Tôi đã từng là một chuyên viên đầu tư của một công ty đầu tư tài chính có tiếng trên thị trường, công việc chính là giao dịch, đầu cơ ngắn hạn cổ phiếu niêm yết, đầu tư góp vốn cổ phần doanh nghiệp. Trải qua hơn 5 năm trong nghề với công việc toàn thời gian là giao dịch cổ phiếu, theo dõi từng con sóng của thị trường, tôi nhận thấy nhiều điều ở đằng sau bảng điện.Cổ phiếu của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HSX: HAG) đã dạy cho tôi bài học để đời về cái giá của việc bình quân giá xuống, cố chống lại xu hướng thị trường.
HAG và bài học bình quân giá xuống
Thời điểm tháng 5/2015, tôi "cầm" danh mục của công ty với tổng giá trị hơn 100 tỷ đồng. Sau khi thấy giá cổ phiếu HAG về vùng hấp dẫn, tôi phân tích và làm tờ trình gửi lên IC (Investment Committee- Hội đồng đầu tư) để đề xuất mua cổ phiếu HAG quanh vùng giá 19.000 đồng-20.000 đồng/ cổ phiếu.
IC thường có 5 thành viên, mỗi thành viên đảm nhiệm các vị trí khác nhau như: chiến lược, vĩ mô, phân tích, nguồn vốn, quản trị rủi ro. Sau buổi bảo vệ đề xuất đầu tư, tôi được IC thông qua mua mới 500.000 cổ phiếu HAG để cơ cấu lại danh mục.
Với kinh nghiệm lâu năm về phân tích kỹ thuật, giá HAG thời điểm đó cứ chạm hỗ trợ tại các đường SMA và Lower Bollinger band là tôi đặt lệnh và khớp lệnh. Tôi khá tự tin với chiến lược của mình vì vùng 19.000 đồng- 20.000 đồng/ cổ phiếu cũng là vùng giá thấp nhất của năm 2011. Xét về mặt cơ bản, doanh nghiệp đang tái cơ cấu thành công, hệ số P/E thấp so với trung bình ngành và thị trường nên chiến lược rủi ro thấp, lợi nhuận cao phù hợp cùng với khẩu vị rủi ro của danh mục.
Đồ thị giá cổ phiếu HAG – Nguồn TradingView
Sau 1 tuần mua được 100.000 thì giá cổ phiếu HAG bắt đầu giảm dần và tôi liên tục bình quân giá mua xuống thấp hơn, dân trong nghề gọi là chiến lược "Cưa chân bàn".
Sau 1 tháng mua xong khối lượng được phê duyệt, giá cổ phiếu HAG tiếp tục sụt giảm với các lệnh bán dồn dập, hiện tượng bán giải chấp (Forced selling) đã bắt đầu xuất hiện đối với những nhà đầu tư mua trên vung giá 22.000 đồng/ cổ phiếu.
Đến tháng 11/2015, giá cổ phiếu HAG rơi về quanh 12.000 đồng/ cổ phiếu, giảm hơn 30% so với giá vốn của tôi mua. Thời điểm này tôi mất ngủ liên tục với suy nghĩ cơ cấu lại hay mua thêm, và liên tục là các đợt giải trình với IC. Kết thúc năm 2015, danh mục của tôi phải trích lập dự phòng khá lớn cho khoản lỗ đầu tư cho cổ phiếu HAG.
Bài học rút ra cho bản thân tôi khi đó là đừng cố chống lại xu hướng, tâm lý trên TTCK thật đặc biệt, những câu chuyện tốt về doanh nghiệp mặc định sẽ tiếp tục tốt và những điều xấu sẽ tiếp tục xấu, giá cổ phiếu sẽ ngừng rơi nếu doanh nghiệp có câu chuyện nào đó thật bất ngờ đủ để cho nhà đầu tư cảm thấy rẻ để mua và có kì vọng bán với giá cao hơn.
Chiến lược bình quân giá xuống đã kéo thành quả toàn danh mục của tôi quản lý đi xuống. Do đặc thù là Cty đầu tư/ Cty Quản lý quỹ đầu tư không dùng margin để mua cổ phiếu nên danh mục của tôi không bị tình trạng margin call. Tuy nhiên, bài học về bình quân giá xuống của HAG cũng đã cuốn đi hết lương thưởng của tôi trong năm 2015.