Trao đổi với PV Tiền Phong, giám đốc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở một tỉnh phía Bắc cho biết, thị trường xăng dầu đang có quá nhiều vấn đề cần giải quyết. Theo vị này, các quy định của Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu hiện nay đang không tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp do thiếu những điều khoản quy định chặt chẽ và có những lỗ hổng về kiểm soát thị trường, thị phần của các tầng lớp trung gian phân phối trong thị trường xăng dầu.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ cho rằng, cần sửa triệt để các quy định trong Nghị định 95 để thị trường minh bạch hơn
“Các quy định hiện nay trong nghị định nếu không được sửa, cơ quan quản lý sẽ không kiểm soát được thị trường. Việc không kiểm soát được chiết khấu của các doanh nghiệp, để doanh nghiệp bán lẻ bị lỗ kéo dài sẽ buộc doanh nghiệp phải tìm các nguồn xăng dầu giá rẻ khác để bù đắp lại khoản lỗ cũng như có nguồn tiền để duy trì hoạt động. Đây là thực tế của thị trường đang diễn ra nhiều năm qua”, vị giám đốc này nói.
Cũng theo vị này, lỗ hổng hiện nay của thị trường chính là các đầu mối được hưởng lợi nhuận định mức, tính đủ các chi phí. Tuy nhiên, từ các đầu mối xuống các thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán lẻ thì quy định chiết khấu lại rất khó kiểm soát. Đầu mối có thể đơn phương cắt chiết khấu, với lý do bị lỗ hoặc ít lợi nhuận, lúc này, các đại lý bán lẻ sẽ gánh, san đủ các khoản lỗ cho các tầng lớp phía trên.
“Để đảm bảo tiệm cận thị trường, cơ quan quản lý phải sửa quy định về chiết khấu để doanh nghiệp bán lẻ đủ sống. Không thể để mãi cảnh doanh nghiệp bán lẻ lấy tiền nhà ra bù lỗ để bán xăng dầu phục vụ thị trường. Chưa kể, những lúc thị trường gặp khó, chúng tôi còn phải trả thêm tiền cho các đầu mối để được lấy hàng. Đây là những luật ngầm xuất hiện từ khi thị trường xăng dầu có biến động và kéo dài từ đầu năm 2021 đến nay”, đại diện một doanh nghiệp bán lẻ đề nghị không nêu tên nói.
Một trong những bất cập trong thị trường xăng dầu, theo đánh giá của các doanh nghiệp chính là các quy định trong Nghị định 83 và cả 95 đều cho phép tầng lớp trung gian rất quan trọng là các thương nhân phân phối được phép ‘đá’ cả hai sân: vừa được bán buôn, lại vừa trực tiếp tham gia bán lẻ. Khi thị trường thuận lợi, các doanh nghiệp này ăn lợi nhuận được cả hai đầu. Còn doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy từ 1 nguồn nên thương nhân phân phối cho bao nhiêu tiền thì bán lẻ biết bấy nhiêu.
“Các thương nhân phân phối hiện quyền lực rất lớn nhưng cũng rất khó kiểm soát khi họ đóng vai trò quan trọng trong nguồn cung. Không mấy người biết luồng xăng dầu của họ đang diễn ra thế nào. Để lấy được hàng của các thương nhân phân phối, chúng tôi phải chịu cảnh họ cho uống nước đục cũng phải uống. Không có lựa chọn khi luật chơi đang nằm trong tay họ”, Đại diện một doanh nghiệp bán lẻ ở Hà Giang nói.
Thậm chí theo vị này, các thương nhân phân phối, với quyền của mình, hiện có thể ép doanh nghiệp bán lẻ “chết’ nếu muốn. Với việc liên tục cắt chiết khấu, không có lãi, nhiều doanh nghiệp vốn ít sẽ buộc phải buông, rời thị trường và đây cũng là cách thâu tóm thị trường rất tinh vi. “Tôi từng nhận được đề nghị của đối tác muốn mua lại cây xăng khi chúng tôi gặp nhiều khó khăn chưa từng có trong năm qua”, vị này nói.
Đủ chiêu qua mặt cơ quan chức năng
Về những lỗ hổng liên quan đến kiểm soát thị trường, một doanh nghiệp xăng dầu ở TPHCM cho biết, tình trạng nhiều cây xăng bán lẻ đóng cửa, tạm dừng bán hàng thời gian vừa qua, một phần do bị lỗ, phần khác không nhập được hàng từ các thương nhân phân phối. Trong năm 2022, khi thị trường căng thẳng nhất, các thương nhân phân phối cũng tìm mọi cách hạn chế bán ra, dù họ được phép nhập từ 3 nguồn khác nhau. Khi cây xăng đóng cửa, Lực lượng Quản lý thị trường vào kiểm tra nhưng cũng không xử lý.
Khi doanh nghiệp gọi điện cho thương nhân phân phối để đặt hàng, có sự chứng kiến của quản lý thị trường, các thương nhân phân phối lách luật, qua mặt cơ quan quản lý bằng cách nhận bán hàng với chiết khấu 0 đồng và sẽ xuất hàng cho doanh nghiệp bán lẻ. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp bán lẻ chuyển tiền cho thương nhân phân phối và quản lý thị trường rút đi, thương nhân phân phối "quay xe" trả lại tiền cho doanh nghiệp bán lẻ. Chiêu này được nhiều thương nhân phân phối áp dụng với các cửa hàng bán lẻ để qua mặt sự kiểm tra của Lực lượng Quản lý thị trường. “Muốn lấy xăng, cửa hàng bán lẻ ngoài không được chiết khấu, chúng tôi còn phải trả thêm 200 đến 700 đồng/lít tuỳ thời điểm”, ông này tiết lộ.
Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc cho biết, Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu nhưng cách đề xuất sửa đổi của dự thảo đang thiếu những quy định liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp bán lẻ.
“Khi đã ký hợp đồng với đầu mối”, doanh nghiệp phải treo biển hiệu, logo của đầu mối đó. Nên khi bị cắt chiết khấu, doanh nghiệp không thể bỏ đi ngay, chuyển sang nhà phân phối, đầu mối khác được”, ông nói. Để gỡ khó, cần có mức chiết khấu cố định cho doanh nghiệp bán lẻ được quy định trong luật.
Một bất cập khác về nguồn cung phải sửa đổi, theo đại diện Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, các thương nhân phân phối được lấy 3 nguồn hàng khác nhau nhưng khi đổ vào bồn lại để chung cả 3 nguồn. Thế nên khi cơ quan quản lý kiểm tra sẽ không phân biệt được nguồn hàng của doanh nghiệp nào. Vì vậy, cần giảm bớt số thương nhân phân phối bớt và cho phép doanh nghiệp bán lẻ trực tiếp lấy xăng dầu từ các đầu mối để giảm chi phí các tầng nấc trung gian.
“Nếu để các thương nhân phân phối thì không được để các đơn vị này tham gia bán lẻ trực tiếp. Cùng với đó, cần xem xét việc cho phép các doanh nghiệp bán lẻ được lấy từ 3 nguồn khác nhau giống như thương nhân phân phối. Doanh nghiệp bán lẻ là nơi cuối cùng đưa xăng dầu ra thị trường nhưng hiện không ai lắng nghe, bảo vệ quyền lợi cho các đơn vị bán lẻ”, ông Giang Chấn Tây cho hay.
Theo Giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu ở TPHCM, sửa Nghị định 95 lần này, cơ quan quản lý cần xem xét cả vai trò của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Với cách vận hành hiện nay, Quỹ đang thu tiền trước của người tiêu dùng nhưng khi lấy ra để bình ổn thì vai trò của quỹ không rõ. Theo đó, cần đổi tên Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thành Quỹ An ninh năng lượng để tạo nguồn dự trữ cho thị trường. Khi thị trường cần sự can thiệp, doanh nghiệp được vay từ quỹ và trả chi phí để có nguồn lực nhập hàng, cung ứng cho thị trường. Việc này cũng sẽ giúp hình thành nguồn dự trữ cho quốc gia về lâu dài.