Dầu tăng nhưng tính chung cả tuần giảm
Giá dầu tăng trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần nhưng kết thúc tuần này giảm do những lo ngại mới về nhu cầu toàn cầu chậm lại và đồng USD có tuần tốt nhất trong 6 tháng.
Thị trường này khá trầm lắng trong phiên hôm thứ Sáu với 575.000 hợp đồng, thấp hơn mức 597.000 hợp đồng, mức trung bình trong 200 ngày.
Dầu WTI tăng 8 US cent đóng cửa phiên 8/2/2019 tại 52,72 USD/thùng nhưng tính chung cả tuần đã giảm hơn 4% mức giảm lớn nhất trong năm nay.
Dầu thô Brent kỳ hạn tăng 39 US cent chốt phiên tại 62,02 USD/thùng. Trong tuần này dầu Brent giảm hơn 1%. Đồng USD tăng 1,1% so với rổ tiền tệ, diễn biến tốt nhất kể từ tháng 8/2018, gây tổn hại cho giá dầu.
Thị trường được hỗ trợ nhẹ bởi tin tức Trung Quốc và Mỹ có thể vẫn đáp ứng thời hạn chót ngày 1/3/2019 để giải quyết những vấn đề trong tranh chấp thương mại.
Trong ngày 8/2/2019 Nhà Trắng cho biết đại diện thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin sẽ tới Bắc Kinh để họp ở mức quan trọng vào tuần tới, giảm bớt lo ngại rằng thời hạn sẽ bị bỏ lỡ và dẫn đến tăng thuế quan đối với hàng hóa.
Ủy ban Châu Âu đã giảm mạnh dự báo của họ đối với tăng trưởng kinh tế khu vực eurozone do căng thẳng thương mại toàn cầu và một loạt những thách thức trong nội bộ khu vực này.
Các nhà luật pháp Mỹ đã đưa ra một dự luật được gọi là NOPEC tại Hạ viện Mỹ, có một cơ hội để ký kết tốt hơn so với những năm trước. Dự luật này có thể nhắm tới các nhà sản xuất OPEC vì hành vi độc quyền. Ngành dầu mỏ phản đối dự luật này, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng ủng hộ đối với luật như vậy.
Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes các công ty Mỹ trong tuần này đã tăng số lượng giàn khoan lần thứ 2 trong 3 tuần.
Vàng tăng nhưng cả tuần cũng giảm
Giá vàng tăng trong phiên qua do triển vọng tăng trường toàn cầu ảm đạm làm giảm nhu cầu với các tài sản rủi ro, nhưng USD mạnh thúc đẩy sự tăng giá của vàng và khiến kim loại này có tuần giảm đầu tiên trong 3 tuần.
Vàng kỳ hạn của Mỹ chốt phiên tăng 0,2% lên 1.318,5 USD/ounce. Vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.313,95 USD/ounce, giá đã phục hồi từ mức thấp nhất một tuần 1.302,11 đã chạm tới trong ngày 5/2/2019.
Chứng khoán toàn cầu giảm ngày thứ 3 liên tiếp do lo lắng về suy thoái toàn cầu và thiếu những dấu hiệu giải quyết tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.
Tuy nhiên, vàng tăng khoảng 13% kể từ mức thấp nhất 1,5 năm hồi tháng 8/2018, chủ yếu do thị trường chứng khoán biến động và một quan điểm ôn hòa của Cục dự trữ liên bang Mỹ, nhưng đồng USD mạnh khiến vàng giảm 0,3% trong tuần qua.
Ủy ban Châu Âu cắt giảm dự báo với tăng trưởng kinh tế của khu vực eurozone, trong khi Washington tiếp tục bế tắc về kế hoạch cho một bức tường ở biên giới với Mexico. Vàng được xem như nơi trú ẩn an toàn khi bất ổn kinh tế và chính trị.
Tuy nhiên, lượng vàng nắm giữ của quỹ SPDR Gold Trust, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới đã giảm hơn 1% trong tuần qua.
Đồng tăng tuần thứ 5
Giá đồng thiết lập tuần tăng thứ 5 nhưng đà tăng đã chững lại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không có kế hoạch gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trước thời hạn chót đạt được thỏa thuận thương mại ngày 1/3/2019.
Tin tức mới này đã khơi mào lo sợ rằng tranh chấp Mỹ - Trung sẽ tồi tệ hơn, làm suy yếu kinh tế toàn cầu và hạn chế nhu cầu kim loại.
Giá đồng trên sàn giao dịch LME đóng cửa giảm 0,6% xuống 6.210 USD/tấn, nhưng vẫn tăng khoảng 1,2% trong tuần này sau khi chạm mức cao nhất hai tháng trong ngày 7/2/2019.
Nhà phân tích Daniel Briesemann thuộc ngân hàng Commerzbank cho biết những lo ngại mới về tranh chấp thương mại rõ ràng đang gây áp lực lên giá, ngoài ra sự leo thang có thể khiến đồng trở lại mức thấp nhất 1,5 năm tại 5.725 USD/tấn hồi tháng 1/2019. Ông cho biết nếu 2 bên đạt được một thỏa thuận, đồng có thể lên mức cao 6.800 USD trong quý 2/2019, bởi thiếu hụt nguồn cung.
Dự trữ đồng tại kho LME giảm xuống 87.725 tấn từ 130.000 tấn hồi giữa tháng 1/2019 và gần mức thấp nhất một thập kỷ.
Công ty khai mỏ Codelco của Chile cho biết mưa nhiều đã buộc phải ngừng hoạt động tại các mỏ đồng Chuquicamata và Ministro Hales nằm ở miền bắc.
Cao su TOCOM có tuần giảm giá thứ 3 liên tiếp
Giá cao su tại Tokyo giảm trong ngày 8/2/2019, bởi giá dầu và chứng khoán yếu hơn, trong khi các nhà đầu tư điều chỉnh vị thế trước đợt nghỉ 3 ngày cuối tuần tại Nhật Bản và trước khi các thị trường Trung Quốc mở cửa lại vào ngày 11/2/2019 sau một tuần nghỉ Tết.
Các thị trường dầu giảm bởi kinh tế chững lại, mặc dù OPEC cắt giảm sản lượng và các lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại Venezuela đã hỗ trợ một phần.
Chứng khoán châu Á giảm do các nhà đầu tư lo lắng về kinh tế toàn cầu, tâm lý thị trường không được hỗ trợ bởi không có bất kỳ dấu hiệu tích cực nào trong giải quyết tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.
Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 7/2019 đóng cửa giảm 1,4 JPY hay 0,8% xuống 177,8 JPY (1,62 USD)/kg. Trong tuần qua hợp đồng cao su này đã giảm 0,7%, đánh dấu sự giảm giá tuần thứ 3 liên tiếp.
Các thị trường tài chính Nhật Bản sẽ đóng cửa trong ngày thứ hai (11/2/2019).
Đường giảm nhưng cả tuần tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2019 chốt phiên giảm 0,02 US cent hay 0,2% xuống 12,71 US cent/lb. Trong tuần này giá đường tăng 0,9%.
Hợp đồng đường đang giao dịch trong biên độ hẹp kể từ cuối tháng 1/2019, với triển vọng xuất khẩu đường của Ấn Độ đã hạn chế giá tăng.
Đường trắng kỳ hạn tháng 3/2019 cũng giảm 3,8 USD hay 1,1% xuống 333,90 USD/tấn. Hợp đồng tháng 3/2019 sẽ hết hạn vào ngày 13/2/2019, đã giao dịch ở mức trừ lùi khoảng 10,9 USD so với hợp đồng tháng 5/2019.
Nhà máy tinh luyện đường lớn thứ 2 của Đức, Nordzucker cho biết họ đã đồng ý mua 70% của công ty Mackay Sugar của Australia, điều này cho phép họ tiếp cận Australia và các thị trường Đông Nam Á.
Giá một số mặt hàng chủ chốt kết thúc tuần đến ngày 10/3