Vài ngày trước, cuộc thi viết TÔI MẤT TIỀN tạm không đăng tin vài ngày để nhà đầu tư trọn niềm vui thị trường quay đầu sau chuỗi ngày miên man giảm.
Kính mời quý nhà đầu tư tiếp tục đọc những dòng chia sẻ Bắt dao rơi, thắng 1 thua 10 của tác giả Đinh Thành Trung để niềm vui- nếu có- hãy dài hơn 3 ngày tăng điểm cuối tuần trước. Đừng quên gửi bài dự thi của mình đến ban biên tập chúng tôi qua email huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn vì chỉ còn 2 tuần nữa là thời hạn nhận bài thi sẽ hết.
****
Trong tình hình thị trường chứng khoán giảm điểm, các "diễn viên xiếc" xuất hiện ngày càng nhiều. Vâng, họ là những người mạo hiểm bắt dao rơi.
Tôi là người chủ trương đầu tư an toàn, vậy mà cũng có lúc muốn liều, muốn thử cảm giác bắt đáy là như thế nào, và tất nhiên là lỗ "sặc tiết". Đó là một hành động vô cùng liều lĩnh, mà nói như các bậc cao thủ là "thắng 1 thua 10".
Vào thời gian thị trường giảm 30-40% từ đỉnh, có nhiều mã thậm chí còn giảm giá hơn 50%, khi ấy có một số nhà đầu tư bỏ một phần vốn để… đánh bạc. Thật kỳ lạ, những người cố bắt dao rơi lại khá lớn tuổi, hiểu đời, hiểu người. Đó chính là sự phi logic của thị trường chứng khoán, khi người càng nhiều kinh nghiệm lại cố gắng mạo hiểm để tạo ra sự khác biệt. Tôi cũng phần nào hiểu lý do vì sao họ lại mạo hiểm như vậy, bởi họ dựa vào kinh nghiệm để đánh cược với tiền của chình mình.
Thế nhưng, vài năm sau khi quan sát các nhà đầu tư bắt dao rơi, tôi cũng tổng kết lại và kết quả là chỉ có chưa đến 10% nhà đầu tư bắt dao rơi là chiến thắng, còn lại thì thất bại. Không biết những con cáo già thì thế nào, nhưng với các nhà đầu tư nhỏ lẻ thì việc mạo hiểm bắt đáy, dù có thông tin tốt cũng chẳng khác gì việc ném tiền qua cửa số. Hiếm hoi lắm mới có người thắng vài lần khi bắt dao rơi, còn nếu bắt đúng đáy liên tục thì chỉ có sự may mắn không tưởng, hoặc một thế lực nào đó siêu mạnh đứng sau.
Trải qua nhiều lần cố gắng tích lũy kinh nghiệm, tôi cũng đã biết nguyên lý cơ bản của việc bắt đáy. Ngoài việc có được thông tin nội bộ, còn phải biết chính xác thông tin thị trường, đó là: ai bán và ai xuống tiền. Với những cổ phiếu nhỏ, không cần lực quá mạnh cũng có thể "bật tanh tách", còn với blue-chips thì phải có sự ủng hộ của cả thị trường.
Xét cho cùng, lợi nhuận khổng lồ chính là cám dỗ ngọt ngào để nhà đầu tư bắt dao rơi, nhất là các nhà đầu tư cá nhân. Họ lục tìm lịch sử, nhìn thấy các penny tăng giá quá nhiều từ đáy, họ hướng đến từ 50% đến vài trăm phần trăm lãi trong thời gian ngắn. họ nghĩ đơn giản rằng: chỉ dùng một phần tiền để bắt đáy nên có sai cũng không thiệt hại quá lớn, cùng lắm thì giữ dài vì đó là cổ phiếu tốt. Vâng, và đó là sai lầm dẫn đến mất tiền nhanh chóng.
Tôi nhớ lại có thời điểm "máu" bắt đáy kinh khủng, do bị sự hấp dẫn của các cổ phiếu tăng giá "điên loạn". Không ít lần tôi muốn bỏ 50% vốn để "được ăn cả, ngã về không". Đó là cái suy nghĩ muốn giàu nhanh, muốn chơi lớn một lần chứ không phải kiểu đánh cò con vài trăm cổ. Và khi không còn giữ được sự bình tĩnh cũng là lúc sai lầm xuất hiện. Dù biết được thông tin tốt và thông tin "khởi nghĩa", nhưng tôi đã sai ở thời điểm. Tôi mất gần như toàn bộ số vốn bắt dao rơi, đến khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ như tôi mất kiên nhẫn và bán tháo thì cũng là lúc chuyến tàu thật sự mới bắt đầu khởi hành. Thật là một lần mất tiền cay đắng, nhưng cũng hợp lý cho một cái đầu nóng vội.
Rồi tôi cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm cho những ai muốn bắt dao rơi. Tất cả nằm ở hai vấn đề: đúng mã và đúng thời điểm. Cho dù tự tin với thông tin có được nhưng với những cổ phiếu nhỏ thì dấu hiệu tăng trưởng có thể mơ hồ và ập đến bất thình lình. Chỉ bắt khi nào ta thật sự chắc chắn về một con dao không thể rơi tiếp và có dấu hiệu tăng trở lại. Và tất nhiên, hạn chế bắt dao rơi khi thị trường chung có xu hướng giảm. Tiếp nữa, bao giờ cũng phải chừa đường lùi, phải xét tương quan giữa xu hướng chung của thị trường và thanh khoản của cổ phiếu định bắt, để xem nếu diễn biến xấu thì ta có thể chạy được không. Điều cuối cùng là dám chơi dám chịu, xác định trước đã đánh bạc thì phải chấp nhận nếu bạn thua.