10 năm đầu tư, mất tiền từ chứng khoán, nhà đầu tư-môi giới Lê Đức Thắng từng bị chính người nhà "say no" khi thuyết phục họ ủng hộ cho mình khi mình làm môi giới, từng phải viết bản tường trình nhận lỗi với người cậu ruột...Nhưng, nhà đầu tư Thắng vẫn luôn muốn làm lại từ đầu.
***
Tham gia cuộc thi do ACBS tổ chức, cảm thấy level của mình không phải như ngày đầu vào SBSC khi xưa nữa, tôi quyết tâm "báo thù"...Nhưng, 1 lần nữa, tôi mất tiền vì dù sau 10 năm, "vận nội công lên", margin full nhưng vẫn không thoát được khỏi "cú đánh sập sàn tháng 4".
Tôi rút 50,8 triệu ra khỏi ACBS đúng 1 ngày sau khi sập sàn chỉ là may thôi vì khi bỏ sang FPTS, VNDS thì tôi lại tiếp tục mất hết tiền. Mất hết tiền, bị đòn chí mạng, tôi phải dừng cuộc chơi.
Và như người ta nói, cánh cửa này khép lại có cánh khác mở ra...Tôi không muốn uổng phí 10 năm mất tiền vì chứng khoán với quá nhiều bài học, kỉ niệm, đã đồng ý ngay câu hỏi " nếu em đam mê, em có muốn làm môi giới không, nộp hồ sơ ngay chiều nay nhé" của chị trưởng phòng tại 1 chi nhánh CTCP CK SSI. Lí do tôi muốn làm môi giới được tôi ghi trong CV là: "có thể giúp những người mới tham gia tránh được những vết xe đổ của em".
Đó là cơ duyên dẫn tôi đến với công việc môi giới tại Công ty chứng khoán SSI...
Mẹ bao nhiêu lần trách tôi "10 năm không có tài sản gì từ nó, mà vẫn cứ lao theo, nói hay nói tốt cho nó". Nhưng tôi vẫn tin rằng, chỉ khi nào chết mới hết chuyện, còn sống là còn ẩn số. Tôi không bỏ, vì tình yêu chứng khoán có lẽ đã ngấm trong từng tế bào! "Ai đã từng khóc vì yêu, xin hãy yêu cho thật nhiều. Ai chưa từng khóc vì yêu, là đang sống trong tình yêu". Câu hát hay quá, hoàn toàn có thể áp dụng thành "ai đã từng mất tiền vì chứng khoán, xin hãy yêu chứng khoán thật nhiều. Ai chưa từng mất vì chứng khoán, là đang sống trong cuộc chơi".
Nhưng giờ đây, tôi muốn mình nghị lực hơn, mạnh mẽ hơn, khôn ngoan hơn. Vì chỉ có tình yêu thì không đủ để đi tới cuối con đường chiến thắng.
Làm môi giới, tôi lại chịu cảnh mất tiền khác: Mất tiền vì không có tiền. Tôi ngậm ngùi nhìn cổ phiếu lên, ngậm ngùi nhìn phái sinh cho xu hướng bỏ tiền vào là có lời nhưng không còn tiền để bỏ vào tài khoản nữa. Khi đã hạn chế được những vết xe đổ, nhìn ra cơ hội "quả trên cây chỉ việc cho tay ra hái", tôi thấy rất buồn khi mình nói nhưng người ta không tin theo. Tôi thấy họ có tiền nhưng họ sợ và không biết cơ hội kiếm tiền.
Trong lúc đang trong cảnh tư vấn cũng chẳng ai tin thì có 1 ông khách tiềm năng đến với tôi. Đó là cậu ruột của tôi. Cậu là người cho tôi tiền đi học lớp 12, là người thân duy nhất trong họ mua cổ phiếu ủng hộ cháu làm môi giới SSI trong khi tất cả người thân khác "say no".
Nhưng đó chưa phải lần mất tiền cuối! Giống như việc cổ phiếu liên tục thủng hết đáy này sang đáy khác, khi tôi không đầu tư bằng tiền của mình nữa thì vẫn mất tiền vì lí do khác. Đó là khách hàng đổ hết tội cho môi giới, bắt môi giới chịu hết phần thua lỗ. Lí do là do cả hai bên. Có thể mô hình hóa thành 4 thời điểm như sau:
a: Lúc khuyên khách bán phái sinh
b: Lúc khách đóng vị thế cắt lỗ, bắt môi giới chịu hết tổn thất mà lại không cho thêm thời gian
c: 1 thời gian sau khách đã chửi mình, khi giá tiếp tục tăng
d: 1 thời gian dài hơn sau đó, hiệu quả của lệnh bán tại thời điểm a đã thành hiện thực, không những không còn tổn thất mà còn sinh lãi thêm gấp 2,3 lần số lỗ tại thời điểm b.
Mất tiền vì bị khách hàng thân thiết tạt gáo nước lạnh, đó lại là cậu ruột mới đau. Mất thêm nữa là tình cậu cháu bao năm. Cái mất này đau thấu, từ đó tôi bỏ nhà ra ở trọ. Bản tường trình/ Bản nhận lỗi với cậu của mình đã được tôi viết ra cùng lời hứa chịu hết trách nhiệm cho khoản thua lỗ và xin tiếp tục được tự chịu trách nhiệm với lựa chọn con đường tương lai của mình.
Nhưng không cái ngu nào như cái ngu nào, tôi tính mua VEA khi đầu 2018 này từ giá 38, khi mà đã được cô em gái xinh đẹp ngồi gần hồi làm cùng tại chi nhánh SSI chia sẻ từ trước. Lần này mất tiền là vì không tin vào sự hoạt bát lanh lợi của các em nhỏ, những môi giới nhỏ tuổi hơn mình. Việc nhìn thấy có thể làm ra tiền mà không chịu làm, thì có thể gọi là một dạng của mất tiền.
Anh chị em từng nghe nói về việc các nhà đầu tư chuyên nghiệp đi hỏi người chăn ngựa để xin lời khuyên chưa? Warren Buffet từng mách nước cho người ta như thế để kiếm tiền, và tôi bắt chước cách làm này. Tôi uống cafe tại quán nhỏ xinh xinh nọ và hỏi người bán cafe lanh lợi, nói chuyện có duyên và cho họ xem đồ thị phái sinh rồi nói họ đoán thử xem nó sẽ lên hay xuống. Thật không thể ngờ là họ trúng 3 lần liên tiếp!. Tôi tặng họ tờ 20 đô la Canada nhưng tôi có thể tránh được mất vài triệu, nếu tin họ. Tôi đã cứ làm như mình có kinh nghiệm hơn, có tiền hơn mà không thèm nghe họ cảnh báo "sắp giảm rồi đó anh".
Đôi khi mất tiền chỉ vì coi thường khả năng của người khác, mà quên rằng "cái tôi là cố vấn tồi". Vì cũng như luôn có 3 đáp án ABC trong bất kì câu hỏi nào, sàn chứng khoán có những trường hợp quá khó không ai biết nên chọn tăng-giảm hay đứng giá. Đó là lí do chúng ta cần có đồng đội, dù chỉ là 2, 3người, mà tốt hơn là cả đội nhóm.
Câu nói "95% người chơi thua lỗ" sao mà nó hết sức tương đồng với chỉ có 5% người chơi chiến thắng tại gameshow Đấu trường 100. Giờ đây khi viết xuống bài viết này, tôi mới vô tình nhận ra, suy ra rằng: chỉ khi nào sàn chứng khoán ngưng hoạt động thì người ta mới ngừng mất tiền thôi. Vì giống y như Đấu trường 100, còn game là còn có 95 người đến góp vui và chỉ có vài người được tiền thưởng. Có 1 sự thật là, trên đấu trường 100 những đội nhóm rất hùng hậu và luôn có giải chia nhau!
Theo anh MC Thái Tuấn, "dù được tiền thưởng từ cuộc chơi hay mất tiền đã tích lũy được, anh chị em cũng hãy vui vẻ vì đã đóng góp cho quốc gia làm nên một chương trình hấp dẫn, bổ ích, có tầm phủ sóng toàn thế giới. Hãy đến với chương trình để có những trải nghiệm không thể nào quên trong suốt cuộc đời mình. Rất cảm ơn tất cả mọi người đã quan tâm và dành tình cảm đến chương trình".
Lịch sử từng cho thấy "thần kì Nhật Bản" là gì, khi mà sau 2 quả bom nguyên tử họ vươn lên thứ hai thế giới. Tôi cũng hy vọng khi viết xuống bài viết này cũng là "khi mọi điều tồi tệ được tung ra hết cũng là đáy" của mình. "Tam thập nhi lập" chính là từ 30 tuổi tôi hiểu mình hơn, và chấp nhận học hỏi làm lại từ đầu như đứa trẻ lên 3, để làm được điều gì đó sau vài năm nữa. Thay vì học hỏi trước đã, rồi sau đó mới có thể đầu tư, tôi đã làm ngược lại. Và mất tiền nhiều hơn gấp bội số tiền dành để đi học.
Hy vọng sau đợt này Cafef có cuộc thi viết "Tôi làm lại từ đầu- từ nét thứ 3 của chữ N".