Nửa đầu năm 2021 diễn ra đầy thăng hoa với TTCK Việt Nam khi hàng loạt kỷ lục được thiết lập. Kết thúc phiên giao dịch 30/6, chỉ số VN-Index dừng tại 1.408,55 điểm, tăng 27,6% so với đầu năm và là chỉ số chứng khoán tăng mạnh thứ 2 trên thế giới.
Không chỉ tăng mạnh về điểm số, thanh khoản thị trường cũng bùng nổ với hàng loạt phiên giao dịch "tỷ đô", khiến cho hệ thống giao dịch gặp phải sự cố nghẽn lệnh hy hữu. Dư nợ margin trên toàn thị trường cũng liên tiếp thiết lập những đỉnh cao mới. Tính tới 30/6, dư nợ cho vay tại các CTCK (chủ yếu là dư nợ margin) lên tới 145.000 tỷ đồng (~6,3 tỷ USD) và là con số kỷ lục từ trước tới nay, trong khi số dư tiền gửi nhà đầu tư tại các CTCK cũng cao chưa từng có với 86.000 tỷ đồng.
Sự bùng nổ của thị trường thời gian qua có đóng góp không nhỏ từ lớp nhà đầu tư mới gia nhập thị trường. Trong nửa đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 620 nghìn tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng lượng tài khoản mở mới trong năm 2020 và 2019 cộng lại.
Với sự tăng trưởng ngoạn mục về quy mô của thị trường thời gian qua, các Công ty chứng khoán (CTCK) là đối tượng hưởng lợi trực tiếp nhất. Báo cáo KQKD 6 tháng đầu năm của các CTCK đã cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ.
Thống kê 32 CTCK, chiếm khoảng 95% thị phần thị trường cho biết tổng lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 10.061 tỷ đồng, tăng 159% so với cùng kỳ năm trước. Con số lợi nhuận trong 6 tháng vừa qua thậm chí tương đương tổng lợi nhuận cả năm 2020 của các CTCK.
Trong 6 tháng đầu năm, Chứng khoán Techcombank (TCBS) là CTCK có KQKD tốt nhất với lợi nhuận sau thuế lên tới 1.475 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. TCBS cũng là CTCK duy nhất có lợi nhuận vượt mốc 1.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021.
KQKD ấn tượng của TCBS có đóng góp không nhỏ từ hoạt động kinh doanh trái phiếu. Bên cạnh đó, các mảng kinh doanh lõi của CTCK như môi giới, cho vay margin hay tư vấn tài chính cũng rất hiệu quả.
Đáng chú ý, hoạt động môi giới chứng khoán của TCBS mang về doanh thu 351 tỷ đồng trong nửa đầu năm, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước nhưng chỉ phí chỉ vỏn vẹn 59 tỷ đồng. Với việc áp dụng công nghệ, sử dụng ít nhân viên, TCBS là CTCK có hiệu quả từ mảng môi giới cao nhất thị trường.
Trong khi đó, hoạt động cho vay cũng mang về cho TCBS 303 tỷ đồng doanh thu trong nửa đầu năm, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước. Tính tới 30/6, dư nợ cho vay của TCBS lên tới 8.569 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với đầu năm.
Xếp thứ 2 về lợi nhuận trong nửa đầu năm nay là SSI khi báo lãi 992,4 tỷ đồng sau thuế, tăng 84% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, VNDIRECT (VND) có nửa đầu năm bứt phá ngoạn mục với lợi nhuận 905 tỷ đồng, tăng 369% so với cùng kỳ, qua đó vươn lên vị trí thứ 3 về lợi nhuận trong nhóm CTCK.
Trong top 10 CTCK có lợi nhuận lớn nhất thị trường, FPTS là cái tên nổi bật khi công bố lợi nhuận nửa đầu năm nay tăng trưởng tới 1.582% so với cùng kỳ, đạt 375,85 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận có phần đột biến này bên cạnh việc tăng trưởng hoạt động kinh doanh lõi còn có đóng góp không nhỏ từ việc đánh giá lại khoản đầu tư vào cổ phiếu MSH.
Ở nhóm các CTCK nhỏ, Chứng khoán Đại Nam (DNSE) là CTCK có mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng với 2.870%, đạt 27,62 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021. DNSE được biết tới là CTCK áp dụng nhiều công nghệ trong hoạt động kinh doanh. Cổ đông lớn của DNSE là nhóm EnCapital, liên quan tới ông Nguyễn Hoàng Giang – cựu CEO VNDIRECT.
Trong khi đó, Pinetree sau vài quý thua lỗ liên tiếp đã bắt đầu có lãi. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Pinetree đã có lãi hơn 7 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước công ty lỗ hơn 8 tỷ đồng. Pinetree được biết tới là CTCK áp dụng phí giao dịch cũng như margin ưu đãi hàng đầu thị trường hiện nay.
Top 10 CTCK có lợi nhuận lớn nhất nửa đầu năm 2021
Đà tăng trưởng nhóm chứng khoán sẽ không còn quá thuận lợi trong nửa cuối năm?
Với số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam hiện chỉ khoảng 3,4 triệu, tương đương 3,4% dân số, rõ ràng cơ hội tăng trưởng của ngành chứng khoán trong những năm tới là rất lớn.
Tuy vậy theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trong ngắn hạn, sau nhịp bùng nổ mạnh đầu năm, nhóm chứng khoán có thể sẽ khó duy trì đà tăng trưởng mạnh như vậy trong nửa cuối năm nay. Điều này đến từ yếu tố diễn biến thị trường chung được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn tới hoạt động tự doanh không còn quá thuận lợi như thời gian qua.
Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường sau giai đoạn tăng đột biến vừa qua có thể sẽ "hạ nhiệt" đôi chút nếu diễn biến thị trường không quá tích cực. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu từ cho vay cũng như môi giới của các CTCK.