Ông Mark Wall, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Deutsche Bank (Đức), cho rằng khu vực sử dụng đồng tiền chung euro sẽ tăng lãi suất 50 điểm % vào tháng 7. Lạm phát cao tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu đối với các nhà hoạch định chính sách tại châu Âu.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau nhấn mạnh lạm phát không chỉ quá cao mà còn lan rộng, đồng thời kêu gọi bình thường hóa chính sách tiền tệ chứ không phải thắt chặt.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh được cho là sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm % tại cuộc họp sắp tới trong tháng này. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng dự kiến tăng lãi suất cơ bản lên 50 điểm % vào tuần tới và một lần nữa vào tháng 7.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 7-6 cho rằng lạm phát dự kiến vẫn ở mức cao do giá năng lượng và lương thực tăng cao cùng sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Bà Yellen nhấn mạnh hạ nhiệt lạm phát là ưu tiên số 1 của Mỹ và lưu ý rằng nỗ lực này được thực hiện nhờ nền kinh tế Mỹ đang ở "một vị thế mạnh mẽ".
Tuy nhiên, công cụ theo dõi GDPNow của FED ở khu vực Atlanta đang chỉ ra rằng nền kinh tế số 1 thế giới có thể sắp ghi nhận thêm quý tăng trưởng âm lần thứ 2 liên tiếp, đáp ứng điều kiện về kịch bản suy thoái kinh tế.
Trong một báo cáo cập nhật được công bố ngày 7-6, công cụ theo dõi GDPNow cho thấy nền kinh tế Mỹ dự kiến chỉ tăng trưởng 0,9% trong quý II/2022 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo 1,3% được đưa ra một tuần trước đó.
Không tỏ ra lạc quan, Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 7-6 đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu và cảnh báo nhiều quốc gia có thể rơi vào suy thoái. WB dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào khoảng 2,9% trong năm nay, thấp hơn mức dự báo 4,1% vào tháng 1. Cơ quan này cũng dự báo tỉ lệ tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và 2024 khoảng 3%.
Theo WB, giá dầu sẽ tăng 42% trong năm nay và giá hàng hóa phi năng lượng dự kiến tăng 18%. Chủ tịch WB David Malpass nhận định nhiều khả năng kinh tế tăng trưởng chậm sẽ kéo dài trong thập kỷ này do sự suy giảm về đầu tư ở hầu hết các nơi trên thế giới.