Dầu giảm tuần thứ 4 liên tiếp
Giá dầu giảm trong phiên qua và có tuần giảm thứ 4 liên tiếp do lo lắng về thiệt hại kinh tế bởi sự bùng phát virus corona từ Trung Quốc tới 20 quốc gia đã khiến hơn 200 người thiệt mạng.
Trong một thời gian ngắn giá được hỗ trợ sau khi Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết nước này sẵn sàng chuyển cuộc họp của OPEC và các đồng minh sang tháng 2 từ tháng 3, để giải quyết khả năng nhu cầu toàn cầu bị thiệt hại từ virus.
Chốt phiên 31/1 dầu thô Brent kỳ hạn tháng 3/2019 giảm 13 US cent xuống 58,16 USD/thùng, giảm 4% trong tuần này. Dầu WTI của Mỹ giảm 58 US cent xuống 51,56 USD/thùng, tính chung cả tuần giảm 4,8%%. Trong phiên có lúc dầu WTI đã giảm xuống 50,97 USD/thùng, thấp nhất kể từ đầu tháng 8/2019. Cả hai hợp đồng này đã tăng hơn 1 USD trong đầu phiên giao dịch.
Các thị trường cổ phiếu toàn cầu có tháng giảm lần đầu tiên kể từ tháng 8/2019 và các chỉ số chính của Phố Wall vẫn giảm hơn 1% trong đêm qua.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và việc hạn chế đi lại khiến các nhà kinh tế giảm bớt kỳ vọng tăng trưởng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Goldman Sachs cho biết sự bùng phát dịch bệnh có thể giảm 0,4 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2020 và có thể kéo nền kinh tế Mỹ giảm thấp.
Giá dầu sẽ vẫn chịu áp lực giảm cho tới khi Trung Quốc kiềm chế được virus corona. Sự bùng phát của virus có thể giảm nhu cầu dầu của Trung Quốc hơn 250.000 thùng/ngày trong quý 1/2020, kéo theo giá dầu giảm bởi dư cung.
Đợt nghỉ Tết kéo dài một tuần của Trung Quốc kết thúc vào ngày 31/1 khi nhiều công ty dự định trở lại làm việc, nhưng chính quyền đã yêu cầu nhiều nơi phải đóng cửa lâu hơn trong nỗ lực kiềm chế dịch bệnh.
Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tăng trưởng trong hoạt động sản xuất tháng 1 của Trung Quốc giảm. Chỉ số PMI giảm xuống 50 từ 50,2 trong tháng 12/2019.
Một thăm dò của Reuters cho thấy giá dầu vẫn được hỗ trợ gần mức hiện tại trong năm nay do những rủi ro về chính trị và việc hạn chế sản lượng của OPEC sẽ giúp cân đối nguồn cung ngày càng tăng. Cuộc thăm dò này được thực hiện với 50 nhà kinh tế và phân tích chủ yếu trước khi virus corona bùng phát.
Sản lượng dầu của OPEC giảm trong tháng 1 xuống mức thấp nhất nhiều năm khi nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới Saudi Arabia và các thành viên vùng Vịnh tuân thủ quá mức theo thỏa thuận hạn chế sản lượng mới và nguồn cung từ Libya giảm bởi việc phong tỏa các cảng và mỏ dầu.
Tuy nhiên, nguồn cung toàn cầu vẫn dồi dào. Sản lượng của Mỹ tăng 203.000 thùng/ngày lên kỷ lục 12,9 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2019.
LNG Châu Á giảm do lo ngại về corona
Giá LNG giao ngay ở Châu Á giảm trong tuần này do thị trường dư cung bởi những lo ngại về tác động của sự bùng phát virus corona.
Giá LNG trung bình giao tháng 3 sang đông bắc Á ước tính khoảng 3,8 USD/mmBtu, giảm 0,2 USD/mmBtu so với một tuần trước.
Với nhu cầu trên khắp Châu Á giảm trong mùa đông này do thời tiết ấm hơn bình thường, các mối lo ngại đang gia tăng rằng virus corona có thể làm giảm mức tiêu thụ khí.
Vàng có tháng tăng mạnh nhất trong 5 tháng
Giá vàng tăng trong phiên cuối tháng và có tháng tăng mạnh nhất trong 5 tháng do lo ngại suy giảm kinh tế từ dịch bệnh viêm phổi cấp.
Nguồn cung pallađi hạn hẹp khiến kim loại này có tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2016 (tính theo dạng phần trăm)
Vàng giao ngay tăng 0,8% lên 1.585,66 USD/ounce. Kim loại này đã tăng hơn 4% trong tháng và đây là tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2019. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4 đóng cửa phiên giảm 0,1% xuống 1.587,9 USD/ounce.
Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố sự bùng phát của virus corona là tình trạng khẩn cấp toàn cầu nhưng không hạn chế đi lại hay giao dịch với Trung Quốc, cho thấy niềm tin Trung Quốc có thể ngăn chặn được virus này.
Trong khi đó, các cuộc khảo sát cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc ổn định và dịch vụ mạnh trong tháng này, mặc dù khảo sát có thể trước khi virus bùng phát mạnh.
Pallađi đã tăng 18% trong tháng 1, lên mức cao kỷ lục 2.583,19 USD/ounce trong ngày 20/1. Trong phiên 31/1 pallađi đã giảm 1,2% xuống 2.283,19 USD/ounce.
Đồng tiếp tục giảm
Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng do các thương nhân và các quỹ bán ra, với dự đoán nhu cầu đang giảm tại Trung Quốc, nước tiêu thụ hàng đầu thế giới nơi virus corona đang bùng phát.
Đồng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 0,4% xuống 5,567 USD/tấn, có tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2015.
Giá kim loại này được các nhà đầu tư sử dụng để đánh giá sức khỏe nền kinh tế đã giảm xuống 5.533,5 USD/tấn trong ngày 31/1, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 9/2019 và giảm 12% kể từ ngày 16/1.
Kỳ vọng hoạt động sản xuất sẽ sớm bắt đầu tăng tốc có thể gây thất vọng vì các chủ nhà máy sẽ đợi tin tức rõ ràng về virus trước khi bắt đầu lại hoạt động sau Tết Nguyên đán.
Một khảo sát chính thức cho thấy tăng trưởng trong hoạt động sản xuất của Trung Quốc giảm trong tháng 1, do đơn hàng xuất khẩu giảm.
Chỉ số PMI cho thấy hoạt động sản xuất được duy trì trong một số lĩnh vực, nhưng các nhà kinh tế nghi ngờ cuộc khảo sát cung cấp số liệu có ý nghĩa về mặt kinh tế do sự phát triển của virus corona và sự không chính xác từ đợt nghỉ lễ.
Cao su TOCOM tăng do săn giá hời
Giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) tăng trong phiên qua do các nhà đầu tư săn giá hời sau khi giảm trong phiên trước, mặc dù tâm lý vẫn thận trọng do sự bùng phát lây lan nhanh chóng của virus corona tại Trung Quốc.
Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 1,2 JPY lên 181,1 JPY (1,65 USD)/kg, tính chung cả tuần tăng 0,7%.
Cao su kỳ hạn tháng 2 trên sàn giao dịch SICOM của Singapore tăng 1,6% lên 138 US cent/kg.
Đường lên mức cao nhất 2,5 năm
Đường trắng kỳ hạn tháng 3 chốt phiên giảm 2 USD hay 0,4% xuống 406,2 USD/tấn sau khi chạm mức cao nhất 2,5 năm tại 416,5 USD. Tính chung cả tuần giá đường tăng 1,2%.
Thị trường được hỗ trợ bởi nguồn cung đấu thầu đường trắng hạn hẹp.
Đường trắng kỳ hạn tháng 3 hiện giao dịch ở mức cộng 7,3 USD/tấn so với hợp đồng đường trắng kỳ hạn tháng 5. Thị trường tiếp tục được hỗ trợ từ sản lượng giảm tại Ấn Độ và Thái Lan.
Sản lượng đường của Ấn Độ có thể giảm gần 18% trong niên vụ 2019/20 do hạn hán tiếp sau bởi lũ lụt tại bang sản xuất lớn thứ 2 của quốc gia này.
Sản lượng đường của Thái Lan niên vụ 2019/20 giảm 28% so với một năm trước xuống 10,5 triệu tấn, mức thấp nhất trong 9 năm do hạn hán.
Đường thô kỳ hạn tháng 3/2019 tăng 0,02 US cent hay 0,1% lên 14,61 US cent/lb.
Cà phê tăng
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 đóng cửa tăng 1,15 US cent hay 1,1% lên 1,0265 USD/lb sau khi xuống mức thấp nhất 3 tháng tại 1,0015 USD. Tính chung cả tuần giá giảm 6,8%.
Các đại lý cho biết dự trữ gia tăng của sàn giao dịch góp phần vào tâm lý giảm giá.
Khả năng vụ bội thu tại Brazil trong năm nay cũng đảm bảo thị trường được cung cấp tốt trong những tháng tới.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 3 tăng 30 USD hay 2% lên 1.334 USD/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 01/02