Gần cuối ngày 2-3, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 55,75 triệu đồng/lượng, bán ra 56,15 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm trước. Trong ngày, có thời điểm giá vàng miếng rớt khỏi vùng 56 triệu đồng/lượng, lùi sâu xuống 55,9 triệu đồng/lượng nhưng đã tăng trở lại ngay sau đó.
Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại cũng rớt mạnh, mua vào 53,1 triệu đồng/lượng, bán ra 53,65 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng so với hôm trước.
Giá vàng trong nước biến động mạnh theo đà lao dốc của giá thế giới. Dù vậy, trong khi kim loại quý trên sàn quốc tế rớt mạnh thì đà giảm của vàng trong nước tiếp tục nhỏ giọt. Đến gần cuối ngày, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.718 USD/ounce, giảm khoảng 25 USD/ounce so với phiên trước.
Quy đổi theo tỉ giá niêm yết, giá vàng thế giới vào khoảng 47,9 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng trang sức 5,7 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng SJC trên 8 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh lệch kỷ lục của cả vàng SJC lẫn vàng trang sức so với thế giới từ trước đến nay.
Chênh lệch kỷ lục của giá vàng trong nước và thế giới dù nhu cầu giao dịch trên thị trường không cao, phản ánh qua việc biên độ giá mua - bán vàng SJC chỉ khoảng 400.000 đồng/lượng, biên độ mua - bán vàng trang sức khoảng 600.000 đồng/lượng.
Việc neo vàng SJC ở mức giá cao được các doanh nghiệp nhiều lần lý giải trong bối cảnh nguồn cung vàng hạn chế, đặc biệt là vàng SJC, khi nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước không cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để gia công vàng SJC. Các doanh nghiệp cũng chưa được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức.