Nếu được thông qua, chính sách này được xem là biện pháp kích thích tiêu dùng, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Khách hàng sẽ tiết kiệm một khoản đáng kể
Theo đó, Bộ Tài chính vừa có công văn số 6506/BTC-CST gửi các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan xin ý kiến về việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vào thời điểm từ 1/8/2024 đến hết ngày 31/1/2025.
Theo Bộ Tài chính, tại Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất, đóng góp hàng tỷ USD vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, doanh số toàn thị trường ô tô những tháng đầu năm 2024 sụt giảm đáng kể. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng toàn thị trường các đơn vị thành viên những tháng đầu năm 2024 liên tiếp sụt giảm và lũy kế 5 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 108.309 xe, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xe lắp ráp giảm 14% và xe nhập khẩu tăng 8%.
Để góp phần kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp, tạo đà để phục hồi tăng trưởng cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp cần thiết.
Theo tính toán, việc giảm 50% LPTB có thể giúp khách hàng tiết kiệm một khoản đáng kể. Cụ thể, tại thị trường Việt Nam ô tô có giá rẻ nhất là Kia Morning MT có giá bán 349 triệu đồng, khi giảm 50% LPTB mức giảm tương đương 17,45 triệu đồng; và mẫu xe hạng sang phổ biến như Mercedes-Benz E 300 AMG FL có giá bán 3,209 tỷ đồng, sẽ mức giảm 192 triệu đồng. Với mức giảm như vậy và tùy theo địa phương áp dụng mức thu lệ phí trước bạ 10% hoặc 12% nên sẽ giúp người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được một khoản đáng kể. Góp phần thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế
Thực tế cho thấy, thị trường ô tô Việt Nam trầm lắng từ đầu năm đến nay, nhiều hãng xe đã chủ động điều chỉnh giá bán, ưu đãi lệ phí trước bạ không chỉ cho xe lắp ráp trong nước mà còn cho cả xe nhập khẩu nguyên chiếc, hoặc giảm tiền trực tiếp cho khách hàng từ vài chục đến cả hàng trăm triệu đồng.
Cụ thể, Hyundai Thành công đã điều chỉnh giá bán cho loạt sản phẩm của mình như Hyundai Venue, Hyundai Elantra, Hyundai Custin, Hyundai Santa Fe với mức giảm từ 20 triệu đến 100 triệu đồng. Honda Việt Nam ưu đãi 50% lệ phí trước bạ cho Honda CR-V và City, mức giảm tương ứng từ gần 28 triệu đến 78 triệu đồng, đặc biệt giảm tiền mặt đến 220 triệu đồng cho khách Honda Accord nhập khẩu. Haval H6 Hybrid cũng giảm 100 triệu đồng tiền mặt và 50% lệ phí trước bạ cho khách mua xe nâng tổng mức giảm lên đến 166 triệu đồng...
Mặc dù doanh nghiệp giảm giá, ưu đãi là vậy, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, trước thông tin đề xuất giảm lệ phí trước bạ , nhiều khách hàng vẫn có tâm lý thăm dò và chờ đợi chính sách giảm LPTB có hiệu lực để có thể sở hữu ô tô với giá "mềm" hơn.
Anh Hoàng Trung, tư vấn bán hàng Honda quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, hiện tại có khá nhiều khách hàng đã đến xem chốt mẫu xe, nhưng vẫn muốn nghe ngóng thêm về thời điểm chính thức giảm lệ phí trước bạ . Thậm chí, có những khách hàng đã đặt cọc nhưng yêu cầu đại lý bàn giao xe sang tháng 8 tới để được hưởng lợi “kép” tức là gồm cả khuyến mãi từ đại lý và hỗ trợ trước bạ từ Chính phủ.
Đồng quan điểm trên, tư vấn bán hàng của Toyota ở quận Hoàng Mai bổ sung rằng hiện tại giá bán xe ở như ở “đáy”, nhưng tâm lý khách hàng chờ đợi chính sách ban hành để hưởng lợi “kép” có thể khó thúc đẩy doanh số bán xe trong tháng 7 này. Trong khi đó, anh Hoàng Tùng ở quận Hai Bà Trưng cho rằng, trong bối cảnh thị trường ô tô trầm lắng do yếu tố kinh tế, bên cạnh chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ, rất có thể họ doanh nghiệp sẽ tăng thêm ưu đãi đối với hàng tồn để kích cầu mua sắm nửa cuối năm và cũng là để quay vòng đồng vốn, nên anh sẽ chờ đợi sang tháng sau mới mua xe.
Trước đó, sau khi áp dụng giảm lệ phí trước bạ trong nửa cuối 2020 và 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh số bán ô tô toàn thị trường chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ. Đặc biệt, doanh số nửa cuối 2020 đạt 189.451 xe, tăng 76% so với 6 tháng đầu năm 2020 và 33% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi con số này trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 252.932 xe, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, trong lần áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ gần đây nhất được áp dụng trong 6 tháng cuối năm 2023, kết quả không như mong đợi. Doanh số ô tô cả thị trường chỉ ở ngưỡng trên dưới 25.000 xe/tháng và doanh số tăng đột biến vào tháng 12/2023 mức 38.740 xe. Qua đó cho thấy, mặc dù đã được ưu đãi 50% lệ phí trước bạ trong 6 tháng cuối 2023, nhưng doanh số xe bán ra vẫn sụt giảm mạnh, chủ yếu xuất phát từ yếu tố kinh tế.
Mặc dù vậy, đại diện VAMA nhận định, việc giảm LPTB là vô cùng cần thiết trong bối cảnh kinh tế khó khăn và sức mua ô tô sụt giảm như hiện nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Chính sách này được áp dụng không chỉ có mục tiêu hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước mà còn góp phần thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.
Khi chi phí ban đầu giảm, người tiêu dùng sẽ có động lực mạnh hơn để quyết định mua xe, từ đó kích thích nhu cầu tiêu dùng và thúc đẩy doanh số bán xe. Đặc biệt, thời điểm áp dụng ưu đãi kéo dài trong 6 tháng, trong đó có tháng trùng với dịp Tết Âm lịch - mùa mua sắm cao điểm trong năm, hứa hẹn sẽ làm thị trường ô tô cuối năm thêm sôi động.