COVID-19, có nhiều người làm việc ở nhà, nên nhu cầu tiêu thụ cà phê hòa tan tại Nhật Bản tăng mạnh. Điều này làm tăng nhu cầu về cà phê robusta - loại cà phê chủ yếu được sử dụng để làm cà phê hòa tan, trong khi doanh số bán cà phê arabica - loại cà phê có chất lượng cao hơn và thường được các cửa hàng cà phê sử dụng lại giảm. Điều này làm cho lượng cà phê robusta Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật tăng mạnh và trở thành nhà cung ứng số 1 của quốc gia này.
Tại cảng TP Hồ Chí Minh, giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.486 USD/tấn, với mức chênh lệch cộng 90 - 110 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 1/2021 tại London.
Về tiêu, theo Tin Tây Nguyên, giá tiêu tại khu vực trọng điểm Tây Nguyên giao dịch ở quanh mức 48.000 - 51.000 đồng/kg, tăng 500 - 1.000 đồng/kg so với tuần trước. Ngưỡng cao nhất tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã chạm mức 51.000 đồng/kg và đây vẫn là địa phương có giá cao nhất toàn miền; Đồng Nai chốt mức thấp nhất là 48.000 đồng/kg.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, giá tiêu tăng trở lại do dịch bệnh COVID-19 được khống chế ở các quốc gia nhập khẩu hồ tiêu, cà phê của Việt Nam. Hoạt động dịch vụ, du lịch nhà hàng mở trở lại.
Thị trường nông sản thế giới:
Về thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu đều sụt giảm ở các nước sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Giá gạo ở Việt Nam tiếp tục giảm trong khi Philippines tạm ngừng nhập khẩu gạo Việt Nam khi vụ thu hoạch mới bắt đầu diễn ra đã làm tăng sức ép đối với giá nông sản này.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống còn 470 - 475 USD/tấn trong ngày 24/9, từ mức 485 - 490 USD/tấn trước đó một tuần. Theo một thương nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh, vụ Thu Đông đã bắt đầu diễn ra ở một số tỉnh thành ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó có Bạc Liêu và Đồng Tháp. Thương nhân này cho rằng giá gạo dự kiến tiếp tục giảm khi vụ Thu Đông bước vào giai đoạn cao điểm trong tháng 10/2020.
Trong khi đó, theo các thương nhân khác, Philippines đã ngừng nhập khẩu gạo từ Việt Nam và có thể chưa nối lại hoạt động này cho đến tháng 10/2020.
Còn tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm đã giảm xuống còn 475 - 495 USD/tấn trong ngày 24/9, từ mức 480 - 504 USD/tấn trong tuần trước đó, khi nhu cầu yếu và tỷ giá giữa đồng USD và baht của Thái Lan chỉ biến động nhẹ. Các thương nhân cho rằng nguồn cung gạo ở Thái Lan vẫn ổn định trước khi vụ thu hoạch tới diễn ra vào cuối tháng 10/2020 và có thể kéo giá gạo giảm mạnh hơn.
Trong khi đó, loại gạo đồ 5% tấm tại Ấn Độ - cũng là một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - được báo giá ở mức khoảng 379 - 385 USD/tấn, giảm so với mức 387 - 394 USD/tấn của tuần trước do đồng rupee của Ấn Độ giảm giá và nhu cầu yếu.
Theo một nhà xuất khẩu ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh (Ấn Độ), nhu cầu gạo hiện đang ở mức thấp và các khách hàng đang "tạm nghỉ" sau khi tăng cường mua gạo trong hai tháng 7 - 8/2020. Trong khi đó, đồng rupee trong ngày 24/9 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần một tháng qua.
Về thị trường nông sản Mỹ, kết thúc phiên giao dịch 25/9, tại Sàn giao dịch nông sản Chicago (CBOT) của Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn biến động trái chiều, trong đó giá ngô và đậu tương tăng còn giá lúa mỳ giảm.
Cụ thể, giá ngô giao tháng 12/2020 tăng 1,75 xu Mỹ (0,48%) lên 3,6525 USD/bushel khi chốt phiên còn giá đậu tương giao tháng 11/2020 đóng cửa với mức tăng 2,5 xu Mỹ (0,25%) lên 10,025 USD/bushel. Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 12/2020 giảm 5,5 xu Mỹ (1%) xuống còn 5,4425 USD/bushel khi đóng cửa (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Hoạt động mua bán ngô và đậu ổn định hơn trong khi các giao dịch liên quan tới lúa mỳ khá "èo uột". Trong khi đó, Công ty nghiên cứu AgResource dự đoán các nông dân Mỹ đang tiến hành vụ thu hoạch ngô lớn thứ hai của Mỹ và vụ thu hoạch đậu tương lớn thứ ba của nước này.
Những dự báo thời tiết cho thấy lượng mưa cuối tuần có thể giảm với một đợt không khí lạnh xuất hiện ở hai tiểu bang Illinois và Missouri của Mỹ. Dự kiến, thời tiết sẽ chuyển lạnh trong tuần tới và sau đó với tình trạng sương giá hoặc đóng băng ở khu vực phía trên của vùng Trung Tây nước Mỹ vào cuối tuần tới. Niên vụ 2020 sẽ kết thúc như mọi năm và không ảnh hưởng nhiều tới sản lượng ngô và đậu tương dự kiến trong năm 2020 của Mỹ.
Thị trường cà phê châu Á cho thấy, các thương nhân ngày 24/9 cho biết hoạt động mua bán cà phê vẫn tương đối "buồn tẻ" tại Việt Nam khi các thương nhân đang chờ đợi vụ mùa mới.
Các nông dân ở khu vực Tây Nguyên - vùng trồng cà phê lớn nhất Việt Nam - bán cà phê COFVN-DAK với giá 33.500 đồng (1,45 USD)/kg, thấp hơn mức 34.200-34.500 đồng/kg của tuần vừa qua. Một thương nhân ở Tây Nguyên cho hay tình trạng nguồn cung cà phê khan hiếm vào cuối vụ thu hoạch hiện nay sẽ giúp cà phê không tiếp tục rớt giá cho đến vụ thu hoạch tiếp theo.
Các thương nhân ở Việt Nam hiện chào báo cà phê robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% COFVN-G25-SAI với mức giá cộng tới (premiums) 110 USD/tấn cho hợp đồng giao tháng 11/2020, tăng so với mức 70-80 USD/tấn của một tuần trước đó.
Trong khi đó, tại tỉnh Lampung của Indonesia, mức giá cộng tới của cà phê robusta Sumatran giao tháng 11/2020 đã tăng lên 190 - 200 USD/tấn, từ 160 USD/tấn của tuần trước đó. Theo một thương nhân, mức tăng tiền cộng thêm này là để bù đắp cho sự sụt giảm giá cà phê thế giới. Tại thị trường cà phê Indonesia, các nhà xuất khẩu vẫn mua cà phê với mức giá tương đương của tuần trước đó trong khi nguồn cung và khối lượng cà phê mua bán vẫn ở mức cao.