Dầu tăng mạnh
Giá dầu tăng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần, rời xa hơn nữa mức thấp nhất của 5 tuần, sau khi Saudi Arabia và OPEC tiến tới nhất trí tiếp tục cắt giảm sản lượng sau tháng 6 này. Chứng khoán Phố Wall tăng điểm cũng góp phần đẩy giá dầu đi lên.
Kết thúc phiên vừa qua, dầu Brent tăng 1,62 USD tương đương 2,6% lên 63,29 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas (WTI) tăng 1,1 USD tương đương 2,7% lên 53,99 USD/thùng.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần thì chỉ có dầu WTI tăng khoảng 1%, còn dầu Brent giảm gần 2%.
Tại một cuộc hội thảo ở Nga, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Khalid al-Falih, cho biết Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) và các đồng minh sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng. Ông cho biết thêm rằng OPEC đang tiến gần tới một thỏa thuận cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày trong sản lượng, chỉ còn phải bàn bạc thêm với các nước ngoài OPEC.
Hàng loạt các yếu tố khác cũng hỗ trợ giá dầu tăng trong phiên vừa qua. Cụ thể:
(1) Nguồn cung dầu hiện tại cũng bị hạn chế bởi Mỹ trừng phạt dầu xuất khẩu từ Venezuela và Iran.
(2) Ngày 7/6/2019, Washington gia tăng áp lực đối với công ty dầu khí nhà nước của Venezuela khi tuyên bố xuất khẩu sản phẩm diluent của các hãng xuất khẩu quốc tế cũng có thể là mục tiêu trừng phạt.
(3) Chứng khoán Mỹ tăng điểm sau số liệu cho thấy số lượng việc làm mới ở Mỹ tăng chậm lại có thể khiến ngân hàng trung ương nước này cắt giảm lãi suất. "Các ngân hàng trung ương toàn cầu đã sẵn sàng ứng phó với suy thoái kinh tế. Nếu điều đó xảy ra ở Mỹ, khi ấy Chính phủ sẽ tung ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế", nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group ở Chicago nhận định.
Tuy nhiên, nỗi lo về ảnh hưởng từ xung đột giữa Mỹ với Trung Quốc và Canada vẫn còn đó. Ngân hàng Commerzbank vừa điều chỉnh giảm quý thứ 3 liên tiếp dự báo về giá dầu Brent xuống 65 USD/thùng từ mức 73 USD đưa ra trước đây.
Vàng cao nhất 14 tuần do USD yếu
Giá vàng tăng tiếp thêm 1% trong phiên vừa qua lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2018 do tăng trưởng việc làm của Mỹ giảm mạnh khiến USD giảm theo làm gia tăng đồn đoán Cục Dự trữ liên bang sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, đà tăng giá vàng cũng được củng cố bởi lo ngại rằng cuộc chiến thương mại của Mỹ với Mexico và Trung Quốc sẽ làm chậm lại kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên, vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.339,97 USD/ounce, đầu phiên có lúc đạt tới 1.348,08 USD; vàng giao tháng 8/2019 tăng 0,3% lên 1.346,1 USD/ounce.
Lúa mì tăng tuần thứ 4 do khô hạn ở Nga; ngô và đậu tương giảm
Giá lúa mì trên sàn Chicago tăng tuần thứ 4 liên tiếp mặc dù giảm 1,27% trong phiên cuối tuần này, do thiếu mưa ở Nga gây lo ngại năng suất sụ giảm ở nước xuất khẩu lúa mì số 1 thế giới giữa bối cảnh sản lượng ở Australia, Canada và Ukraina cũng có nguy cơ giảm do khô hạn.
Riêng phiên cuối tuần, giá ngô sụt giảm bởi lượng bán xuất khẩu thấp, đậu tương cũng giảm theo xu hướng ngô và lúa mì. Cụ thể, trên sàn Chicago, lúa mì giảm 5-1/2 UScent (-1,27%) xuống 5,04-1/2 USD/bushel, tính chung cả tuần giá tăng 0,29%; ngô giảm 4-3/4 UScent tương đương 1,13% xuống 4,15-3/4 USD/bushel, trong khi đậu tương giảm 12-1/2 US cen xuống 8,56-1/4 USD/bushel; cả 2 mặt hàng này đều giảm tuần đầu tiên trong vòng 1 tháng.
Tại Châu Âu, giá lúa mì cũng giảm trong phiên vừa qua theo xu hướng ở Chicago và bởi đồng euro tăng giá so với USD. Tính chung cả tuần, giá lúa mì Châu Âu giảm hơn 3%.
Cacao đạt đỉnh 11 tháng
Giá cacao trên sàn New York kỳ hạn tháng 7/2019 tăng 51 USD tương đương 2,1% lên 2.478 USD/tấn, tính chung cả tuần tăng 3,3%. Trong phiên vừa qua, có lúc giá chạm mức cao nhất 11 tuần là 2.482 USD/tấn, vượt cả ngưỡng kháng cự 2.478 USD/tấn. Cacao trên sàn London cùng kỳ hạn cũng tăng 16 GBP tương đương 0,9% lên 1.798 GBP/tấn.
Thị trường đang được khuấy động bởi những dấu hiệu cho thấy nhu cầu mạnh trên toàn cầu giữa bối cảnh lo ngại sản lượng giảm ở Ghana – nước sản xuất cacao lớn thứ 2 thế giới.
Lượng cacao chuyển đến các trung tâm phân loại và niêm phong trong giai đoạn 1/10/2018-23/5/2019 chỉ đạt 751.185 tấn, giảm 4% so với năm trước.
Lượng cacao Venezuela lưu kho ở Mỹ trong tháng 5/2019 đã tăng lên mức cao nhất 5 năm nhưng không hẳn do nguồn cung tăng mà bởi các nhà xuất khẩu Venezuela cố gắng thu tiền mặt càng sớm càng tốt giữa bối cảnh Mỹ tăng cường trừng phạt ngành dầu mỏ nước này.
Cao su cao nhất 3 tháng
Giá cao su trên sàn Tokyo tiếp tục tăng phiên thứ 3 liên tiếp lên mức cao nhất 3 tháng bởi lạc quan về việc Mỹ đang xem xét hoãn đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Mexico.
Kết thúc phiên cuối tuần, cao su giao tháng 11/2019 tăng 2,1 JPY tương đương 1% lên 204,1 JPY (1,88 USD0/kg, sau khi có lúc đạt 204,8 JPY, cao nhất kể từ 7/3/2019. Tính chung cả tuần giá tăng khoảng 5%. Cao su loại TSR (chuyên dùng trong kỹ thuật) kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn này cũng tăng 0,2% lên 165 JPY/kg. Tương tự, trên sàn SICOM (Singapore), hợp đồng tháng 7/2019 tăng 1,4% lên 154,3 UScent/kg.
Giá dầu tăng trong phiên vừa qua và chỉ số chứng khoán Nhật – Nikkei – tăng cũng kích thích giá cao su đi lên.
Đồng giảm tuần thứ 8 liên tiếp
Giá đồng giảm trong phiên vừa qua, góp phần thiết lập tuần giảm thứ 8 liên tiếp do bất đồng về thương mại, những dấu hiệu tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và số liệu việc làm của Mỹ gây thất vọng. Triển vọng nhu cầu kim loại này trở nên u ám.
Kết thúc phiên cuối tuần, đồng kỳ hạn 3 tháng trên sàn London giảm 0,2% xuống 5.799 USD/tấn, tính chung cả tuần giảm 0,5%. So với thời điểm giá lên cao hồi tháng 4 (khi đạt 6.608,5 USD/tấn), giá đồng đã mất khoảng 14% bởi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc chưa kết thúc thì Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dọa sẽ đánh thuế lên hàng hóa Mexico.
Tuy nhiên, thị trường bắt đầu dấy lên hy vọng nhiều chính phủ sẽ gia tăng kích thích kinh tế. Trung Quốc vừa thong báo những biện pháp thúc đẩy tiêu thụ ô tô sau giai đoạn thị trường này sụt giảm gần đây. Thống đốc ngân hàng trung ương nước này cũng khẳng định họ còn nhiều "room" để điều chỉnh chính sách nếu cuộc chiến thương mại với Mỹ căng thẳng thêm nữa.
Bông giảm hơn 4% do căng thẳng thương mại Mỹ - Mexico
Giá bông giảm hơn 4% trong phiên giao dịch vừa qua bởi các nhà đầu tư lo ngại căng thẳng giữa Mỹ với Mexico gia tăng. Thời tiết ở những khu vực trồng ngô chính của Mỹ đã có mưa cũng gây áp lực lên giá nguyên liệu dệt may này.
Bông giao tháng 7/2019 trên sàn Chicago giảm 3 UScent tương đương 4,4% xuống 65,59 UScent/lb, giao dịch trong khoảng 65,59 – 68,72 UScent. Tính chung cả tuần, giá bông giảm 3,7%.
Chè giảm
Giá chè tại phiên đấu giá tuần này ở Sri Lanka hầu hết giảm do nhu cầu yếu. Các nhà môi giới chè Forbes và Walker cho biết, giá trung bình trong tháng 5/2019 chỉ đạt 539,55 rupee/kg, thấp hơn 51,69 rupee so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 38,68 rupee so với tháng 4/2019.
Xu hướng giá giảm đã kéo dài từ dầu năm tới nay. Tính chung 5 tháng đầu năm, giá thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, cả tính theo nội tệ (rupee) cũng như theo USD. Cụ thể, tại Trung tâm đấu giá Colombo, giá trung bình tháng 1-5/2019 là 574,9 rupee/kg, thấp hơn 41,64 rupee so với cùng kỳ năm ngoái (616,54 rupee). Giá trung bình tất cả các loại chè đều đi xuống: Chè trồng ở cao nguyên giá trung bình giảm 42,13 rupee xuống 552,51 rupee/kg, trong khi trồng ở các vùng đất vừa và thấp giảm 55,04 rupee xuống 503,08 rupee/kg. Chè trồng ở đất trũng – chiếm phần lớn sản lượng và là loại khách hàng Trung Đông ưa chuộng – thấp nhất, trung bình chỉ 601,2 rupee/kg, kém 36,81 rupee so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường chè đen Ấn Độ cũng có chung xu hướng, lý do bởi tình trạng dư cung. So với cùng kỳ năm ngoái, giá hiện thấp hơn khoảng 2-8%. Cụ thể, chè CTC giảm 2%, còn chè cám giảm 8%, gây lo ngại cho ngành kinh doanh mặt hàng này. Lãnh đạo ngành nông nghiệp Ấn Độ cho biết, sự tăng trưởng mạnh ngoài tầm kiểm soát của những người trồng chè trên quy mô nhỏ không chỉ dẫn tới tình trạng dư cung mà đôi khi còn xảy ra tình trạng chè kém chất lượng, gây ảnh hưởng tới toàn thị trường. Người sản xuất nhỏ có chi phí sản xuất thấp hơn so với những doanh nghiệp lớn, do đó họ có thể bán với giá rẻ hơn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt