Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, virus corona bùng phát đã tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất và thương mại tôm toàn cầu, khiến nguồn cung dư và giá thấp, theo đánh giá của ông Gorjan Nikolik - chuyên gia phân tích tại Rabobank. Virus corona xuất hiện đầu tiên tại Trung Quốc, sau đó lan sang Châu Âu vào đúng mùa tiêu thụ tôm mạnh nhất trong năm.
Cho tới nay, dịch bệnh này đã và đang tiếp tục ảnh hưởng rõ rệt hơn tới hoạt động nuôi trồng, thương mại tôm của một số thị trường nguồn cung lớn trên thế giới như: Ecuador, Ấn Độ, Indonesia,Thái Lan… và cả Việt Nam.
Cuối năm 2019 và 2 tháng đầu năm 2020, các hãng xuất khẩu tôm của Ecuador đã nỗ lực đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc vốn tiêu thụ 60% nguồn tôm của nước này.
Tháng 2/2020, trong khi Trung Quốc thực hiện lệnh phong tỏa nhiều nơi để ngăn chặn virus lây lan, lượng tôm Ecuador xuất khẩu sang Mỹ đã tăng 19,4% so cùng kỳ năm ngoái, một phần do giá thấp hơn. Suốt gần 2 tháng kiểm dịch để ngăn chặn corona, tiêu thụ tôm tại Trung Quốc giảm mạnh. Dù vậy, xuất khẩu tôm của Ecuador trong tháng 2, gồm cả xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục tăng so cùng kỳ năm ngoái.
Ngay sau đó, virus corona lan nhanh từ Trung Quốc sang châu Âu, Mỹ và hầu hết các quốc gia Mỹ Latinh. Italy, quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi corona, tới nay cũng phải áp dụng nhiều biện pháp trên toàn quốc, tương tự Trung Quốc để kìm hãm sự bùng phát dịch bệnh như phong tỏa nhiều nơi và yêu cầu cư dân ở nhà. Điều này cũng tác động tiêu cực tới lĩnh vực nhập khẩu thủy, hải sản trị giá 4,7 tỷ EUR/năm của Italy, trong đó có 10% là nhập khẩu tôm. Nếu hoạt động nhập khẩu tôm bị tê liệt trên phạm vi toàn cầu, thì nhiều nhà sản xuất ở Ecuador sẽ chẳng mấy chốc sụp đổ, theo một doanh nghiệp thu mua và chế biến tôm tại Ecuador.
Virus corona đang lan nhanh tại Mỹ, nơi 50% lượng tôm được tiêu thụ tại các kênh dịch vụ ẩm thực, trong khi tỷ lệ này ở châu Âu là 20%- 30%. Lượng đơn đặt hàng giảm suốt nửa đầu năm sẽ ảnh hưởng đến giá tôm vào nửa cuối năm. Hoạt động nuôi tôm tại Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và phần còn lại của Đông Nam Á sẽ bị thu hẹp do Covid-19. Trong khi đó các công ty tại Ecuador cũng sẽ bị ảnh hưởng dù họ đang tích cực kêu gọi chính phủ trợ giúp. Những hãng sản xuất lớn hơn tại quốc gia Mỹ Latinh này có thể phải kìm hãm thời gian thu hoạch, giữ tôm trong ao. Thực tế, Ecuador còn không có cơ sở hạ tầng để chứa tôm. Tùy vào vụ thu hoạch, nhà sản xuất tại đây chỉ có khả năng tích trữ tôm tối đa 1 tuần.
Tại Ấn Độ, thu nhập của các hộ nông dân nhỏ lẻ sẽ giảm còn các công ty chế biến tôm cũng ảnh hưởng nặng do giá tôm lao dốc kéo theo tình trạng nông dân giảm thả nuôi 30 - 50%. Rất nhiều nông dân dường như đã không thả nuôi suốt thời gian Covid-19 hoành hành, theo thông tin từ Hội chợ thủy sản quốc tế Ấn Độ 2020 tại Kochi. Điều này có nghĩa giá tôm đã giảm rất mạnh trong thời gian có dịch Covid-19.
Tuần trước, giá tôm thẻ size 40 mua tại ao ở Andhra Pradesh khoảng 330 INR/kg (4,39 USD), giảm 14% so tuần 10; size 60 giá 240 INR/kg, giảm 21%. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa 21 ngày tại Ấn Độ cũng đẩy nguồn cung tôm vụ thu hoạch tháng 4 rơi vào tình trạng bất ổn. Dù các trại nuôi đều được xếp vào nhóm ngành nghề thiết yếu, nhiều nhà máy đóng gói và chế biến vẫn đang đóng cửa. Tại bang Kerala và Gujurat, tất cả các bộ phận thuộc chuỗi cung ứng thủy hải sản gồm trại giống, thức ăn, vận chuyển con giống vẫn được phép hoạt động suốt thời gian phong tỏa. Tuy nhiên, do lượng lao động ít ỏi nên họ cũng phải đóng cửa.
Liệu giá tôm có tăng sau khi cung giảm? Các hãng tôm tại Ecuador cho rằng tình trạng giá tôm duy trì ở mức thấp suốt thời gian dài không chỉ ảnh hưởng đến nông dân Ecuador mà cả Ấn Độ, Thái Lan và các nước nuôi tôm khác. Nhiều nông dân không thể trụ vững.
Các hãng tôm Ecuador đang kỳ vọng ngành tôm năm 2020 có thể đạt doanh thu xuất khẩu ấn tượng 2 tỷ USD sang Trung Quốc như năm ngoái, bất chấp các tác động của Covid-19. Các đơn đặt hàng từ Trung Quốc đã xuất hiện trở lại cũng mang lại hy vọng cho các hãng tôm Ecuador. Nhưng khi thị trường tôm Trung Quốc đang phục hồi, thì đơn hàng đi Châu Âu và Mỹ lại giảm mạnh do corona khiến giá tôm vẫn ở mức thấp.
Huy động vốn cho ngành tôm là điều rất nan giải. Giá tôm bán ra hiện không bù nổi chi phí sản xuất. Đây là tình trạng chung tại Ecuador, Ấn Độ hay Thái Lan.
Doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những tác động không nhỏ do dịch bệnh Covid-19 gây ra như bị hoãn, thậm chí bị hủy đơn hàng, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường giảm trong khi vẫn phải duy trì việc làm cho công nhân và thanh toán nhiều khoản thuế, chi phí đầu vào...
Tuy nhiên, doanh nghiệp đang nỗ lực tìm cách vượt qua khó khăn như đa dạng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh bán hàng cho các kênh siêu thị, giao hàng tại nhà, chế biến sâu để bán cho phân khúc bán lẻ thay cho phân khúc dịch vụ thực phẩm đang sụt giảm mạnh. Trong 2 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm vào 2 thị trường lớn là Trung Quốc không giảm nhiều, nhập khẩu vào Mỹ tăng do doanh số bán tôm phân khúc bán lẻ tăng mạnh, cũng là một điểm tích cực.
Giới chuyên môn cũng kỳ vọng hết quý 2, dịch bệnh lắng xuống và nhu cầu thị trường sẽ sôi động trở lại. Doanh nghiệp đang chờ các chính sách của Nhà nước để được xây dựng kho lạnh trữ hàng, chủ động được nguồn nguyên liệu khi thế giới có nhu cầu trở lại. Nhất là khi các nước nuôi tôm lớn như Ecuador và Ấn Độ cũng đang gặp nhiều khó khăn và giảm thả nuôi.