Nhu cầu phân bón không cao
Tính đến đầu tháng Tám, lượng phân bón đã tiêu thụ cho lúa Hè Thu ước đạt khoảng 750-830 nghìn tấn, tương đương khoảng 98% tổng nhu cầu. Hiện tại chỉ còn khoảng 2% tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón còn lại chưa sử dụng chăm bón cho lúa Hè Thu, trong đó rải rác tại các tỉnh ven biển Sóc Trăng, Kiên Giang, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau và Bến Tre. Trong đó, nhu cầu sử dụng DAP đã hoàn thành, nhu cầu tiêu thụ Kali còn khoảng 6%, nhu cầu NPK khoảng 3% và nhu cầu ure còn khoảng 2%.
Tại miền Bắc, các tỉnh vẫn đang trong giai đoạn gieo cấy lúa vụ mùa, tuy nhiên nhiều khu vực tiếp tục có mưa nhiều trong tuần này, hoạt động chăm bón bị trì hoãn. Tại miền Trung, lúa Hè Thu tại các tỉnh miền Trung đã hoàn thành giai đoạn chăm bón, nhu cầu gần như tạm ngưng, hiện chủ yếu có ít nhu cầu lai rai cho hoa màu, cây ăn trái. Tại miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, cây công nghiệp chủ yếu đã qua giai đoạn cao điểm chăm bón đợt 1 trong mùa mưa nên nhu cầu chậm lại. Dự kiến khoảng giữa tháng Tám này, cây công nghiệp sẽ có nhu cầu chăm bón đợt 2.
Trong khi đó, sản lượng phân đạm ure sản xuất trong tháng Bảy đạt khoảng 205 nghìn tấn, tăng 10 nghìn tấn so với tháng Sáu. Cùng đó, lượng phân ure nhập khẩu trong tháng Bảy cũng đạt 30 nghìn tấn. Tồn kho ure cuối tháng Bảy ước đạt 389 nghìn tấn, tăng 38 nghìn tấn so với cuối tháng Sáu.
Vì vậy, giá ure tuần cuối tháng Bảy có xu hướng giảm tại hầu hết các khu vực khi 2 nhà máy phía Bắc đã giảm giá lệnh 200 đồng/kg từ ngày 27/7, dù nhà máy Đạm Cà Mau giữ giá lệnh không đổi từ ngày 26/7.
Đối với phân DAP, hoạt động nhập khẩu chủng loại phân bón này khá sôi động khi có 21.500 tấn nhập về Việt Nam chỉ trong tuần cuối cùng của tháng Bảy từ 24/7-30/7. Dự kiến trong tháng 8 và tháng 9, tiếp tục có thêm 1 số tàu DAP được giao về Việt Nam. Tính đến cuối tháng Bảy, tồn kho DAP ước đạt 263 nghìn tấn, tăng 29 nghìn tấn so với tháng 6 trong bối cảnh giao dịch DAP cũng trầm lắng và giá chào bán các chủng loại DAP hiện ổn định so với tuần trước.
Đối với phân tổng hợp NPK, chào giá NPK nhập khẩu ổn định, trong khi chào giá NPK sản xuất trong nước tăng nhẹ trong bối cảnh tồn kho NPK tính đến hết tháng Bảy ở mức 509 nghìn tấn, giảm 53 nghìn tấn so với tháng Sáu.
Đẩy mạnh xuất khẩu khi nhu cầu trong nước giảm
Để hoạt động kinh doanh hiệu quả khi nhu cầu tiêu thụ phân bón cho sản xuất nông nghiệp ở trong nước không cao, các doanh nghiệp sản xuất phân bón tại Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng thời điểm giá phân bón thế giới tăng lên do nhu cầu tiêu thụ phân bón cho mùa vụ tăng.
Theo số liệu tin cậy của Công ty cổ phần Dự báo và Nghiên cứu thị trường Việt Nam (Công ty mà các nhà sản xuất phân bón trong nước đều đang sử dụng số liệu thị trường phục vụ điều hành sản xuất), hoạt động xuất khẩu phân bón đã chậm lại từ tuần cuối tháng Bảy, trong đó có hơn 6.800 tấn ure (ure Phú Mỹ, ure Cà Mau và ure Hà Bắc) được xuất khẩu, giảm 4.000 tấn so với tuần trước đó.
Số liệu thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường quốc tế Argus cũng cho thấy hiện ure Trung Quốc đang thiếu trên thị trường xuất khẩu đã khiến giá ure hạt trong được chào thầu lên tới 370 USD/tấn FOB tại Indonesia, nhưng hoạt động xếp hàng tại cảng Bontang vẫn bị chậm trễ. (Giá FOB là giá tại cửa khẩu bên nước người bán, đã bao gồm toàn bộ chi phí vận chuyển lô hàng ra cảng, thuế xuất khẩu và thuế làm thủ tục xuất khẩu).
Tại các thị trường phía Tây Suez, giá ure hạt đục tại Brazil không đổi ở mức 355-360 USD/tấn CFR (giá CFR là giá tại cửa khẩu của bên xuất và cước phí vận chuyển) do nhu cầu hạn chế từ châu Âu và Hoa Kỳ cản trở giá hồi phục..
Dự kiến nhu cầu phân bón ure sẽ mạnh hơn từ thị trường châu Âu và Hoa Kỳ từ tháng Chín. Nhu cầu tăng tại một số thị trường châu Á khi một số đấu thầu mua hàng đã diễn ra tại Sri Lanka, Pakistan… và kỳ vọng một phiên thầu nhập khẩu ure của Ấn Độ sẽ được phát hành trong 1 hoặc 2 tuần tới. Tại châu Mỹ, hoạt động giao dịch không sôi động. Giá ure hạt đục tại Hoa Kỳ/Brazil nhìn chung giảm nhẹ 3-7 USD/tấn/st so với tuần trước.
Theo CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), doanh nghiệp luôn ưu tiên cung ứng phân bón tại thị trường trong nước, đáp ứng nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, trong những thời điểm thấp vụ, PVCFC sẽ hướng trọng tâm kinh doanh sang thị trường thế giới, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu không chỉ mặt hàng chủ lực mà còn cho nhóm phân bón hóa chất khác.
Hiện các nhà tiêu thụ lớn phân bón của thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil và châu Âu đồng loạt đấu thầu lại để đảm bảo nguồn cung phân bón . Trung Quốc và Nga cũng kéo dài thời gian hạn chế xuất khẩu phân bón . Vì vậy, đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu khi nhu cầu trong nước thấp điểm. Với lợi thế hiện hữu tại trên 18 quốc gia trên thế giới, PVCFC tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường đã chiếm lĩnh và mở rộng thâm nhập sang các thị trường mới.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, DCM đã và đang đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh; phát triển hạ tầng kho cảng, logistics, đảm bảo rút ngắn thời gian, tối ưu chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, DCM cũng triển khai các giải pháp tăng công suất vận hành nhà máy an toàn lên 10%-20%.
Tương tự như vậy, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo) tiếp tục vận hành các nhà máy sản xuất phân bón hiệu quả, an toàn và ổn định; ưu tiên hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. PVFCCo cũng tiếp tục theo dõi chặt diễn biến thị trường, tăng cường dự báo để có quyết định kinh doanh tối ưu. Cùng đó, PVFCCo cũng xem xét chuyển đổi mô hình kinh doanh, hệ thống phân phối để phù hợp với bối cảnh thị trường. Ngoài ra, PVFCCo đặt mục tiêu tìm kiếm và tận dụng mọi cơ hội xuất khẩu sang Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Philippines nhằm giảm áp lực dư cung từ thị trường nội địa trong giai đoạn thấp điểm mùa vụ.