Dầu có tuần tăng do tiến triển đàm phán Mỹ - Trung và nguồn cung giảm
Giá dầu tăng trong phiên vừa qua để chốt một tuần tăng mạnh nhất trong vòng hơn một tháng do lạc quan về triển vọng đàm phán thương mại Mỹ - Trung, tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm và khả năng OPEC sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng.
Kết thúc phiên vừa qua, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 43 US cent, tương đương 0,8%, lên 56,66 USD/thùng; tính chung cả tuần tăng hơn 5% - nhiều nhất kể từ 21/6/2019. Dầu Brent cùng phiên này cũng tăng 35 US cent, tương đương 0,6%, lên 62,02 USD/thùng; tính chung cả tuần tăng hơn 4% - nhiều nhất kể từ 20/9/2019.
Thị trường vẫn trong mối lo về khả năng nhu cầu dầu thô giảm do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung làm dấy lên lạc quan rằng kinh tế toàn cầu sẽ sớm được cải thiện. Các quan chức Mỹ ngày 25/10 nói rằng Mỹ và Trung Quốc đang tiến tới kết thúc phần 1 của hợp đồng thương mại sau nhiều tháng thương chiến.
Giá dầu tăng tuần này còn bởi tồn trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm. Cụ thể đã giảm khoảng 1,7 triệu thùng trong tuần vừa qua.
Tại Mỹ, các công ty năng lượng đã giảm số giàn khoan dầu trong tuần này với mức giảm nhiều nhất 11 tháng với mục đích cắt giảm chi tiêu cho hoạt động khoan dầu.
Khí gas giảm do cung vượt cầu
Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Châu Á tuần này giảm do cung vượt cầu trên thị trường thế giới và lượng tồn trữ gia tăng, mặc dù nhu cầu vẫn tương đối mạnh và một số nhà máy đóng cửa để bảo dưỡng. LNG kỳ hạn tháng 12/2019 nhập khẩu vào Đông Bắc Á có giá khoảng 6,3 USD/mmBtu (đơn vị nhiệt lượng của Anh), giảm 0,05 USD/mmBtu so với tuần trước.
Số lượng tàu chở khí đã bốc xếp hàng xong tuần này tăng lên 28, từ mức 19 của tuần trước, theo thống kê của Kpler.
Kim loại quý tăng, palađi lập kỷ lục cao mới
Giá vàng tăng vào đầu phiên vừa qua dù thị trường chứng khoán và USD tăng sau khi Washington thông báo sắp kết thúc phần đầu của thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh. Vào cuối phiên, giá giảm nhẹ trở lại do hoạt động bán kiếm lời. Tính chung cả tuần giá vẫn tăng.
Cụ thể, vàng giao ngay kết thúc phiên vừa qua vững so với phiên trước, ở mức 1.503,11 USD/ounce, sau khi có lúc đạt mức cao nhất kể từ 3/10 là 1.517,7 USD/ounce (tăng gần 1%); tính chung cả tuần giá tăng khoảng 1%. Vàng kỳ hạn tháng 12/2019 cùng phiên tương đối vững, ở mức 1.503,3 USD/ounce.
Lạc quan về vấn đề Mỹ - Trung đẩy chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên cuối tuần, với chỉ số S&P 500 vượt kỷ lục trước đó; đồng USD cũng tăng 0,3% và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng nhẹ. Những yếu tố này gây bất lợi cho xu hướng giá vàng tăng.
Tuy nhiên, thị trường vàng tiếp tục hưởng lợi từ các yếu tố địa chính trị. Liên minh Châu Âu đã đồng ý cho London lùi thời hạn Brexit nhưng chưa ấn định đến thời điểm nào. Trong khi đó, những số liệu kinh tế yếu đi phát đi từ Mỹ khiến giới đầu tư vẫn giữ nguyên quan điểm rằng ngân hàng trung ương nước này sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Đối với những kim loại quý khác, palađi đầu phiên đạt mức cao kỷ lục do thiếu hụt nguồn cung. Cụ thể, chốt phiên vừa qua, palađi giảm 0,4% xuống 1.769,59 USD/ounce, nhưng lúc đầu phiên đạt 1.785,5 USD, mức cao chưa từng có. Nguồn cung kim loại này tiếp tục khan hiếm. Nhà phân tích hàng hóa Ole Hansen của Saxo Bank cho rằng một khi đã phá vỡ mốc 1.785 USD, palađi sẽ tiến thẳng lên mốc 1.800 USD/ounce.
Bạc và bạch kim cũng tăng trong phiên vừa qua, thêm lần lượt 1% và 0,6% lên 17,94 USD/ounce và 929,42 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá bạc tăng 2,5%, còn bạch kim có một tuần tăng nhiều nhất trong vòng 8 tuần.
Kẽm và đồng tăng
Giá kẽm tăng trong phiên cuối tuần do lượng kẽm lưu kho trên sàn London xuống mức thấp nhất 12 năm (58.525 tấn) sau khi giảm mất một nửa trong năm nay.
Kết thúc phiên vừa qua, kẽm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,8% lên 2.510 USD/tấn. Phiên đầu tuần (21/10), giá đã đạt mức cao nhất trong vòng 4 tháng là 2.567,35 USD/tấn.
Giá đồng cũng tăng sau khi một số công ty khai thác mỏ ở Chile cho biết những cuộc bạo động trên toàn quốc không ảnh hưởng nhiều tới sản xuất nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới các cảng biển, giao thông vận tải và chuỗi cung ứng.
Đồng trên sàn LME tăng 0,8% trong phiên vừa qua, lên 5.924 USD/tấn, cao nhất kể từ 16/9/2019, khép lại tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp.
Sắt, thép tăng
Giá thép trên thị trường Trung Quốc trong phiên cuối tuần tăng do lượng tồn trữ giảm – chứng tỏ rằng nhu cầu vẫn vững.
Trên sàn Thượng Hải, thép cây kỳ hạn tháng 1/2020 – hợp đồng được giao dịch nhiều nhất – tăng 1,2% lên 3.344 CNY/tấn, mức cao nhất trong vòng 9 ngày. Thép cuộn cán nóng tiếp đà đi lên thứ 4 liên tiếp khi tăng 0,8% đạt 3.360 CNY/tấn. Chỉ riêng thép không gỉ giảm 0,6% xuống 14.960 CNY/tấn.
Tồn trữ các sản phẩm thép tại Trung Quốc giảm tuần thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần tới 25/10, tồn trữ giảm 600.000 tấn so với 9,85 triệu tấn của tuần trước, xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1/2019, theo thống kê của Mysteel.
Sản lượng thép thô toàn cầu tháng 9/2019 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, xuống 152 triệu tấn, theo Hiệp hội Thép Thế giới. Sản lượng thép thô của riêng Trung Quốc đã tăng lên 82,8 triệu tấn (tăng 2,2%).
Quặng sắt tại Trung Quốc cũng tăng giá. Tại sàn Đại Liên, quặng kỳ hạn tháng 1/2020 tăng 3% trong tuần này – nhiều nhất kể từ 16/9. Riêng phiên cuối tuần, giá tăng 2,1% lên 635 CNY/tấn; quặng hàm lượng 62% nhập khẩu vào Trung Quốc vững ở mức 86,5 USD/tấn.
Giá quặng sắt tăng vọt sau khi công ty khai thác mỏ Brazil, Vale, công bố doanh thu hàng quý thấp hơn dự kiến giữa bối cảnh hãng này đang cố gắng khôi phục hoạt động sau vụ vỡ đập gây chết người.
Thịt lợn Trung Quốc vượt 8 USD/kg
Giá thịt lợn tại Trung Quốc đã tăng vượt mức 50 CNY (7,07 USD)/kg trong tuần này do nhu cầu tăng mạnh khi thời tiết trở lạnh – khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung càng thêm trầm trọng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nước này, giá bán lẻ thịt lợn đã tăng 9,2% trong tuần tới 16/10, vượt tất cả những kỷ lục trước đây. Số lượng lợn ở Trung Quốc đã giảm hơn 40% do dịch tả kéo dài.
Ngày 25/10, giá lợn hơi tại mấy tỉnh phía Nam (Tứ Xuyên, Quảng Đông và Phúc Kiến) đạt 44 CNY/kg. Giá trung bình trên toàn quốc là 40,4 CNY, gấp hơn 5 lần so với giá lợn hơi ở Mỹ.
Tuy nhiên, cuộc chiến thuế quan vẫn ngăn dòng chảy thịt lợn từ Mỹ sang Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng, một khi đạt 53,8 CNY/kg (dự kiến trong dịp cuối tuần này), giá thịt lợn có thể sớm đạt 60 CNY/kg. Hầu hết mọi người dự đoán Bắc Kinh sẽ can thiệp để giá không lên tới mức đó.
"Một khi giá thịt lợn đạt 60 CNY/kg, giá thịt bò và thịt cừu sẽ còn không tưởng hơn nữa. Thị trường thịt khi đó sẽ thực sự có vấn đề lớn và người tiêu dùng sẽ không thể chịu đựng được", nhà phân tích Feng Yonghui của trang tin Soozhu. Com (chuyên về thông tin thịt lợn) nhận định.
Cao su tăng tuần thứ 3 dù giảm trong phiên cuối
Giá cao su trên sàn Tokyo phiên vừa qua giảm do các nhà đầu tư điều chỉnh hoạt động trước kỳ nghỉ cuối tuần. Hợp đồng kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn TOCOM giảm 0,5 JPY xuống 168,3 JPY (1,55 USD)/kg. Một số người mua vào các kỳ hạn gần trong khi bán ra các kỳ hạn xa. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá vẫn tăng 1,4%. Nguyên nhân do lo ngại dịch bệnh ở một khu vực trồng cao su chính của Thái Lan có thể ảnh hưởng tới nguồn cung.
Trên sàn Thượng Hải, giá cao su cũng tăng. Phiên vừa qua, hợp đồng kỳ hạn tháng 1 năm sau tăng 35 CNY lên 11.855 CNY (1.667 USD)/tấn; loại TSR 20 vững ở 9,985 CNY/tấn. Lượng cao su lưu kho trên sàn Thượng Hải tăng 1,7% so với một tuần trước đây.
Một số thương gia có kinh nghiệm cho rằng, giá cao su chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trong tuần tới do lo ngại dịch bệnh trên lá cao su đã lan từ Indonesia và Malaysia sang Thái Lan.
Tỏi Ấn Độ tăng 100%, tỏi Trung Quốc cũng tăng
Sau hành, giá tỏi tại Ấn Độ cũng tăng mạnh trong suốt tháng qua do nguồn cung giảm sút. Chỉ trong vòng một tháng, giá tỏi đã tăng gấp đôi, hiện đạt 152,5 rupee/kg tại chợ bán buôn Kolkata.
Tại Bangaluru và Chennai, giá tỏi tăng lần lượt 43% và 54%, giao dịch ở mức tương wntgs 92,5 rupee và 170 rupee/kg. Tại Rajgarh, một trong những trung tâm giao dịch tỏi lớn nhất nước này, chợ bán buôn đang bán tỏi với giá 80 rupee/kg, tức là đã tăng 100% so với 40 rupee cách đây một tháng.
Ông Ajit Shah, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu sản phẩm vườn của Ấn Độ cho biết: "Còn rất ít tỏi của mùa vụ năm ngoái. Nguồn cung giảm từng ngày do mưa trái mùa trong suốt mấy tuần qua trên cả nước. Nông dân đang chuẩn bị trồng cây vụ Đông nên nhu cầu tỏi giống cũng tăng cao. Phải ít nhất 3 tháng nữa mới có tỏi vụ mới. Cơ hội nhập khẩu tỏi cũng không nhiều vì giá tỏi trên toàn cầu cũng cao".
Tại Trung Quốc, giá tỏi tăng khá nhanh vào đầu tháng 10 mặc dù đã có một giai đoạn ngắn chững lại (cuối tháng 9). Nguyên nhân do nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu cao.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 26/10