Công ty chứng khoán SSI vừa công bố báo cáo thị trường tài chính tiền tệ tháng 6/2019.
Trên thị trường vàng, trong tháng 6 vừa qua, việc lãi suất giảm, tăng trưởng kinh tế chậm lại, căng thẳng eo biển Iran…. là những rủi ro khiến giá vàng thế giới tăng tới 8%, lên 1.410 USD/oz – là vùng giá cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.
Theo thông tin từ Hiệp hội Vàng thế giới (WGC), các NHTW đã mua 145,5 tấn vàng trong Qúy 1/2019 - là mức cao nhất 6 năm và xu hướng tích lũy vàng vẫn đang tiếp diễn.
Giá vàng bán ra trong nước vì thế cũng tăng 2,64 triệu đồng/lượng, tương đương 7,25%, lên 39,1 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá vàng bán ra – mua vào giãn rộng từ mức thông thường dưới 100 nghìn đồng/lượng lên mức 400 nghìn đồng/lượng cho thấy thị trường này đang ở vùng rủi ro cao, các thành viên thị trường đều không muốn gia tăng lượng nắm giữ.
Mức chênh lệch giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới sau một thời gian dài ở mức dương thì đã chuyển sang âm trong tháng 6, có thời điểm giá trong nước thấp hơn giá vàng thế giới tới 1,14 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, trên thị trường ngoại hối, sau giai đoạn rất bình ổn, tỷ giá USD/VND tăng mạnh 0,84% chỉ trong vòng 5 tuần kể từ cuối tháng 4, đạt đỉnh ở mức 23.360 đồng/USD (tỷ giá ngân hàng). Tuy nhiên, VND đã có bước phục hồi khá mạnh trong tháng 6 khi tỷ giá giao dịch USD/VND liên tục giảm, mức giảm tổng cộng cả tháng là 0,43%.
Cụ thể, tỷ giá ngân hàng giảm 100 đồng/USD, về mức 23.260-23.380 đồng/USD; tỷ giá tự do giảm 115 đồng/USD ở chiều mua vào và 110 đồng/USD ở chiều bán ra, về mức 23.300-23.320 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng giảm xen kẽ, kết thúc tháng ở mức 23.066 đồng/USD- chỉ tăng 1 đồng/USD so với cuối tháng 5.
Như vậy, tính chung cả 6 tháng, tỷ giá USD/VND tăng 0,41% trong khi tỷ giá trung tâm tăng thêm 1,06%. NHNN cũng đã mua vào hơn 8 tỷ USD giúp nâng dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên mức cao nhất từ trước tới nay.
SSI cho rằng, những diễn biến tích cực của tỷ giá trong tháng 6 ngoài tác động hỗ trợ từ sự suy yếu của USD trên thị trường quốc tế còn do nguồn cung USD trong tháng khá thuận lợi. FDI giải ngân trong tháng 6 đạt 1,8 tỷ USD, tăng 12% và là mức giải ngân theo tháng cao nhất từ đầu năm 2019. Tổng vốn FDI giải ngân trong tháng 6 đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại tháng 6 thặng dư 2,03 tỷ USD sau 2 tháng thâm hụt khá lớn và giúp lũy kế 2 quý đầu năm thặng dư 1,6 tỷ USD.