Nhiều nhà phân tích cho rằng tân Chủ tịch FED Powell sẽ có vài lần tăng lãi suất trong năm 2018 . (Ảnh: WSJ). |
Đồng USD và chứng khoán đồng loạt giảm
Trong quý 1 vừa qua, chỉ số USD Index giảm 2,5% là nguyên nhân trực tiếp nhất làm vàng tăng giá. USD Index là chỉ số đo tình trạng của đồng USD so với 6 đồng tiền hàng đầu khác gồm: EUR (chiếm tỷ lệ 57,6%), JPY (13,6%), GBP (11,9%), CAD (9,1%), SEK (4,2%) và CHF (3,6%).
Quý 1/2018 đã trở thành quý giảm điểm tồi tệ nhất hơn 2 năm của chỉ số S&P 500 và Dow Jones. Đóng cửa quý 1, Dow Jones đạt 24.103,11 điểm và S&P 500 đạt 2.640,87 điểm, giảm lần lượt 2,3% và 1,2% so với đầu năm, chấm dứt chuỗi 9 quý tăng liên tiếp.
Cả chứng khoán Mỹ lẫn đồng USD đều giảm điểm là những lý do quan trọng tạo sức tăng cho vàng khi nhà đầu tư luôn tìm đến vàng như một tài sản an toàn, chống lại những rủi ro khi đầu tư.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ ổn định và cam kết có thể tiếp tục duy trì chính sách này cho đến cuối quý 3/2018, đây là yếu tố hỗ trợ giá vàng. Ở chiều ngược lại, ông Powell, tân Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất 0,25% vào 21/3/2018, đưa lãi suất cơ bản lên 1,5-1,75%/năm khiến nhiều nhà đầu tư bỏ vàng chuyển qua tiết kiệm.
Cuối tháng 2/2018, Mỹ thông báo áp thuế chống phá giá thép và nhôm nhập khẩu từ nước ngoài. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là một bước đi cực kỳ nguy hiểm, vì tiềm ẩn nguy cơ gây ra chiến tranh thương mại khi các nước khác dựng hàng rào thuế quan trở lại đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Nhiều quốc gia hoặc nền kinh tế lớn đã lên tiếng về vấn đề này và dự kiến sẽ có hành động trả đũa như Liên minh châu Âu, Trung Quốc... Nếu chiến tranh thương mại leo thang sẽ tạo sự sợ hãi cho giới đầu tư. Trong bối cảnh đó, giá vàng có thể hút được dòng vốn đang đi tìm kiếm kênh đầu tư an toàn.
Mới đây nhất, Anh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga vì cho rằng Nga có liên quan đến vụ tấn công bằng chất độc vào 1 cựu điệp viên Nga hiện đang sống tại Anh. Hành động của Anh đã kéo theo hành động của các quốc gia khác như Mỹ, Ukraina, khối NATO... khiến số nhà ngoại giao Nga bị trục xuất lên đến hơn 100 người. Căng thẳng được đẩy lên cao hơn khi đến lượt Nga đáp trả bằng cách tiến hành trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ và đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại St. Petersburg. Như vậy, kế tiếp những căng thẳng kinh tế về một cuộc chiến thương mại, giờ đây, Mỹ phải đối mặt thêm với một cuộc đối đầu chính trị. Những diễn biến chính trị này cũng góp phần cho đà tăng giá vàng trong những ngày cuối cùng của quý 1/2018.
Chỉ số USD - Index. (Ảnh: Bloomberg.) |
Điểm nóng nào cần chú ý
Bước vào quý 2/2018, những vấn đề nóng như chiến tranh thương mại, căng thẳng chính trị giữa Nga và phương Tây chắc chắn tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu. Chưa biết những động thái nào sắp diễn ra tiếp theo, nhưng chắc chắn, nếu các điểm nóng này không được hạ nhiệt, dòng vốn sẽ tiếp tục đi tìm các kênh đầu tư an toàn như vàng hoặc trái phiếu chính phủ Mỹ để làm hầm trú ẩn. Trước mắt, đây là động lực cho giá vàng tăng điểm.
Một điểm nóng chính trị khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm là cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới đây. Cuộc gặp này được kỳ vọng sẽ tháo ngòi những căng thẳng chính trị giữa Mỹ - Triều Tiên. Trong năm 2017, những lần thử vũ khí hạt nhân của chính quyền Kim Jong Un đã làm dấy lên nhiều lo ngại, dẫn đến các trừng phạt của Liên hiệp Quốc đối với Triều Tiên. Sự kiện gặp mặt Mỹ - Triều Tiên nếu tiến triển theo hướng tích cực sẽ giúp làm nhẹ nguy cơ về mặt chính trị và làm giá vàng hạ nhiệt.
Chính sách tiền tệ của FED cũng là yếu tố không thể bỏ qua khi dự báo giá vàng trong phần còn lại của năm 2018. Sau lần tăng lãi suất 0,25% vào 21/3/2018, FED đang nghiêng về khả năng có thêm 2 lần tăng lãi suất nữa vào năm nay khiến vàng khó khăn trong việc củng cố xu hướng tăng giá, vì lãi suất hấp dẫn sẽ thu hút dòng tiền chảy vào trong khi vàng lại không tạo lãi suất cho người sở hữu.
Để đoán sự biến động của giá vàng, nhà đầu tư cũng cần đợi xem giá vàng có thể vượt lên trên mốc 1.435 USD/oz được hình thành từ tháng 8/2013 hay không. Đã gần 5 năm nay, giá vàng không thể vượt lên trên mốc giá này, thậm chí còn có lúc bị đẩy xuống vùng thấp dưới 1.050 USD/oz vào tháng 12/2015.
Các bất ổn kinh tế, chính trị đang gia tăng, cộng thêm thị trường chứng khoán Mỹ có thể bước vào giai đoạn điều chỉnh giảm sau một đà tăng dài hơi trước đó có thể là tiền đề để vàng được mua vào như một kênh đầu tư an toàn, phòng chống rủi ro. Nhiều chuyên gia kỳ vọng giá vàng sẽ bật mạnh trong thời gian tới.
DƯƠNG HUY - N. NHƯ