Đến với thị trường với một cái đầu tỉnh táo, bộ não đầy chữ, nhà đầu tư Hoàng Đức Tân vẫn có lần thua lỗ nặng. Những tham vọng của ban lãnh đạo doanh nghiệp đôi khi lan toả mạnh mẽ đến nỗi nhà đầu tư dùng nó như kim chỉ nam và cứ thế là đi. Đến khi nhận ra rằng mình đang đi theo giấc mơ của người khác mà quên đi việc đánh giá khách quan thì quay đầu đã trễ.
***
Thị trường chứng khoán chứng kiến không biết bao nhiêu thăng trầm suốt 12 năm qua, nó tạo ra những cơ hội đổi đời cho nhiều người, nhưng cũng cuốn theo những thành quả lao động, công sức, nước mắt của không ít người. Có thể bạn đồng ý hay không, nhưng tôi cho rằng không nơi nào nhiều cơ hội như thị trường chứng khoán và cũng không nơi nào lắm rủi ro và cạm bẫy như ở đây. Chia sẻ về thất bại chưa bao giờ là điều dễ dàng, vì khi đó chúng ta phải nhìn thẳng vào sai lầm và sự kém cỏi của bản thân. Tuy nhiên, trong khi chúng ta chưa chắc vận dụng được những thành công của những nhà đầu tư vĩ đại, thì chúng ta lại có xu hướng dễ mắc phải sai lầm của những người khác. Nhìn lại quá khứ, và nghiền ngẫm lại sai lầm của bản thân mang lại những giá trị rất lớn, như Ray Dailio - chủ tịch của quỹ Bridge Water từng nói: "Con người trưởng thành nhờ những sai lầm"
Lúc mới tham gia thị trường, tôi thường thích những công ty tăng trưởng nhanh, ban lãnh đạo tham vọng, và kế hoạch kinh doanh nhiều hứa hẹn vì nó dễ kích được lòng tham của thị trường. Do đó, tôi đã chọn mua cổ phiếu của một doanh nghiệp đang xây dựng nhà máy mới, với doanh thu hứa hẹn tăng gấp ba lần. Tại buổi họp đại hội cổ đông, ban lãnh đạo còn tiết lộ: "Các quỹ đầu tư nước ngoài đang xin được góp vốn, các nhà đầu tư nào cần bán cứ bán, tôi vẫn đang mua"
Bắt đầu mở phiên giao dịch vì sợ mất cơ hội, tôi đặt mua luôn lệnh ATO. Sau đó thì giá cổ phiếu đúng là tăng thật, và còn tăng mấy phiên sau đó, tôi đã lãi được 15% chỉ trong có một tuần. Tuy nhiên, cũng ngay sau đó thì cổ phiếu chứng kiến những phiên sàn rất chóng vánh với thanh khoản cao, tôi nghĩ đây chỉ là quá trình điều chỉnh bình thường sau quá trình tăng nóng, thậm chí tôi còn tỏ ra phấn khích và hung hăng hơn khi cổ phiếu giảm, tôi còn mua thêm để bình quân giá xuống, khinh thường người đang bán không hiểu gì về giá trị doanh nghiệp. Nhưng sau đó cổ phiếu vẫn giảm, lúc này từ lãi đã chuyển thành lỗ. Tôi không muốn chấp nhận sự thật là mình đang sai, nên ra sức bảo vệ quan điểm đầu tư của mình, rằng cổ phiếu đã giảm dưới giá trị, nhưng những gì diễn ra trong những phiên tiếp theo dường như đang chống lại tôi. Đến khi bctc quý ra, doanh thu không tăng và lợi nhuận giảm nhẹ. Nhưng thay vì nhìn vào thực tế, đánh giá và phân tích lại, tôi lại nghĩ rằng những thứ này đã phản ánh vào giá, cổ phiếu đã về vùng đáy và không thể nào thấp hơn được nữa và vẫn tự thuyết phục mình chờ kết quả quý tiếp theo (sau này tôi mới biết đây là một dạng confirmation bias, khi doanh nghiệp hay cổ phiếu vận động trái với những phân tích và dự báo của chúng ta, thì chúng ta có xu hướng đi tìm kiếm những thông tin củng cổ cho niềm tin ban đầu thay vì nhìn vấn đề một cách toàn diện và khách quan hơn)
Cổ phiếu không phục hồi lại vẫn tiếp tục đi xuống, lúc này tài khoản của tôi từ lãi 15% đã thành lỗ 40%, rất khó để bạn ra quyết định lúc này, bạn đã không bán lúc lãi 15%, không lẽ gì lỗ 40% bạn lại bán, đã chịu đựng đến đây rồi thì cố chịu đựng thêm, những chuỗi ngày đó là chuỗi ngày tháng khó khăn nhất với tôi, tôi đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều, và cuối cùng khi báo cáo quý tiếp lợi nhuận tiếp tục sụt giảm mạnh hơn, những hi vọng cuối cùng của tôi bị sụp đổ, không thể chịu được nữa, tôi đành phải "buông súng đầu hàng", và chấp nhận cắt lỗ trong đau đớn để giữ lại một ít phần vốn còn lại của mình.
Cho đến hôm nay, thì đây vẫn là thương vụ đầu tư ngốn nhiều thời gian, tiền bạc nhất, dư âm của nó vẫn còn đến hôm nay, mà sau này nhìn lại tôi thấy những sai lầm thửa ban đầu thật ngớ ngẩn. Sau này tôi rút ra một số bài học riêng cho mình như sau:
Một là, đầu tư chứng khoán nên thực dụng, và tránh mơ mộng, hão huyền. Bản chất của kinh doanh là rủi ro, doanh nghiệp khi đầu tư vào một dự án mới đã phải chấp nhận nhiều rủi ro, như: rủi ro hoạt động (operating risk) và rủi ro tài chính (leverage risk), vì họ phải bỏ ra một số tiền (bằng lợi nhuận giữ lại, cũng có thể là phải đi vay) tại thời điểm "hiện tại" với "hi vọng" rằng trong "tương lai" dự án sẽ mang lại dòng tiền (tối thiểu) đủ bù đắp các chi phí cơ hội của họ và số tiền ban đầu bỏ ra. Nhưng, tương lai = không chắc chắn = rủi ro (future = uncertainty = risk), ban lãnh đạo cũng không thể chắc chắn về tương lai của dự án, vì vậy việc doanh nghiệp mở rộng dự án hay thực hiện một dự án mới chỉ là thể hiện "mong muốn", "tham vọng" của ban lãnh đạo (opinion), nó không phải là sự thật (fact). Nhà đầu tư nên tách "quan điểm" và "sự thật" ra khi đánh giá về doanh nghiệp. Ban lãnh đạo có nói hay đến mấy về tiềm năng, triển vọng của dự án, về lợi thế cạnh tranh của sản phẩm (quan điểm)…cũng vô nghĩa nếu nó không thể chuyển hoá thành doanh thu, không thể bán được hàng (sự thật), vì thị trường dựa trên số liệu và thực tế, nó không dựa trên "mong ước" của bất kỳ ai. Ngay cả khi dự án có đưa vào hoạt động thật thì rủi ro của doanh nghiệp vẫn chưa mất đi vì doanh nghiệp sẽ phải gánh các chi phí khấu hao (mà một phần trong đó là lãi vay được vốn hoá trong những năm thực hiện dự án). Nếu chúng ta - những nhà đầu tư nhỏ lẻ - "cầm đèn chạy trước ô tô" nhảy vào quá sớm, mơ mộng và bay bổng theo những hứa hẹn của ban lãnh đạo thì có thể sẽ chịu rủi ro rất lớn nếu những rủi ro này thực sự phát sinh. Lựa chọn phù hợp nhất với các nhà đầu tư nhỏ lẻ là tìm ra điểm bùng nổ của doanh nghiệp (tipping point) dựa trên những phân tích có cơ sở vững chắc, và nó phải được xác nhận tín hiệu trên nền tảng giá (kỹ thuật) để tham gia vào việc mua bán của mình hay đầu cơ của mình, tránh tình trạng "cầm đèn chạy trước ô tô". Doanh nghiệp phải thể hiện được những gì mà chúng ta đang tìm kiếm để ra quyết định (predictive value), chứ không phải ra quyết định với hy vọng rằng doanh nghiệp sẽ thể hiện giống như những gì chúng ta nghĩ.
Hai là, luôn cố giữ sự khách quan và độc lập khi nhìn nhận về cơ hội đầu tư, tránh bị ảnh hưởng hay tác động bởi ý kiến hay quan điểm của người khác.
Nhiều người hay có suy nghĩ "follow the giant" (đi theo người khổng lồ), hay có xu hướng mua bán theo các quỹ đầu tư, và phòng tự doanh của các công ty chứng khoán. Vì họ cho rằng như vậy sẽ cảm thấy yên tâm và an toàn hơn. Nhưng thực tế, ngay cả việc các quỹ đầu tư hay công ty chứng khoán có đầu tư vào đó, nó cũng không phải là cơ sở để chúng ta ra quyết định, vì các quỹ họ có nhiều "thoả thuận ngầm" với doanh nghiệp và có thể thiết kế các công cụ chứng khoán có tính chất như nợ vay (debt-like security). Bạn cũng không thể phản biện bằng những lập luận yếu ớt và cảm tính rằng: "Các ngân hàng cho doanh nghiệp vay, không lẽ họ không tính đến rủi ro, họ không lo thì sao mình phải lo, họ cả một tập đoàn người ngồi thẩm định, không lẽ lại không bằng mình". Cách suy nghĩ này rất nguy hiểm vì nó ảnh hưởng đến tính độc lập và khách quan khi đưa ra quyết định đầu tư. Bạn với họ không giống nhau, bạn không phải là họ. Đừng đầu tư bằng việc vay mượn niềm tin từ người khác. Nếu bạn tin rằng các ngân hàng cho vay là sự đảm bảo chắc chắn cho việc đầu tư của bạn, thì bạn đang thiếu trách nhiệm với những đồng tiền của mình, khách hàng của mình, hãy nhìn lại HAG, HVG, NKG, HSG … ai đã cho những doanh nghiệp này vay?. Ngay cả khi doanh nghiệp có lâm vào phá sản, quyền của bên cho vay (priority claim) với tài sản của doanh nghiệp vẫn lớn hơn, và được ưu tiên hơn bạn (với tư cách là cổ đông), bạn chỉ nhận lại những gì còn sót lại sau khi doanh nghiệp đã thực hiện xong các nghĩa vụ với bên cho vay thôi.
Ba là, định vị mình là ai trên thị trường.
Khi tham gia vào thị trường thứ cấp, là sân chơi của những nhà đầu tư với nhau. Nó khác hoàn toàn với thị trường sơ cấp, mà ở đó là quan hệ giữa doanh nghiệp và các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ hay các định chế tài chính lớn, thông qua các đợt chào bán riêng lẻ. Vì vậy, doanh nghiệp có nghĩa vụ, trách nhiệm đảm bảo và cam kết một mức sinh lời nhất định cho họ, phải tuân thủ các mục tiêu kinh doanh đã thoả thuận, tạo điều kiện thuận lợi để họ có thể thoái vốn dễ dàng vào những thời điểm thích hợp. Với vị thế đó, họ có thể tham gia ở những vai trò nhất định vào quản trị, điều hành hay tư vấn cho doanh nghiệp, thậm chí họ có thể nắm cả những số liệu hàng ngày như đơn hàng hay KPI... Ngược lại, là nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường, bạn không có được những lợi thế như vậy, chúng ta phải hiểu là khi tham gia thị trường bằng việc mua bán một cổ phiếu nào đó là chúng ta đang tự mình thực hiện giao dịch với một nhà đầu tư khác, chứ không phải với doanh nghiệp. Doanh nghiệp không có nghĩa vụ và trách nhiệm với những khoản lỗ của bạn trên thị trường, vì vậy bạn phải tự có những biện pháp riêng, phù hợp để tự bảo vệ mình khi tham gia thị trường, thay vì kỳ vọng rằng doanh nghiệp và thị trường sẽ bảo vệ bạn. Khi cổ phiếu giảm hay thua lỗ, bạn đừng hy vọng hay "ăn vạ" đòi ban lãnh đạo phải đứng ra lên tiếng trấn an cổ đông, vì đó không phải trách nhiệm của họ, mà bạn phải xác định được trở thành cổ đông đồng nghĩa với việc phải chịu toàn bộ rủi ro về doanh nghiệp.
Bốn là, khi đã xác định bạn là nhà đầu tư nhỏ lẻ thì bạn rất khó có thể mang tư duy và chiến lược của một nhà đầu tư mạo hiểm (capital venture) vào thị trường được, những quỹ đầu tư mạo hiểm, hay các private equity funds họ tham gia rất sâu vào việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp, thậm chí từ khi doanh nghiệp còn chưa lên sàn, time horizon của họ là 3-5 năm, có khi 10 năm, thậm chí những doanh nghiệp họ đầu tư vào vẫn lỗ liên tiếp mấy năm như Uber, Snapchat, Grab, Tiki…nhưng họ vẫn tiếp tục đầu tư, họ ít quan tâm đến kết quả hoạt động kinh doanh trong ngắn hạn của doanh nghiệp, hay giá cổ phiếu trong ngắn hạn, để theo đuổi những mục tiêu dài hạn. Đồng vốn của họ chảy trực tiếp vào doanh nghiệp là "dòng vốn thông minh", nó "gia tăng giá trị cho doanh nghiệp". Nhưng bạn lại khác, dòng vốn của bạn trên thị trường không chảy trực tiếp vào doanh nghiệp, nó không mang lại nhiều gía trị cho doanh nghiệp, mà nó được chảy từ túi nhà đầu tư này qua túi nhà đầu tư khác thông qua hoạt động mua đi bán lại chứng khoán. Thị trường thứ cấp được sinh ra là để "hợp thức hoá" việc định giá về doanh nghiệp của ban lãnh đạo, và các cổ đông lớn thông qua thanh khoản và vốn hoá của nó. Do đó, là một nhà đầu tư nhỏ lẻ, bạn khó có thể chấp nhận giá cổ phiếu giảm trong 3-5 năm, chấp nhận lỗ mà vẫn thoải mái chôn vốn ở đó, trong khi bạn không có một chút quyền hành gì để kiểm soát hay tác động được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, thay vì nghĩ rằng chúng ta sẽ nhảy vào lúc doanh nghiệp rủi ro nhất, mơ hồ nhất, đi theo doanh nghiệp 5-10 năm, thì hãy nhớ rằng ban lãnh đạo và hàng ngàn nhân viên của doanh nghiệp vẫn sống tốt bất chấp cổ phiếu giảm, trong khi bạn thì chưa chắc.
Xác định mình là ai khi tham gia vào thị trường để cho những hành động phù hợp, giữ sự khách quan và độc lập, tránh bias khi nhìn doanh nghiệp hay cổ phiếu, luôn đầu tư dựa trên bằng chứng, và sự thật, chứ không dựa vào quan điểm hay ý kiến, là những thứ mà tôi rút ra sau nhiều năm tham gia thị trường.
***
Trên đây là 4 bài học đắt giá của nhà đầu tư Hoàng Đức Tân. Quý độc giả đừng quên gửi bài viết dự thi của mình vào địa chỉ email huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn