Sau 4 ngày phát động cuộc thi viết "TÔI MẤT TIỀN", ban biên tập đã nhận được nhiều bài dự thi của độc giả gửi về. Chúng tôi trân trọng cảm ơn những chia sẻ nỗi đau mất tiền của độc giả để tất cả nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán có thêm kinh nghiệm cho mình.
Chúng tôi xin đăng tải bài viết: "Bún chả" có ngon không? của tác giả Đinh Thành Trung. Cổ phiếu có chục lý do tăng giá thì cũng có cả trăm lý do để giảm giá. Một trong những lý do mất tiền kinh điển đó là: Nhà đầu tư dính bẫy "bull trap" hay còn được giới đầu tư "phiếm" là "bún chả". Kính mời độc giả đọc dòng tâm sự về nỗi đau dính bẫy bull trap và đừng quên gửi bài viết cộng tác của mình đến huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn
***
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua không ít thăng trầm, đi cùng với đó là kinh nghiệm và bản lĩnh ngày càng được nâng cao của các nhà đầu tư. Giá cổ phiếu lên xuống từng ngày, xuất hiện nhiều câu chuyện vui buồn về mua hớ, bán hớ.
Vâng, có rất nhiều câu chuyện như thế mỗi khi những con số trên bảng điện nhảy múa, một trong số đó là "bull trap" hay còn được gọi vui là "bún chả". Các nhà đầu tư vẫn hay tếu táo với nhau bên ly cafe: hôm qua chú ăn bún chả có ngon không? Với người thân quen, họ sẽ coi đó là câu đùa vui nhưng cũng ẩn chứa mỉa mai, cay đắng.
Bull trap, hay còn gọi là bẫy tăng giá, thường xuất hiện trong một đợt đi xuống, khi đó giá sẽ bất ngờ đi lên, nhưng sau đó lại tiếp tục chu trình giảm. Tất nhiên, dính bull trap là điều tệ nhất với bất kỳ nhà đầu tư nào, nhưng thực tế ngay cả những nhà đầu tư lâu năm cũng vẫn có thể ăn "bún chả" như thường.
Đặc điểm dễ nhận ra của bull trap là khi giá một hay nhiều cổ phiếu tăng lên mà không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, đó là diễn biến thông thường ở các thị trường phát triển, còn ở Việt Nam, theo cách nói vui của giới "lướt sóng" thì chúng ta có thể ăn bún chả bất cứ khi nào, và ở bất cứ đâu, mình thích thì mình ăn thôi.
Có lẽ câu đùa tếu táo đó lại phản ánh một sự thật chua chát của số đông nhà đầu tư nhỏ lẻ: họ có thể dính bull trap bất cứ lúc nào, nếu không "lỳ đòn" và "đầu có sỏi". Kinh nghiệm không phải lúc nào cũng đúng, nhưng nó luôn đóng vai trò quan trọng trong nhận diện những cái bẫy của thị trường, dù bẫy thì muôn hình muôn vẻ.
Tôi đã từng ăn một suất "bún chả" cay đắng như thế khi thị trường đan xen giữa đi ngang và đi xuống. Một hôm, bảng điện tử bỗng lớt phớt sắc xanh, rồi đồng loạt các cổ phiếu lớn tăng giá. Dĩ nhiên lũ penny cũng được đà nổi lên theo với dăm ba tin tốt đồng loạt được tung ra trên diễn đàn, trong các nhóm chat. Đúng lúc đang phân vân có nên nhảy vào mua hay không thì nguồn tin từ một nhóm đầu tư hay tụ tập cafe "lên tàu anh em ơi". Mấy cổ phiếu đã được "khởi động" cùng với những phân tích kỹ thuật từ vài nhà đầu tư có kinh nghiệm. Sợ mất cơ hội, tôi tặc lưỡi đặt lệnh mua.
Mô hình suất "bún chả" mà nhà đầu tư thường ăn
Ngay ngày hôm sau, tôi đã nhận ra mình ăn phải bull trap vì cổ phiếu kia không có lực đỡ mạnh. Ai đó chỉ chờ dịp này và xả mạnh số hàng đã tích trữ. Đến lúc đó, tôi chỉ còn biết tự trách mình không suy xét kỹ càng mà đã nhảy lên tàu và bị "ăn bún chả".
Khi tâm lý chung của các nhà đầu tư khá ảm đạm, không ít người chỉ mong kiếm một chút từ penny rồi rút nhanh. Đó là mảnh đất màu mỡ để các bull trap xuất hiện như cơm bữa. Đặt lệnh chỉ vài chục phút đã dính bull trap trong phiên. Tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt của những nhà đầu tư ngày đó: lo lắng, sợ hãi, tức giận... tất cả chỉ là khởi đầu của những phiên sụt giảm liên tục. Và khi đã mắc phải bẫy tăng giá cũng tức là phải chấp nhận bán lỗ nếu không muốn mất nhiều hơn.
Sau lần "ăn bún chả" đầu tiên, tôi đã cảnh giác hơn với các cổ phiếu dù lớn hay nhỏ mà tăng giá không rõ nguyên nhân. Ấy vậy mà tôi vẫn bị dính bull trap lần nữa. Đó là thời điểm thị trường không tốt cho lắm nhưng vẫn có vài penny có lực mua lớn và duy trì tăng giá suốt mấy ngày. Đến ngày thứ ba tăng giá thì lực mua mạnh đã đẩy giá cổ phiếu đó chuyển thành màu tím. Mấy anh em hay bàn chuyện chia ra đi dò thông tin và nghe phong phanh thấy công ty này lãi khủng. Nghĩ về hai sóng penny cách đây không lâu, tôi lại bị cuốn theo chuyến tàu mà không để ý bull trap có thể là một sóng nhỏ trong đợt giảm dài ngày. Kết quả là tôi đã mất nửa số vốn chỉ vì ham ăn "bún chả".
Với thị trường Việt Nam, chuyện xảy ra "bull trap" khá nhiều. Không ít người đặt câu hỏi với một thị trường mà tâm lý đám đông chi phối nhiều như vậy thì có hành động thao túng giá, tạo nên những bẫy để gom rồi xả hàng hay không. Câu trả lời theo tôi là "cái gì cũng chỉ tương đối", nhất là khi đã chấp nhận cuộc chơi thì cũng phải chấp nhận rủi ro. Trên thực tế, có không ít nhà đầu tư vốn nhỏ nhưng họ đầu tư rất an toàn, không lỗ nhiều khi thị trường đi xuống và khi thị trường đi lên họ sẽ thu được lãi kha khá. Tất nhiên, những cố phiếu lớn cũng có bull trap, nhưng ít thiệt hại hơn các penny, thứ mà khi đã đâm đầu thì những người ăn "bún chả" sẽ mất rất nhiều.