Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm mạnh trong phiên 7/8 xuống thấp nhất kể từ giữa năm 2016, ở 1,595%. Lợi suất của loại trái phiếu này đã giảm hơn 0,35% kể từ đầu tháng 8.
Lợi suất trái phiếu 30 năm cũng xuống 2,12%, sát mức thấp kỷ lục của 3 năm trước.
Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu 2 năm và 10 năm, một chỉ số dự báo về suy thoái trong dài hạn, giảm về 0,074%, thấp nhất kể từ ngày 6/6/2007.
Sự đảo chiều của đường cong lợi suất tại Mỹ. Ảnh: CNBC.
Tại Đức và Vương quốc Anh, lợi suất trái phiếu chính phủ cũng xuống thấp kỷ lục. Trong đó, lợi suất trái phiếu 10 năm và 30 năm của Đức lần lượt là -0,6% và -0,137%, và của Vương quốc Anh lần lượt là 0,432% và 1,081%.
Lợi suất trái phiếu cùng kỳ hạn tại Nhật bản cũng giảm 0,01% xuống -0,2%, mức thấp nhất 3 năm qua.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, 3 chỉ số chứng khoán lớn đồng loạt giảm hơn 1% ngay khi mở phiên. Các chỉ số sau đó phục hồi nhẹ, nhưng Dow Jones vẫn mất hơn 200 điểm, S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm 0,5% và 0,1%.
Nguyên nhân là thị trường lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhiều ngân hàng trung ương tích cực hạ lãi suất. Trong ngày 7/8, New Zealand, Ấn Độ và Thái Lan đồng loạt hạ lãi suất, với 2 quốc gia đầu tiên lần lượt giảm 0,5% và 0,35%.
“Lợi suất trái phiếu giảm mạnh và giá vàng tăng vọt. Điều này làm dấy lên lo ngại về tác động của cuộc chiến thương mại đối với kinh tế thế giới. Giới đầu tư phải thật thận trọng và cảnh giác vào thời điểm này", ông Peter Cardillo, chuyên gia kinh tế trưởng tại Spartan Capital Securities, cho biết.
Nhu cầu trú ẩn vào tài sản an toàn đã đẩy số trái phiếu chính phủ có lợi suất âm trên toàn thế giới tăng lên 15.000 tỷ USD, chiếm 25% thị trường, theo số liệu của Deutsche Bank. Con số này gần gấp 3 lần so với tháng 10/2018 và ở mức cao kỷ lục.
Lượng trái phiếu chính phủ có lợi suất âm sẽ tiếp tục tăng vì các ngân hàng trung ương được cho là sẽ tìm cách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Theo CNBC