Chứng khoán Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục trong 3 tháng, tiếp nối đà thăng hoa trong thời gian gần đây và ghi nhận diễn biến vượt trội hơn so với các thị trường khác. Động lực thúc đẩy là chính sách tập trung vào tăng trưởng của quốc gia này đã thu hút được nhà đầu tư toàn cầu, tìm kiếm đà hồi phục từ đợt bán tháo mạnh trên thị trường thế giới.
Chỉ số CSI 300 đã tăng tới 3% ở phiên chiều 15/6, theo đó đưa mức tăng trong tháng 6 lên hơn 5% trong bối cảnh thị trường toàn cầu "đỏ lửa". Trước đó, S&P 500 và MSCI World Index đã rơi vào thị trường giá xuống, trong bối cảnh nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản trong cuộc họp đêm nay.
Giới đầu tư đang đặt cược chính sách hỗ trợ của Trung Quốc sẽ giúp vực dậy nền kinh tế nước này sau khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Số liệu sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ mới được công bố cho thấy sự khả quan trong tháng 5. Ảnh hưởng bởi những đợt phong tỏa kéo dài nhiều tuần tại nhiều thành phố quan trọng, chứng khoán Trung Quốc đã thể hiện khả năng hồi phục ở đúng thời điểm thị trường toàn cầu lao dốc, một phần cũng nhờ Bắc Kinh nới lỏng quy định với lĩnh vực công nghệ.
Diễn biến của CSI 300 và S&P 500.
Redmond Wong – chiến lược gia thị trường tại Saxo Capital Markets, cho hay: "Chúng ta đang chứng kiến sự hồi phục của nền kinh tế trong tháng 5, điều này có tác động rất tích cực đối với tâm lý thị trường. Điều quan trọng là hiện tại, dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát ra sao và liệu những đợt phong tỏa có tái diễn hay không."
Ở phiên 15/4, chứng khoán Trung Quốc có diễn biến khởi sắc nhất châu Á, với lĩnh vực tài chính dẫn đầu đà tăng. Cổ phiếu của một số công ty môi giới bao gồm Everbright Securities Co. và CSC Financial Co. tăng 10% trong 2 ngày liên tiếp. Chỉ số theo dõi các nhà phát triển bất động sản của Bloomberg Intelligence cũng giao dịch tích cực khi doanh số bán nhà ghi nhận đà tăng theo tháng lần đầu tiên trong năm nay.
Thị trường Trung Quốc tăng giá ngay cả khi PBOC không điều chỉnh lãi suất cho vay trung hạn 1 năm, giữ nguyên ở mức 2,85%. Một số nhà phân tích được thăm dò ý kiến đã dự báo mức giảm 5 hoặc 10 điểm cơ bản.
Trong tháng 5, CPI của Trung Quốc chỉ tăng 2,1% so với 1 năm trước, thấp hơn nhiều so với con số 8,6% của Mỹ. Diễn biến này được coi là cơ hội đối với các nhà chức trách Trung Quốc trong việc nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ khi cần thiết.
Castor Pang – trưởng bộ phận nghiên cứu của Core Pacific-Yamaichi International, nhận định: "Việc không hạ lãi suất lúc này là một bước đi hợp lý, vì Trung Quốc không cần vội vàng. Nhà đầu tư đang chờ đợi Bắc Kinh đưa ra một loạt các biện pháp để tiếp tục hỗ trợ thị trường, chứ không chỉ là một thông báo hạ lãi suất."
CSI 300 gần chạm ngưỡng trung bình động 100 ngày.
Trong một dấu hiệu cho thấy tâm lý thị trường đang hồi phục, doanh thu đối với các cổ phiếu tại đại lục đã đạt mức cao kỷ lục 1 nghìn tỷ NDT (149 tỷ USD) trong ngày. Tại Hồng Kông, Hang Seng Index tăng 1,7%, còn Hang Seng Tech Index tăng hơn 3%.
Khi thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục hồi phục sau khi chạm đáy vào giữa tháng 3, các chiến lược gia và nhà quản lý tài sản ngày càng lạc quan về diễn biến. Khối ngoại đã mua hơn 13 tỷ NDT cổ phiếu đại lục tính đến chiều 15/6 và tiếp tục tốc độ mua vào liên tục trong tháng này (ngoại trừ 1 ngày).
Song, một yếu tố quan trọng đang gây áp lực lên thị trường đó là việc Bắc Kinh vẫn cam kết thực hiện chiến lược zero Covid. Việc kiểm soát dịch trên quy mô nhỏ vẫn diễn ra thường xuyên ngay cả khi Thượng Hải đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa và quy định này chỉ áp dụng với một số ít địa điểm có ca nhiễm. Điều này có thể tác động đáng kể đến đà tăng đang có của thị trường.
Selina Sia – trưởng bộ phận nghiên cứu chứng khoán Trung Quốc tại Credit Suisse Wealth Management, cho biết: "Những đợt phong tỏa chính là rủi ro chính. Hy vọng rằng, điều tồi tệ nhất đã trôi qua. Đương nhiên, trong tương lai, quá trình hồi phục hoàn toàn có thể sẽ kéo dài thêm một thời gian. Song, tôi kỳ vọng thị trường đang đi đúng hướng và mọi thứ có thể chuyển biến tích cực hơn."
Tham khảo Bloomberg