Dầu giảm trong ngày, tăng trong tuần và giảm trên 6% trong tháng 8
Giá dầu giảm trong phiên vừa qua, trong đó dầu thô Mỹ giảm gần 3% trước khi cơn bão nhiệt đới đến gần bờ biển Florida, nhưng tính chung cả tuần vẫn tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 7/2019, do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt. Mức kháng cự của giá dầu thô Mỹ hiện là 56,96 – 57,30 USD/thùng.
Tính theo tháng, giá dầu Brent giảm 7,3% trong khi dầu WTI giảm 6% trong tháng 8/2019. Nguyên nhân chủ yếu do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Kết thúc phiên này, dầu Brent giảm 65 US cent tương đương 1,1% xuống 60,43 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 1,61 US cent tương đương 2,8% xuống 55,10 USD/thùng.
Bão nhiệt đới Dorian đã tăng cường độ khi áp sát bờ biển Florida, làm tăng nguy cơ một số vùng của bang này bị ảnh hưởng bởi gió mạnh.
Sản lượng dầu thô Mỹ tháng 6/2019 giảm tháng thứ 2 liên tiếp, giảm 33.000 thùng/nghày xuống 12,08 triệu thùng/ngày, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ. Các công ty năng lượng Mỹ đã cắt giảm 12 giàn khoan trong tuần tới 30/8/2019, đưa tổng số giàn khoan giảm còn 742, theo số liệu của công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Như vậy, số giàn khoan đã giảm tháng thứ 9 liên tiếp và hiện thấp nhất kể từ tháng 1/2018.
Tuy nhiên, sản lượng dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) đã tăng 80.000 thùng/ngày trong tháng 8/2019, là tháng tăng đầu tiên trong năm nay.
Kết quả thăm dò của Reuters cho thấy các nhà phân tích dự báo giá dầu Brent sẽ trung bình 65,02 USD/thùng trong năm 2019. Đây là con số dự báo thấp nhất trong vòng hơn 16 tháng. Nguyên nhân bởi khả năng nhu cầu giảm trên toàn cầu do kinh tế suy yếu bởi cuộc chiến thương mại.
Vàng giảm trong ngày và nhưng tăng 7,4% trong tháng 8
Giá vàng giảm trong phiên vừa qua do chứng khoán và trái phiếu hồi phục nhẹ. Tuy nhiên, tính cả tháng 8/2019, giá tăng tháng thứ 4 liên tiếp bởi giới đầu tư tìm đến những tài sản an toàn trước mối lo ngại về suy thoái toàn cầu và sự thiếu chắc chắn trong mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cuối phiên vừa qua, vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.520,4 USD/ounce, tính chung cả tháng 8/2019 tăng 7,4%; vàng kỳ hạn tháng 12/2019 giảm 0,5% xuống 1.529,4 USD/ounce trong khi kỳ hạn tháng 9 và 10/2019 cũng giảm lần lượt từ 1,526,5 USD và 1.530,5 USD xuống 1.519,1 USSD và 1.523 USD/ounce.
Hiện tại, thị trường vàng đang tập trung vào ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bởi trong trường hợp này các ngân hàng trung ương trên thế giới có thể tăng cường chính sách nới lỏng tiền tệ. Dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng trung ương Châu Âu sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng tới để kích thích kinh tế. Đường cong lợi suất trái phiếu Mỹ đảo ngược (kỳ hạn ngắn cao hơn kỳ hạn dài) cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại vì đây là chỉ báo của sự suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, những dấu hiệu tích cực khi các nhóm đàm phán của Mỹ và Trung Quốc tăng cường liên lạc để chuẩn bị cho cuộc đàm phán vào tháng 9 tới đã khiến chứng khoán và trái phiếu Mỹ tăng điểm, cản trở đà tăng của giá vàng.
Khí gas vững, nhu cầu của Nhật tăng trước khi mùa Đông đến
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại Châu Á tuần này vững do khách hàng Nhật Bản có nhu cầu mua để dự trữ trước khi mùa Đông đến, trong bối cảnh Australia và Malaysia tăng lượng hàng chào bán.
LNG kỳ hạn tháng 10/2019 giao tới Đông Bắc Á hiện giá khoảng 4,7 USD/triệu đơn vị nhiệt lượng Anh (mmBtu), vững so với tuần trước. Khách hàng Nhật đang tìm mua khí gas kỳ hạn quý 4/2019 cũng bởi lý do tranh thủ lúc giá thấp, và thời tiết nóng ở Nhật gần đây chắc chắn đã khiến lượng khí dự trữ giảm nhiều.
Nickel cao kỷ lục 5 năm do Indonesia cấm xuất khẩu
Giá nickel vừa lập kỷ lục cao nhất 5 năm sau khi lãnh đạo của hãng sản xuất lớn của Indonesia thông báo nước này sẽ cấm xuất khẩu từ tháng 12 tới, gây lo ngại sẽ thiếu cung trên toàn cầu. Lượng nickel lưu kho trên sàn LME hiện là 109,950 tấn, giảm 20% so với đầu năm 2019, càng làm gia tăng nỗi lo thiếu cung.
Hợp đồng tham chiếu mặt hàng nickel kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 8,8% trong phiên vừa qua, đạt 17.900 USD/tấn, mức tăng hàng ngày lớn nhất kể từ 2009. Từ đầu năm tới nay, giá nickel – nguyên liệu sản xuất thép không gỉ - đã tăng 70%, nhiều nhất trong số các kim loại công nghiệp.
Sắt thép hồi phục
Giá quặng sắt hồi phục 4% trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng, tuy nhiên tính chung tháng 8 vẫn giảm lần đầu tiên kể từ tháng 11/2018 do nguồn cung tăng mà triển vọng nhu cầu lại ảm đạm.
Kết thúc phiên vừa qua, quặng kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Đại Liên tăng 4% lên 607,5 CNY/tấn, trong ngày có lúc đạt gần 608,5 CNY. Tuần qua, có lúc giá xuống thấp nhất gần 3 tháng. Trên sàn Singapore, quặng kỳ hạn tháng 10/2019 tăng 5,1% lên 91,6 USD/tấn. Hợp đồng quặng (62%) nhập khẩu tham chiếu tại Trung Quốc phiên 29/8 ở mức thấp nhất 5 tháng rưỡi, là 85 USD/tấn, thấp hơn rất nhiều so với mức cao 126,5 USD/tấn của ngày 3/7/2019.
Lượng quặng nhập khẩu lưu tại các cảng Trung Quốc đã tăng tuần thứ 6 liên tiếp và hiện ở mức cao nhất 3 tháng, 124,65 triệu tấn.
Thép cũng hồi phục trong phiên vừa qua. Thép xây dựng trên sàn Thượng Hải tăng 1,4% lên 3.350 CNY/tấn, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,9% lên 3.407 CNY/tấn.
Lúa mì Mỹ thấp nhất 10 năm
Giá lúa mì vụ Xuân của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm do nguồn cung lớn. Hiện giá hợp đồng tham chiếu ở mức 4,77-1/2 USD/bushel (kỳ hạn giao sau 4 tháng), thấp nhất kể từ tháng 10/2009. Lúa mì vụ Xuân kỳ hạn tháng 12/2019 giảm 1% xuống 4,96-3/4 USD/bushel, trong phiên có lúc chỉ 4,96-1/4 USD/bushel.
Đường giảm 8,8% trong tháng 8
Giá đường giảm mạnh trong phiên vừa qua, hợp đồng đường thô kỳ hạn tháng 10/2019 có lúc chạm 11,05 US cent/lb, thấp nhất trong vòng 11 tháng, và kết thúc ở mức giảm 0,97 US cent tương đương 0,6% xuống 11,14 US cent/lb. Tính chung cả tháng 8/2019, đường thô đã mất 8,8%, là tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2018. Đồng real Brazil yếu đi đã góp phần gây giảm giá trên thị trường đường.
Đường trắng kỳ hạn tháng 10/2019 cũng giảm 2,7 USD tương đương 0,9% xuống 301,6 USD/tấn, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất 1 tháng là 301 USD/tấn.
Ấn Độ tuần này đã thông qua chương trình khuyến khích xuất khẩu trong niên vụ 2019/20, và điều này đã gây tác động tiêu cực lên giá đường. Tuy nhiên, không rõ liệu Ấn Độ có cho phép xuất khẩu tới 6 triệu tán đường khi giá thấp như hiện nay hay không. Ngoài ra, ngành ethanol Brazil đang nhắm tới thị trường Trung Quốc khi nước Châu Á này đặt mục tiêu nâng tỷ lệ pha trộn ethanol trong xăng lên 10%, nhưng mục tiêu này chắc chắn chưa thể sớm đạt được.
Cà phê tháng 8 giảm 2,4%
Giá cà phê arabica tăng 1,6 US cent tương đương 1,7% trong phiên vừa qua, lên 96,85 US cent/lb. Tuần qua, xu hướng giảm giá cà phê trước đó đã được kiềm chế bởi thời tiết xấu ở Brazil có thể khiến cho sản lượng bị hạn chế.
Robusta kỳ hạn tháng 11/2019 tăng 9 USD trong phiên vừa qua, tương đương 0,7%, lên 1.334 USD/tấn, nhưng tính chung cả tháng vẫn giảm 2,4%.
Cao su tăng trong ngày nhưng giảm trong tuần
Giá cao su trên sàn Tokyo tăng trong phiên vừa qua sau khi Mỹ và Trung Quốc tỏ nhiều dấu hiệu về thiện chí giải quyết bất đồng thương mại. Tuy nhiên, tính chung cả tuần vẫn giảm tuần thứ 3 liên tiếp.
Kết thúc phiên này, hợp đồng kỳ hạn tháng 2/2020 trên sàn TOCOM tăng 3,9 JPY tương đương 2,4% lên 163,5 JPY (1,55 USD)/kg, tính chung cả tuần giảm 1,4%.
Cao su kỳ hạn tháng 1/2020 tại Thượng Hải cũng tăng 140 CNY trong phiên này, lên 11.815 CNY (1.666 USD)/tấn, sau khi có lúc đạt mức cao nhất kể từ 19/6 là 11.870 CNY/tấn.
Cacao giảm trên 7% trong tháng 8
Giá cacao kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn New York tăng 37 USD trong phiên vừa qua, đạt 2.222 USD/tấn, nhưng tính chung cả tháng 8 vẫn giảm 7,4%. Trên sàn London, cacao cũng tăng 22 GBP trong phiên này, tương đương 1,3% lên 1.709 GBP/tấn, mặc dù có lúc chạm mức thấp nhất 3 tháng rưỡi là 1.684 GBP/tấn; tính chung cả tháng giảm 8,6%.
Tuy nhiên, thị trường vừa có thông tin hỗ trợ sau khi Tổ chức cacao quốc tế giảm một nửa mức dự báo về dư thừa cacao quốc tế niên vụ 2018/19 do mức tăng sản lượng chậm lại, trong khi lượng xay nghiền cacao trên toàn cầu tăng lên xấp xỉ mức nhu cầu. Cụ thể, dư cung cacao niên vụ 2018/19 dự báo sẽ chỉ còn 18.000 tấn. Trong khi đó, cacao xay nghiền trong vụ này dự báo sẽ tăng 33.000 tấn lên 4,783 triệu tấn.
Gừng, ớt, cà chua có xu hướng giảm
Sau giai đoạn tăng mạnh, giá gừng tại Trung Quốc đang ổn định trở lại, và có thể sẽ giảm nhẹ trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện giá vẫn cao hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá ớt tại Trung Quốc ổn định trong 2 tháng qua và nhìn chung giảm so với năm ngoái. Nguyên nhân bởi giá rất cao từ nửa cuối 2018 đến nửa đầu năm 2019 khiến nguồn cung tăng lên.
Giá cà chua tại Trung Quốc bắt đầu giảm và dự báo sẽ tiếp tục thấp từ nay tới cuối năm 2019. Nguyên nhân bởi sau khi giá thấp kỷ lục ở 6 tháng đầu năm 2018 thì nông dân từ bỏ việc trồng cà chua, khiến giá tăng mạnh từ đó tới tháng 6/2019, lập kỷ lục cao vào 6 tháng đầu năm 2019. Nhưng theo quy luật, giá cao sẽ lại khích lệ nông dân tăng trồng loại cây này, và do đó xu hướng tăng giá lại đảo ngược.
Giá một số mặt hàng chủ chốt