Ngày 12/8, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã cập nhật số liệu mới nhất về tình hình thị trường thép trong nước. Théo đó, sau khi tăng trưởng liên tiếp trong 5 tháng đầu năm, đầu tháng 6, giá nguyên liệu sản xuất thép đã đồng loạt giảm.
Cụ thể, giá CRF (Cost and Freight) quặng sắt loại 62% Fe - nguyên liệu chính cho các nhà máy sản xuất thép trong nước ngày 9/8 giao dịch ở mức 108,55-109,05 USD/tấn, tại cảng Thiên Tân (Trung Quốc), giảm khoảng 4,2 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 7/2022. Mức giá này giảm khoảng 102-104 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021 (dao động 210 – 212 USD/tấn).
Giá FOB (Free on board) than mỡ luyện cốc (Hard coking coal) xuất khẩu tại cảng Australia ngày 9/8 giao dịch ở mức khoảng 183 USD/tấn, giảm khoảng 520 USD so với tháng 4.
Nguồn: VSA
Tháng 7, giá thép phế nội địa giảm 1-1,4 triệu đồng/tấn, hiện dao động ở mức 8,8 – 9 triệu đồng/tấn. Giá CFR phế nhập khẩu giảm 130 USD/tấn, ở mức 370 USD/tấn vào cuối tháng 07- đầu tháng 8.
Giá điện cực than chì (GE) tại Trung Quốc giảm tháng thứ hai liên tiếp, giảm 3-11% trong tháng 7. Diễn biến này do tình hình kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn bởi chính sách zero Covid, lĩnh vực xây dựng chậm lại và các biện pháp về kiểm dịch đang tác động mạnh lên các nhà máy.
Giá CFR cuộn cán nóng (HRC) ngày 9/8 ở mức 606 USD/tấn tại cảng Đông Á, giảm khoảng 28 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 7.
Theo VSA, thị trường thép cán nóng (HRC) thế giới biến động khiến thị trường HRC trong nước gặp khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép…) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.
Tháng 7, sản xuất thép thành phẩm đạt hơn 2,25 triệu tấn, giảm 6,19% so với tháng trước và giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng bán hàng thép các loại đạt 1,99 triệu tấn, giảm gần 11,5% so với tháng trước và giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 7 tháng đầu năm, sản lượng sản xuất thép thành phẩm đạt trên 18,8 triệu tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng bán hàng thép thành phẩm đạt 17,1 triệu tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng xuất khẩu đạt 4,14 triệu tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: VSA
Tình hình xuất nhập khẩu trong 7 tháng qua cũng ghi nhận đi xuống. Theo số liệu mới nhất Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam trong tháng 6 đạt 860 ngàn tấn, tăng 15,8% so với tháng trước nhưng giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm 2021. Trị giá xuất khẩu đạt 913 triệu USD, tăng gần 13% so với tháng 5 nhưng giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 4,38 triệu tấn thép các loại, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá xuất khẩu đạt 5 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện nay, thép Việt Nam không chỉ có mặt ở thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á, mà còn mở rộng ra các thị trường lớn, đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, xuất xứ và môi trường như các nước Mỹ, EU…
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), bên cạnh EU, Mỹ là thị trường xuất khẩu tiềm năng của các doanh nghiệp thép của Việt Nam. Tuy nhiên, việc sản lượng xuất khẩu gia tăng, đồng nghĩa các mặt hàng thép trong nước phải đối diện nhiều hơn các vụ điều tra phòng vệ từ chính thị trường này.
Mới trong tháng 7 vừa qua, ngành thép liên tục nhận 2 vụ việc kháng kiện. Cụ thể, ngày 29/7, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, nước này cáo buộc Việt Nam đã nhập khẩu thép cán nóng (HRS) từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ sau đó gia công, chế biến đơn giản thành ống thép và xuất sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.
Trước đó, ngày 28/7, Bộ Kinh tế Mehico cũng đã đăng công báo chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam trên cơ sở đơn kiện của ngành sản xuất trong nước.
Theo thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong thời gian kể từ 2004 – 7/2022 năm nay, nước ngoài kiện thép xuất khẩu của Việt Nam là 68 vụ việc; trong đó, kiện chống bán phá giá 38 vụ, kiện chống trợ cấp 3 vụ, kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp 6 vụ, kiện điều tra áp dụng biện pháp tự vệ 13 vụ, kiện chống lẩn tránh thuế 8 vụ.
Nguồn: VSA
Trong những năm gần đây, ngành sản xuất thép trong nước đang có những bước tiến rõ rệt và hạn chế sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Ngành thép Việt Nam cũng đã đạt được thành tựu to lớn khi lần đầu tiên trong lịch sử xuất siêu thép vào năm 2021.
Tuy nhiên, trong khi nguồn cung thép xây dựng trong nước đang dư thừa hơn 1,7 triệu tấn thì Việt Nam vẫn đang nhập siêu gần 2 triệu tấn sắt thép các loại. Đây được xem là một nghịch lý của ngành thép Việt Nam khi nguồn cung Thép xây dựng vẫn dư thừa nhưng các loại sắt thép làm nguyên liệu đầu vào sản xuất lại rất thiếu, ngay cả như phế liệu.
Theo Bộ Công thương, hạn chế của ngành thép là mới chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng, còn thép trong lĩnh vực chế tạo, chế biến, cơ khí, hoặc công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa thể đáp ứng được.
Đồng thời, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của ngành thép đa phần phải nhập khẩu, nên giá thành sản phẩm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường nước ngoài. Đây vẫn được xem là một trong những thách thức lớn của ngành sản xuất thép trong nước trong thời gian tới.
Trong hơn 2 tháng qua, giá thép đã chứng kiến 13 lần giảm liên tiếp với tổng mức giảm lên đến khoảng 4-5 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu, loại thép và vùng miền. Giá thép trong nước hiện đã giảm về mức thấp hơn giá hồi đầu năm nay.
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, những yếu tố khiến triển vọng thị trường thép nửa cuối năm khá u ám, bao gồm tốc độ giải ngân đầu tư công chậm, ngân hàng siết tín dụng bất động sản, thị trường Trung Quốc, mùa cao điểm xây dựng đã qua…