Dầu tăng hơn 1%
Giá dầu tăng hơn 1% trong phiên qua và có tuần tăng đầu tiên kể từ đầu tháng 1, do các nhà đầu tư đặt cược vào ảnh hưởng của virus corona tới nền kinh tế chỉ kéo dài một thời gian ngắn và hy vọng ngân hàng trung ương Trung Quốc đưa thêm các biện pháp khích thích hỗ trợ kinh tế.
Chốt phiên 14/2, dầu thô Brent tăng 98 US cent hay 1,74% lên 57,32 USD/thùng. Tính chung cả tuần dầu Brent tăng 5,23%, tuần tăng giá đầu tiên trong 6 tuần. Dầu thô WTI tăng 63 US cent hay 1,23% lên 52,05 USD/thùng, tăng 3,44% trong tuần.
Dầu Brent đã giảm khoảng 15% cho tới nay một phần do lo lắng về sự bùng phát của virus corona sẽ làm suy giảm kinh tế toàn cầu. Tâm lý thị trường đã được cải thiện do các nhà máy tại Trung Quốc bắt đầu hoạt động trở lại và chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ. Một số quan chức và nhà phân tích vẫn hy vọng ảnh hưởng tới nhu cầu sẽ chỉ giới hạn ở Trung Quốc.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Brouillette trả lời Reuters rằng dịch virus corona ở Trung Quốc có tác động nhỏ đến thị trường năng lượng và khó có thể ảnh hưởng đáng kể đến giá dầu ngay cả khi nhu cầu của Trung Quốc giảm 500.000 thùng mỗi ngày.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết nhu cầu dầu thế giới trong quý 1 có thể giảm lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 so với cùng kỳ năm trước vì sự bùng phát của virus corona.
Tại Mỹ, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết các công ty năng lượng đã tăng 2 giàn khoan dầu trong tuần này, tăng tuần thứ 2 liên tiếp, lên 678 giàn.
Vàng lên mức cao nhất trong hơn một tuần
Giá vàng tăng lên mức cao nhất trong hơn một tuần bởi nhà đầu tư đặt cược vào kim loại trú ẩn an toàn chống lại ảnh hưởng của sự bùng phát dịch bệnh tới nền kinh tế.
Vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.583,18 USD/ounce sau khi chạm mức 1.583,76 USD, cao nhất kể từ ngày 3/2. Tính chung cả tuần vàng đã tăng khoảng 0,8%. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4 đóng cửa tăng 0,5% lên 1.586,4 USD/ounce.
Hỗ trợ thêm cho đà tăng của vàng, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ giảm sau khi số liệu doanh số bản lẻ yếu trong bối cảnh lo ngại virus. Chi tiêu tiêu dùng của Mỹ dường như chậm lại trong tháng 1, điều này làm tăng mối lo ngại về khả năng nền kinh tế này tiếp tục phát triển ở tốc độ khiêm tốn.
Đồng tăng tuần thứ 2
Đồng giảm nhưng vẫn có tuần tăng thứ 2 liên tiếp khi các nhà đầu tư cho rằng sự giảm giá go bùng phát của virus corona tại Trung Quốc có thể đã quá mức.
Một số đặt cược vào ảnh hưởng của dịch bệnh tới kinh tế sẽ chỉ kéo dài một thời gian ngắn và thiệt hại đến nhu cầu kim loại sẽ được bù đắp bởi nguồn cung gián đoạn trong nỗ lực kiềm chế sự lây lan của virus này. Trung Quốc là nước tiêu thụ và sản xuất kim loại lớn nhất thế giới.
Đồng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) đóng cửa giảm 0,5% xuống 5.760 USD/tấn, nhưng tăng khoảng 1,5% trong tuần qua.
Giá kim loại này đã phục hồi từ mức thấp 5.523 USD/tấn chạm đến trong ngày 3/2 nhưng vẫn giảm khoảng 9% so với mức cao trong tháng 1.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng hoạt động kinh tế của Trung Quốc và nhu cầu kim loại sẽ phục hồi mạnh từ quý 2.
Theo một thăm dò của Reuters, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,5% trong quý 1, tốc độ tăng chậm nhất trong khoảng 1 thập kỷ, mặc dù các nhà kinh tế cho biết sự suy giảm sẽ kéo dài một thời gian ngắn nếu sự bùng phát dịch bệnh được ngăn chặn.
Tồn kho đồng tại sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải tăng lên 262.738 tấn từ khoảng 135.000 tấn trong đầu tháng 1.
Quặng sắt Trung Quốc đánh dấu tuần tăng mạnh nhất 5 tháng
Quặng sắt Trung Quốc tăng trong phiên cuối tuần và có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2019, trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung bất chấp nhu cầu gián đoạn bởi sự bùng phát virus corona.
Giá quặng sắt trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 1% lên 628,5 CNY (90,01 USD)/tấn, tăng ngày thứ 4 liên tiếp và tăng 6,4% trong tuần này.
Bất chấp nhu cầu yếu đối với nguyên liệu thô để sản xuất thép tại quốc gia sản xuất thép hàng đầu thế giới Trung Quốc, giá giao ngay tiếp tục tăng lên mức cao mới trong 3 tuần trong ngày 13/2, giá quặng sắt 62% ở mức 88,5 USD/tấn.
Nhà cung cấp số liệu kim loại MySteel cho biết thương nhân tại các cảng Trung Quốc không muốn bán quặng sắt ở giá thấp, sau khi công ty khai thác mỏ Brazil Vale SA giảm triển vọng sản lượng trong quý 1 bởi mưa lớn gây cản trở hoạt động.
Ngành thép Trung Quốc đã cảm nhận những thiệt hại từ nhu cầu chậm chạp trong bối cảnh gián đoạn hoạt động kinh tế và hạn chế giao thông để ngăn chặn dịch bệnh. Tồn kho thép đang tăng nhanh chóng khi các nhà máy và công trường xây dựng trở lại hoạt động.
Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 2 thấp hơn nhiều các tháng trước và so với cùng kỳ năm trước.
Thép cây dùng trong xây dựng trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải ổn định trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,3%.
Cao su TOCOM, Thượng Hải tăng
Giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) tăng khi được hỗ trợ bởi giá tại thị trường Thượng Hải tăng.
Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 7 tăng 0,9 JPY lên 189,2 JPY/kg. Cao su kỳ hạn tháng 5 được giao dịch nhiều nhất trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 20 CNY lên 11.485 CNY/tấn.
Cà phê có tuần tăng đầu tiên trong năm 2020
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 4,65 US cent hay 4,4% lên 1,1135 USD/lb, trong phiên giá đã lên 1,1160 USD/lb, cao nhất kể từ cuối tháng 1. Hợp đồng này tăng 10,8% trong tuần qua, kết thúc chuỗi 6 tuần giảm giá liên tiếp.
Các đại lý cho biết triển vọng mùa vụ thuận lợi tại nhà sản xuất hàng đầu Brazil có thể hạn chế giá phục hồi.
Hợp tác xã cà phê Cooxupé, nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất Brazil hy vọng vụ mùa năm nay sẽ sản xuất lượng lớn cà phê chất lượng cao do điều kiện thời tiết thuận lợi.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 13 USD hay 1% lên 1.314 USD/tấn, giá đã xuống mức thấp nhất 3,5 tháng tại 1.277 USD trong ngày 11/2.
Đường giảm
Đường thô kỳ hạn tháng 3 tăng 0,7% lên 15,06 US cent/lb, tăng 1% trong cả tuần.
Thị trường có tuần tăng thứ 3 liên tiếp khi khả năng mùa vụ xấu đi ở nước xuất khẩu lớn Thái Lan đang củng cố mối lo ngại về nguồn cung hạn hẹp.
Đường trắng kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 6 USD hay 1,4% xuống 412,2 USD/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 15/02