"Tăng trưởng tín dụng thấp là một trong các điểm tích cực nhất"
Theo báo cáo thường niên của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tốc độ tăng cung tiền M2 và tín dụng đều giữ xu hướng giảm. Tỷ lệ M2/GDP đến cuối năm 2018 ước khoảng 168%, tăng thấp hơn so với bình quân giai đoạn 2012-2016. Tín dụng năm 2018 ước tăng 14-15%, thấp hơn 3-4 điểm phần trăm so với năm 2017. Đây cũng là mức thấp nhất từ năm 2015 đến nay.
Tỷ lệ tín dụng/GDP khoảng 134%, tăng 1,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2017, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2015. Cung tiền, tín dụng đang dần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô.
Cùng quan điểm trên, Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chính sách công, Trường Đại học Fulbright Việt Nam, cũng cho rằng việc giữ tăng trưởng tín dụng thấp là một trong các điểm tích cực nhất trong năm nay.
"Năm 2018, về phía cầu, tăng trưởng GDP không cần nhờ tăng trưởng tín dụng. Khác với hai năm trước, tín dụng thường xuyên tăng trên 18%, đẩy tỷ lệ thâm dụng tín dụng lên cao. Chúng tôi cũng như nhiều nhà đầu tư đều cho rằng không thể tiếp tục duy trì bởi nếu giữ tăng trưởng 17-18% đến năm 2020 sẽ gây mất bình ổn cho nền kinh tế", vị chuyên gia này chia sẻ.
Huy động vốn ngoại tệ tăng gấp 8 lần, lãi tiền đồng bình quân 5,25%
Trong khi tín dụng giảm tốc, tăng trưởng vốn huy động toàn hệ thống ước tương đương năm 2017. Hệ số LDR khoảng 87,5% từ mức 87,8% năm 2017. Thanh khoản của hệ thống TCTD được đảm bảo mặc dù kém dồi dào hơn vào cuối năm. Tuy nhiên, từ cuối tháng 7/2018, thanh khoản kém dồi dào hơn chủ yếu do áp lực từ phía tỷ giá và nhu cầu về vốn cuối năm tăng cao. Trong khi, nửa đầu năm 2018, thanh khoản hệ thống TCTD được hỗ trợ từ việc NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm VND tăng từ mức bình quân khoảng 1,53% trong đầu năm lên khoảng 3% trong nửa cuối năm 2018.
Lãi suất bình quân 2018 qua đêm (2,7%), huy động (5,2%), cho vay (8,8%)
Nguồn vốn huy động từ TCKT và dân cư tăng trưởng ổn định so với năm 2017 với vốn huy động ước tăng 15% so với năm 2017, cao hơn tốc độ năm 2017 (14,6%).
Vốn huy động VND tăng khoảng 14,3%. Trong khi huy động ngoại tệ tăng khoảng 17%, gấp hơn 8 lần tốc độ tăng trưởng năm 2017 (2,1%). Tỷ trọng vốn ngoại tệ nhờ đó tăng lên 9,9% tổng vốn huy động.
Trên thị trường dân cư, lãi suất tiền gửi và cho vay đều tăng. Lãi suất tiền gửi bình quân tăng từ 5,11% năm 2017 lên 5,25% năm. Lãi suất cho vay bình quân từ mức 8,86% năm 2017 lên khoảng 8,91%.
Nguyên nhân là do kỳ vọng lạm phát tăng trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới biến động và các TCTD cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong năm 2019 như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống 40% và chuẩn bị tăng vốn cấp 2 theo Basel II. Ước tính tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn bình quân giảm xuống còn 28,7%, từ mức 30,4% năm 2017.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, lãi suất năm 2019 có thể có những yếu tố thuận lợi do áp lực lạm phát có thể giảm bớt khi giá dầu thế giới không biến động nhiều và đồng USD dự báo suy yếu làm giảm áp lực từ phía tỷ giá.