Từ những hầm mỏ xoáy sâu vào lòng đất ở châu Phi tới hầm vàng ở London, từ các nhà giao dịch vàng trong những toà cao ốc ở New York tới những người bán đừng đồng xu trên phố đều chia sẻ nhận định: Thị trường vàng chưa bao giờ bị thử lửa như lúc này.
Sự hoảng loạn bao trùm toàn cầu bắt nguồn từ đại dịch do virus corona gây ra cũng như hàng loạt các biện pháp kích thích mà các ngân hàng trung ương đưa nhằm cứu nền kinh tế đã kích thích nhu cầu với một trong những phương thức lưu trữ tài sản lâu đời nhất của nhân loại. Đó chính là vàng.
Sự hấp dẫn của vàng như là một loại tài sản an toàn trong thời kỳ khủng hoảng đã khiến nhu cầu với thứ kim loại quý này tăng vọt. Ngay cả khi các công ty, tổ chức tài chính hay thậm chí là quốc gia sụp đổ, vàng gần như không bị ảnh hưởng về mặt giá trị. Nó cung cấp cho các nhà đầu tư công cụ để chuyển đổi tài sản của mình sang thứ gì đó có thể cất giữ dưới hầm hay ngay trong phòng ngủ mà giá trị không bị mất.
Đối với các nhà đầu tư hay các nhà quản lý quỹ, vàng là một cách để chống tổn thất ở những nơi khác trong danh mục đầu tư của họ. Trong khi đó, các chính phủ dựa vào vàng như một loại tiền tệ phổ biến để có thể gia tăng cho kho dự trữ quốc gia.
Giá vàng tương lai và vàng giao ngay, vốn thường tiệm cận nhau, có những biến động rõ rệt trong những ngày giao dịch vừa qua.
Phần lớn vàng trên thế giới được lưu giữ ở London, Thụy Sĩ và New York. Kho dự trữ vàng lớn nhất thế giới là của Cục dự trữ Liên bang New York, nơi chứa 497.000 thanh vàng xếp chồng lên nhau bên dưới kho chứa nằm ở Manhattan. Tại London, Ngân hàng Trung ương Anh ở thành phố London đang nắm giữ 400.000 thanh vàng. Một số kho khác được vận hành bởi các ngân hàng hoặc công ty logistic.
Thị trường vàng liên kết các trung tâm lưu trữ này với các mỏ nằm ở khắp nơi trên các thế giới. Các nhà máy chế biến mua quặng vàng từ các công ty khai thác hoặc vàng dưới dạng trang sức để sản xuất các thanh vàng và đồng tiền vàng có kích thước khác nhau. Tuần này, 3 trong số những nhà tinh chế vàng lớn nhất, nằm ở Ticino, Thụy Sĩ, đã buộc phải đóng cửa sau khi chính quyền địa phương ban hành lệnh phong tỏa vì virus corona.
Ngoài sản xuất, việc vận chuyển vàng cũng đang gặp khó. Thông thường, vàng được chuyển bằng những chuyến bay thương mại thông thường. Tuy nhiên, dịch bệnh khiến hàng ngàn chuyến bay thương mại bị hủy bỏ, khiến việc vận chuyển vàng gặp nhiều thách thức.
Trong khi số lượng chuyến bay có thể vận chuyển vàng đã ít, mỗi chuyến bay lại chỉ được phép chở một số vàng nhất định khiến việc này không thể diễn ra nhanh chóng. Đó không phải là vấn đề tải trọng mà là vấn đề giá trị. Nhà bảo hiểm không thể chi trả nhiều hơn một số tiền nhất định cho bất cứ một chuyến bay nào.
Tuy nhiên, việc các nước sử dụng máy bay quân sự để vận chuyển vàng đi vòng quanh thế giới là điều đã xảy ra. Chúng sẽ được hộ tống vũ trang.
Một dấu hiệu khác tiếp tục cho thấy mọi thứ đang chậm lại. Việc vận chuyển vàng của Nga đi ra nước ngoài giờ có thể mất tới 1 tuần thay vì 1 ngày như trước đây.
Nhiều mỏ vàng đang bị ngừng khai thác vì tình hình dịch bệnh.
Tất cả những yếu tố này đã kết hợp để tạo ra một sự siết chặt chưa từng có trong lịch sử với vàng tương lai ở New York. Thông thường, các nhà đầu tư mua các hợp đồng tương lai để có thể sở hữu vàng mà không phải lo lắng về sự bất tiện hàng ngày khi nắm giữ thứ kim loại quý này. Các ngân hàng cũng sử dụng hợp đồng vàng tương lai để phòng ngừa những rủi ro thường gặp với vàng thông thường, chẳng hạn như nguy cơ bị cướp.
Tuy nhiên, nếu các nhà đầu tư giữ hợp đồng vàng tương lai của họ đến khi hết hạn, họ sẽ nhận được thứ kim loại quý này ở dạng thanh 100 ounce. Thông thường, nếu giá vàng tương lai của New York tăng quá cao so với giá vàng ở những nơi khác trên thế giới, các ngân hàng chỉ cần mua vàng thỏi ở nước ngoài rồi đưa chúng tới New York. Sự gián đoạn của chuỗi vận tải toàn cầu khiến quá trình này đe dọa.
Kết quả là một cú tăng đột biến của giá vàng tương lai, khiến giá kim loại quý này ở New York đắt hơn nhiều so với vàng giao ngay tại London. Sự chênh lệch giá này đang gia tăng và có hiệu ứng dây chuyền đã làm náo loạn cả những nhà giao dịch kỳ cựu.
Trong một diễn biến khác, việc đóng cửa toàn ngành vàng trở thành điều chưa từng có trong lịch sử 150 năm khai thác ở Nam Phi, một trong những nhà xuất khẩu vàng hàng đầu của thế giới. Các hoạt động cũng đang bị giới hạn hoặc đình chỉ cũng diễn ra từ Argentina tới Canada trong bối cảnh dịch bệnh lây lan. Việc ngừng khai thác có thể tiếp tục khiến giá vàng rơi vào hỗn loạn vì tác động tới tâm lý của các nhà đầu tư.