Tại Hội chợ Thủy sản Bắc Mỹ, ông Tom Miki- CEO công ty thủy sản Eastern Fish Company cho biết thị trường tôm toàn cầu đang lâm vào trạng thái "dư thừa".
Ảnh: Undercurrentnews
Tuy nhiên, ông Miki tin rằng nhu cầu tiêu thụ tôm thẻ chân trắng toàn cầu tăng sẽ góp phần hỗ trợ giá. Ông Bryan Rosenberg, Giám đốc công ty Tri-Union Frozen Foods cùng quan điểm với ông Miki.
"Nguồn cung tôm được dự đoán sẽ dồi dào kéo theo nhu cầu tiêu thụ tăng do giá tôm giảm. Tuy nhiên tôi không mấy lạc quan về biên lợi nhuận của các nhà nhập khẩu".
Một công ty khác cho hay sản lượng tôm thế giới tăng sẽ khiến giá "mềm" hơn. Tiêu thụ tôm ở Mỹ được dự đoán sẽ tăng trưởng do mức độ niềm tin tiêu dùng cao và triển vọng kinh tế tích cực.
Mặc dù vậy, một số công ty tỏ ra quan ngại khi tồn kho lớn khiến nhiều nhà máy Mỹ hạ giá để xả kho. Việc này sẽ làm giảm niềm tin trên thị trường và giảm doanh thu.
Ông Tom Miki nhận định "Từ tháng 4 trở đi, sản lượng tôm ở Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia sẽ tăng mạnh".
Các công ty Ấn Độ cũng bày tỏ quan ngại tình trạng dư nguồn cung ngay cả khi thị trường được dự đoán sẽ ổn định trong vài tháng tới. Ông Aditya Dash, Giám đốc Điều hành Nhà máy chế biến tôm tại Odisha cho biết nguồn cung tôm đông lạnh tại thị trường Bắc Mỹ quá lớn.
Đối với Việt Nam, các nhà xuất khẩu tôm còn phải đối mặt với quyết định nâng thuế chống bán phá giá của Mỹ lên tới 25,39%. Mặc dù vậy, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) dự đoán kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2018 sẽ đạt 4,2 tỷ USD. Trong quý 1, kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước ước đạt trên 719 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ.Trong số các thị trường xuất khẩu chính, xuất khẩu tôm sang EU vẫn duy trì xu hướng đi lên từ năm 2017. Nguyên nhân là do tôm Ấn Độ- đối thủ chính của Việt Nam tại thị trường EU- bị cảnh báo nhiễm kháng sinh và đối mặt với nguy cơ EU cấm nhập khẩu nên tôm Việt Nam được lựa chọn thay thế.