Đó là dự báo của Alexander Gordienko, Giám đốc mảng kinh doanh quốc tế của tập đoàn Tây Ban Nha,Celsa Group.
Cụ thể, tại Hội nghị IREPAS lần thứ 84 và Hội thảo SteelOrbis Mùa Xuân 2021 diễn ra ngày 15/3 vừa qua với gần 1000 đại biểu tham dự, ông Gordienko, dự báo nhu cầu và giá thép sẽ cùng tăng trong năm nay.
Sự hồi phục về nhu cầu thép thế giới ở nửa cuối năm 2020 đã đẩy giá tất cả các loại thép tăng lên, và hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Trong đó, đáng chú ý là giá thép cuộn đã đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử.
"Nền kinh tế toàn cầu năm 2020 đã vượt xa kỳ vọng khi chỉ giảm 3,5%, nhờ tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2020 mạnh mẽ hơn dự kiến. Những nền kinh tế phát triển bị ảnh hưởng nặng nề nhất nên giảm 4,9%, trong khi các nền kinh tế mới nổi hoạt động tốt hơn nên chỉ giảm 2,4%", ông Gordienko cho biết.
Các nền kinh tế trên toàn cầu dự báo sẽ hồi phục theo hình chữ V trong năm nay, nhưng mức độ mạnh mẽ còn tùy thuộc vào khả năng tiếp cận vắc xin và các chính sách kích thích kinh tế của chính phủ. Đó sẽ là cơ sở để nhu cầu thép thế giới năm nay cũng sẽ hồi phục theo hình chữ V.
Đối với các sản phẩm thép dài, tiêu thụ trong năm 2020 mặc dù kém do đại dịch Covid-19, song tiêu thụ nhóm sản phẩm này vẫn đạt 905 triệu tấn, tăng 0,7% so với năm 2019. Trong khi đó, tiêu thụ thép cuộn và thép thanh thương phẩm tăng lần lượt 2% và 3,2% so với năm trước, còn tiêu thụ thép hình và thép cây giảm lần lượt 3,2% và 0,6%. Tiêu thụ thép cây giảm tập trung chủ yếu ở các nước thế giới thứ 3, do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Trung Quốc đã tăng thị phần của mình trong sản lượng thép dài thế giới lên 61,2%. Trung Quốc nói riêng và Châu Á nói chung vẫn là thị trường tiêu thụ thép dài chủ chốt, và trong tương lai gần xu hướng này sẽ chưa thay đổi.
Tính chung trên toàn thế giới, sản lượng thép năm 2020 chỉ giảm 1%, nhưng nếu loại trừ Trung Quốc thì sản lượng thép thế giới năm qua giảm 8%.
Về nhu cầu thép toàn cầu, Trung Quốc vẫn dẫn dắt nhu cầu. Thị trường này tiêu thụ không chỉ thép nội mà cả thép nhập ngoại. Dự báo nhu cầu thép thế giới năm 2021 sẽ tăng lên 1,72 triệu tấn, so với 1,65 triệu tấn của năm 2020. Tuy nhiên, mức tiêu thụ của năm 2021 vẫn thấp hơn khoảng 3% so với năm 2019.
Dự báo của ông Gordienko cũng trùng lặp với suy đoán của ngành thép Trung Quốc. Theo đó, các nhà sản xuất thép nước này dự báo kinh doanh trong quý II/2021 sẽ tiếp tục thuận lợi do nhu cầu tiếp tục cao và giá nguyên liệu thép hạ nhiệt.
Tại Hội thảo do Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc tổ chức, HBIS Group và Anshan Iron and Steel, hai công ty thép lớn của Trung Quốc, đều lạc quan về triển vọng thị trường thép trong quý tới, nhận định nhu cầu sẽ tăng mạnh mẽ nhờ lĩnh vực xây dựng của nước này.
Sản lương thép Trung Quốc 2 tháng đầu năm nay đã tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành xây dựng khi vào mùa cao điểm, mặc dù chi phí nguyên liệu cao làm giảm lợi nhuận của ngành thép.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc ngày 18/3 đã tăng 2,5% lên 1.089 CNY (167,35 USD)/tấn, không xa mấy so với mức cao kỷ lục mọi thời đại là 1.185 CNY/tấn của hôm 3/3 do lo ngại về nguồn cung. Giá thép thanh Trung Quốc tuần này tăng 0,4% lên 4.746 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng tăng 0,6% lên 5.026 CNY/tấn, còn thép không gỉ hiện là 13.965 CNY/tấn.
Lạc quan trên thị trường thép Việt Nam
Tại Việt Nam, ngành thép cũng phải đương đầu với nhiều khó khăn do dịch Covid-19, tương tự như tình hình chung của ngành thép toàn cầu. Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2020, thị trường thép bắt đầu hồi phục. Cụ thể, nếu như trong 6 tháng đầu năm có sản lượng sản xuất và tiêu thụ giảm, thì kể từ tháng 7 ngành này đã có sự phục hồi. Tính chung trong 11 tháng đầu năm 2020, sản xuất thép các loại đạt 23,3 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ 2019. Đáng chú ý, xuất khẩu thép năm 2020 ghi nhận mức tăng trưởng tốt, với lượng xuất khẩu đạt 9,86 triệu tấn, trị giá gần 5,26 tỉ USD, tăng mạnh gần 48% về lượng, tăng 25% về trị giá so với năm 2019.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công của các địa phương trong năm 2020 đã góp phần thúc đẩy sản lượng tiêu thụ của toàn ngành thép trong bối cảnh thị trường ảm đạm vì dịch bệnh.
Tình hình năm 2021 tiếp tục có những dấu hiệu khả quan. Theo VSA, trong 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thép các loại đã đạt trên 1 triệu tấn và tăng 67,4% so với cùng kỳ.
Số liệu cụ thể của VSA cho thấy, đối với thép thô, cả nước đã sản xuất đạt 3.192.000 tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020. Tiêu thụ đạt 3.126.000 tấn, tăng 35% so với cùng kỳ. Thép thành phẩm các loại sản xuất đạt hơn 4,7 triệu tấn, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tiêu thụ đạt 3.897.428 tấn, tăng 31,1% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 1.008.987 tấn và tăng 67,4% so với 2 tháng đầu năm 2020. Đây được coi là điểm sáng của thị trường thép Việt Nam trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2021.
Về tình hình sản xuất, tiêu thụ thép xây dựng, trong tháng 2, sản lượng sản xuất thép xây dựng và tiêu thụ sản phẩm đều giảm so với tháng 1/2021 và cùng kỳ năm 2020 nhưng nếu tính chung cả 2 tháng đầu năm 2021 thì sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng vẫn giữ được đà tăng nhẹ so với cùng kỳ. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2021, sản xuất thép xây dựng đạt 1.625.368 tấn, tăng 1,2% và tiêu thụ đạt 1.280.160 tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020.
Với sự phục hồi rõ rệt của ngành thép từ những tháng cuối năm ngoái kéo dài sang đầu năm nay, có thể kỳ vọng ngành thép sẽ có triển vọng tích cực trong năm 2021, nhu cầu thép dự báo sẽ tăng từ 3-5% với kỳ vọng kinh tế vĩ mô phục hồi, làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng.
Ngành thép sẽ được hưởng lợi lớn khi các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai như cao tốc Bắc-Nam, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành. Cùng với đó, thị trường nhà ở được dự báo có thể nóng trở lại trong 2021. Đây cũng là yếu tố giúp ngành thép tăng trưởng.
Ngoài ra, trước các cơ hội từ hội nhập, đặc biệt là việc thực thi các hiệp định thương mại, việc gỡ bỏ một loạt thuế quan sẽ giúp các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia trong khối có ký các FTA cũng sẽ giúp Việt Nam được hưởng lợi về giá.
Về tương lai ngành thép toàn cầu, theo nhận định của chuyên gia Alexander Gordienko: "Các nhà máy sản xuất đã hồi phục từ mức 'đáy' chưa từng thấy trong lịch sử (trong năm 2020). Song liệu xu hướng hiện tại có duy trì được hay không? Liệu những chính sách hỗ trợ tài chính có tạo ra một siêu chu kỳ mới đối với hàng hóa trong năm 2021 hay không? Những câu hỏi này và một số điều không chắc chắn khác sẽ phụ thuộc vào sự thành công của chiến dịch tiêm chủng vắc xin và những chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Mỹ".
Nguồn tham khảo: Hellenicshippingnews, Steelorbis