Chia sẻ về hậu trường của tình trạng nhiều cây xăng ở các địa phương dừng bán xăng, dầu để đợi giá lên, lãnh đạo một DN xăng dầu đầu mối cho hay, đây cũng là hệ quả của việc giá xăng dầu thế giới và trong nước lao dốc liên tục trong gần 4 tháng đầu năm. Nhưng với DN xăng dầu, có đủ cách kiếm được tiền trong việc nhập khẩu, mua bán xăng dầu.
Ðủ chiêu kiếm lợi nhuận
Theo vị này, hiện nay về mặt giá cả, giá bán xăng dầu của hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn với thế giới là “bình thông nhau”. Công thức tính giá bán của hai nhà máy lọc dầu trong nước dựa trên giá quốc tế. Thị trường lên thì giá bán trong nước lên, xuống thì điều chỉnh xuống. Tuy nhiên, DN đầu mối mua hàng trong nước có khác so với nhập nước ngoài. Giá quốc tế căn cứ trên giá Platt Singapore cộng thêm phí vận chuyển, bảo hiểm và phụ phí. Nếu mua trong nước sẽ giảm được thời gian từ lúc ký hợp đồng đến khi nhận hàng. Mua bán thì ai cũng muốn ký xong có hàng luôn. Với diễn biến của thị trường hiện nay, khi có một nhà máy lọc dầu tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng, giá và phụ phí sẽ tăng kéo theo nhiều biến động thị trường.
Vị lãnh đạo DN cho biết, với mặt hàng xăng, hiện DN chủ yếu nhập từ Hàn Quốc do được hưởng ưu đãi thuế, giá cạnh tranh hơn. Nhập từ Singapore sẽ bị lỗ vì thuế cao hơn. Với dầu DO, nhập từ nguồn ASEAN, Hàn Quốc đều được. Tuy nhiên, dù có đủ lợi thế nếu mua hàng trong nước nhưng các DN vẫn thích nhập xăng từ nước ngoài vì việc nhập này kéo theo những “khoản lậu” mà chỉ dân trong ngành mới hiểu.
Theo thông lệ, khi DN nhập hàng về, đơn vị bán ở nước ngoài có thể cho DN mua trả chậm tối thiểu 30 ngày, thậm chí trả chậm tới 180 ngày miễn là DN có ngân hàng đứng ra bảo lãnh hợp đồng. Trong khi mua trong nước thì thời gian trả chậm chỉ được 30 ngày. Tất nhiên, trong trường hợp này, phụ phí sẽ tăng theo để bù chi phí tài chính.
Cụ thể, theo vị chủ DN, hiện lãi suất vay ngân hàng ở nước ngoài thấp hơn nhiều so với trong nước. Vì vậy, với lô hàng trị giá 500 tỷ đồng, DN sẽ tìm cách bán hàng ngay lập tức, thu tiền tươi nhưng 6 tháng sau mới phải thanh toán với nhà cung cấp nước ngoài. Số tiền 500 tỷ đồng lúc này sẽ là nguồn vốn cho ngân hàng với chi phí thấp hơn rất nhiều so với huy động vốn trong dân cư, từ DN trong nước.
Các DN được hưởng lãi từ việc huy động vốn trả chậm như vậy có thể bạo tay tăng chiết khấu, có những giai đoạn lên tới 1.400 đồng/lít, để thâu tóm thị phần. “Bản chất các DN, với sự tiếp sức từ các ngân hàng phía sau, lấy lợi nhuận từ lãi ngân hàng để bù cho phần kinh doanh để cạnh tranh. Nhiều khi hàng chưa cập cảng đã được DN bán hết. Lợi nhuận vì thế rất lớn. Chưa kể DN được mua ngoại tệ với tỷ giá nào cũng góp phần mang lại lợi nhuận gia tăng cho các DN xăng dầu đầu mối”, vị chủ DN không muốn nêu tên cho hay.
Giải mã khan xăng, dầu từ nguồn cung
Đại diện một DN xăng dầu thuộc top 5 Việt Nam cho hay, sau kỳ tăng giá ngày 13/5, nguồn cung xăng dầu trên thị trường bắt đầu trở nên khan hiếm. Các DN đầu mối cũng đã mạnh tay giảm mức chiết khấu của đại lý, trong khi hầu hết doanh nghiệp muốn tăng mua hàng dự trữ để đầu cơ trong bối cảnh giá liên tục xuống thấp. Khi giá có chiều hướng tăng trở lại, các DN đầu mối càng đẩy mạnh việc “bắt đáy đầu cơ”. Các nhà máy lọc dầu cũng thay đổi phương án bằng cách bán ra từ từ lượng hàng đang có.
Mấy ngày qua, trước thời điểm xăng tăng giá, nhiều cây xăng trên cả nước trưng biển hết xăng Ảnh: BLÐ
“Khi giá có xu hướng tăng trở lại, không ai phải vội bán ra. Giá càng lên cao, lợi nhuận càng lớn. Thực tế ngay các nhà máy lọc dầu cũng bắt đầu chỉ bán với số lượng đúng theo hợp đồng để đợi giá lên, bù cho phần lỗ thời gian trước. Việc này là bình thường trong kinh doanh”, vị đại diện DN phân tích.
Thực tế thời gian qua, theo đại diện DN xăng dầu đầu mối, tình trạng giằng co tăng mua - chậm bán diễn ra ngay từ giữa tháng 4. Các nhà máy lọc dầu bắt đầu bán hàng chậm lại để bù cho phần lỗ do phải mua dầu thô với giá 60-70 USD/thùng từ tháng 12/2019. Việc các DN đầu mối cũng đẩy mạnh mua vào để tích trữ đầu cơ chờ giá lên càng khiến xăng dầu trên thị trường trở nên khan hiếm, đặc biệt trong bối cảnh khi đầu tháng 4/2020 có thông tin nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng tổng thể lần 4 sau 3-4 năm hoạt động liên tục. Mặc dù công tác bảo dưỡng tổng thể lần 4 chỉ thực hiện trong gần 2 tháng nhưng tác động rất lớn đến thị trường.
“Đến nay DN đầu mối mua của nhà máy lọc dầu cũng gặp khó do nhà máy chỉ bán ra với số lượng theo đúng kế hoạch. Muốn mua thêm cũng không có. Do chỉ mua được lượng hàng hạn chế, cộng thêm việc găm hàng nên xăng dầu từ các DN đầu mối xuống đến tổng đại lý, đại lý cũng “nhỏ giọt” theo đúng sản lượng bán bình thường khiến nguồn cung càng khan hiếm. Vì vậy, việc các cây xăng, đại lý đồng loạt treo biển hết xăng ở nhiều địa phương trong những ngày này cũng là điều dễ hiểu”, vị đại diện DN nói.
Sau đại dịch, DN xăng dầu "đại chiến" chiết khấu
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, cùng với việc gặp khó trong nguồn cung hiện nay, các DN và thị trường xăng dầu cũng đang trải qua thời kỳ biến động chưa từng có trong lịch sử vì dịch COVID-19. Theo đó, giá dầu thô từ mức 68 USD/thùng vào đầu tháng 2 đã nhanh chóng giảm xuống còn 18-20 USD/thùng. Giá xăng bán lẻ trong nước cũng từ 21.000 đồng xuống còn hơn 10.000 đồng/lít. Tình thế này khiến có thời điểm nhiều doanh nghiệp đầu mối phải nghiến răng bơm chiết khấu cho tổng đại lý và đại lý tới 5.800 đồng/lít để đẩy hàng tồn, nhằm giảm áp lực lỗ khi giá liên tục giảm sau mỗi ngày và giá bán lẻ trong nước chỉ hơn 10.000 đồng/lít xăng.
Theo các DN đầu mối, sau kỳ tăng giá ngày 13/5, cùng với sự hồi phục của giá xăng dầu thế giới, mức chiết khấu cho các tổng đại lý và đại lý đã giảm sốc, đến nay chỉ còn dao động quanh mức 200 đồng-300 đồng/lít xăng và chưa đến 400 đồng/lít với măt hàng dầu. Thậm chí, càng sát kỳ điều hành giá xăng dầu, nhiều doanh nghiệp bán lẻ sẵn sàng nhận chiết khấu 50 đồng, hoặc 0 đồng miễn sao mua được hàng.
Theo lãnh đạo một DN xăng dầu đầu mối, hiện các thương nhân bán lẻ chấp nhận chỉ nhận chiết khấu thậm chí ở mức 0 đồng miễn là có hàng để mua. Giờ DN chỉ cần mua được xăng dầu khối lượng lớn, găm hàng một, hai tháng khi giá tăng là thu lợi nhuận khủng.
“Cơ quan điều hành chỉ cần tăng giá 500 đồng cho mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu, sau 2 hoặc 3 kỳ điều hành, tương đương 30 ngày đến 45 ngày, mỗi lít xăng giữ lại DN xăng dầu lãi ít nhất 2.000 đồng. Lúc đó lợi nhuận khủng khiếp. Thị trường xăng dầu đang có những cơn sóng ngầm mua tranh bán cướp trong bối cảnh nguồn cung nhỏ giọt”, lãnh đạo một DN đầu mối tiết lộ.