Theo Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2030, phát triển thị trường trái phiếu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng nền tài chính quốc gia vững mạnh.
Mục tiêu và kế hoạch cụ thể là đến năm 2025 dư nợ thị trường trái phiếu có thể đạt tối thiểu 47% GDP. Trong đó, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP. Đến năm 2030, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 58% GDP. Trong đó, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP.
Một báo cáo của VBMA cho biết, tính đến 18/03/2022, tổng giá trị trái phiếu chính phủ (TPCP) phát hành đạt 10% kế hoạch năm (400,000 tỷ đồng). Cụ thể, tổng giá trị phát hành của kỳ hạn 10 năm là 17,142 tỷ đồng (đạt 12% kế hoạch năm), 15 năm là 11,950 tỷ đồng (đạt 8% kế hoạch năm), 20 năm là 1,685 tỷ đồng (đạt 6% kế hoạch năm) và 30 năm là 7,965 tỷ đồng (đạt 23% kế hoạch năm), trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 7 năm gọi thầu chưa thành công. Trong tuần này (21-27/3) kho bạc nhà nước có thể gọi thầu thêm 6.000 tỷ đồng.
Trong 3 tuần đầu tháng 3/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ có 1 đợt phát hành ra công chúng trị giá 1.000 tỷ đồng của CTCP Chứng khoán VNDirect và 2 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của NH TMCP Bản Việt với tổng giá trị 250 tỷ đồng. Bất động sản và ngân hàng vẫn là 2 ngành phát hành nhiều trái phiếu nhất.
Có một điều đáng chú ý trong các báo cáo gần đây đó là hệ thống ngân hàng đã giảm dần vai trò của mình trong trên thị trường trái phiếu. Điều đó thể hiện qua việc tỷ trọng trong cơ cấu phát hành của các nhà băng không còn cao như trước. Đồng thời, tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng cũng đã thấp hơn.
Theo nhiều chuyên gia đánh giá, điều này là phù hợp với các định hướng trong việc ngân hàng thương mại sẽ tập trung vào kênh tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp sẽ là kênh huy động vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp.