“Bán vùng đáy làm gì, để lời ru thêm buồn”… Câu hát nghêu ngao của “anh già” trên sàn làm tôi nẫu cả ruột. Lão ấy vẫn vậy, ngày hai cốc café đen đặc nhiều đá và suốt ngày chỉ ông ổng mấy bài hát xưa cũ được “chế” lại theo phong cách không thể ác hơn, cứ như xoáy sâu vào tâm trạng buồn bã của tôi.
Thời 2011, khi nhiều cổ phiếu tụt giảm như chưa bao giờ được giảm, kể cả mấy cổ phiếu phòng thủ ngon lành lẫn các cổ phiếu thuộc nhóm ngành triển vọng. Tôi lúc đó vẫn bảo toàn được một số vốn kha khá. Để cẩn thận, tôi đã tách 2/3 số vốn đó đi đầu tư vào chỗ khác như vàng, đô la, đất… Những gì cùng với tôi ở lại thị trường là 3 cổ phiếu bluechip lớn, thứ làm tôi tự tin có thể tồn tại lâu dài dù thị trường có ra sao.
Không khí đầu tư mấy năm đó thật ảm đạm. Thị trường lập đỉnh rồi rơi tự do, dù có "cá hồi" một thời gian nhưng cũng đủ để không ít nhà đầu tư tán gia bại sản. Là người được chứng kiến nhiều tình cảnh như thế, việc tôi thận trọng cũng không có gì là lạ. Mấy người bạn hay đến sàn như tôi cũng có cùng suy nghĩ. Với đầu óc sáng suốt, họ cũng đã kiếm được chút ít dù thị trường "lình xình". Đó quả thực là một may mắn khi biết rằng, hơn 90% số nhà đầu tư là thua lỗ.
Đến đây, hẳn các bạn sẽ nghĩ rằng tại sao tiêu đề lại là "chốt lỗ" đúng không? Với một người thận trọng, hay đúng hơn là "nhát tay", chỉ đứng ngoài thị trường như tôi thì làm gì có chuyện phải chốt lỗ? Vâng, đúng là như vậy đó. Cái nguyên tắc quá thận trọng của tôi lại là mảnh đất màu mỡ cho những tay cáo già chăn dắt. Trên thị trường, hay đúng hơn là trong cộng đồng các nhà đầu tư cá nhân, có những người được gọi là "chim lợn". Họ suốt ngày tung ra các tin xấu, từ tin vĩ mô đến "tin nội bộ" từ các công ty. Trên các diễn đàn, các nhóm chat, những tay chim lợn này xuất hiện với tần suất dày đặc, tung ra đủ thứ chuyện để những chú "thỏ non" bán cổ phiếu tốt.
Rõ ràng, trong một thị trường cứ giảm sâu như vậy thì với người dày dạn kinh nghiệm, họ không bao giờ bán đi cổ phiếu tốt mình đang nắm giữ, khi đã có một số công ty làm ăn tốt, chi trả cổ tức cao, lại có tương lai rất đáng mong chờ. Đó cũng là thời điểm khối ngoại liên tục mua ròng. Tôi đã từng nghe nói trong một hội thảo: "người nước ngoài, nhất là dân Tây họ có suy nghĩ khác với chúng ta. Nếu ta nhìn xa 1 tháng thì họ nhìn xa 100 năm". Đó chính là khoảng cách giữa các quỹ đầu tư "cáo già" của nước ngoài. Thị trường càng xuống thì họ càng mua ròng, cứ tiếp tục mua như kiểu hầu bao họ là chiếc túi không đáy của Doraemon.
Bên cạnh đó, tôi cũng đã thấm thía kinh nghiệm sau một vài vụ "bán hớ" là "khi chim lợn càng nhiều tức là thị trường cũng sắp đảo chiều". Đó có vẻ là một lý thuyết tương đối, chí cỏ ở Việt Nam. Tôi cũng đã trò chuyện với mấy nhà đầu tư ở châu Á, châu Âu nhưng không đâu có dân chuyên tung tin xấu nhiều đến như vậy.
Tâm lý thận trọng, nhát tay khiến tôi cứ lưỡng lự giữa mua thêm và bán bớt. Mua thêm thì tôi không có đủ can đảm, còn bán bớt thì tôi cũng không nghĩ đến dù đã lỗ chút ít. Toàn các cổ phiếu thuộc dạng ngon nhất thì tại sao phải bán? Tôi luôn tự hỏi như vậy mỗi khi nghe chim lợn hót ra rả trên diễn đàn.Thị trường tiếp tục giảm chậm, một số cổ phiếu bluechips lao dốc tự do. Diễn biến thị trường như một bức tranh toàn sắc đỏ, nhiều khi tôi không dám nhìn vào bảng giá nữa, mà chỉ tặc lưỡi "may mà mình không xuống hết tiền, cứ chờ đợi thôi".
Và đây chính là lúc tôi mất tiền! Càng chờ đợi thì càng sốt ruột. chim lợn càng ngày càng nhiều, đến mức mấy tên bạn chơi cùng cũng biến thành chim lợn. Một ông anh suốt ngày gọi điện giục giã "Anh bán hết rồi, chú mà không chạy thì chết hết đó". Rồi cả hội môi giới cũng loạn cả lên "khách em chạy hết rồi, anh chạy hết chưa?", hay " cắt lỗ sớm chừng nào tốt chứng đó". Khách hàng của công ty cũng "biến" đi đâu hết, cả sàn trống huơ trống hoác. Tôi càng nóng ruột, bắt đầu có suy nghĩ bán hết cổ phiếu cầm tiền quan sát.
Lúc đó, 3 cổ phiếu tôi nắm giữ đã giảm 25%. Với cổ phiếu lớn thì đó là mức lỗ khá nặng. Một lời khuyên của vị "cao thủ" trên mạng rằng "hàng chú ôm dù có tốt bao nhiêu mà thị trường xấu, vĩ mô xấu thì cũng đứt thôi. Cứ cắt đi chờ cơ hội lại nhảy vào". Sau khi suy nghĩ một lúc, tôi đã cắt lỗ tất cả cổ phiếu đang giữ, nghĩ bụng sẽ làm lại ván khác sau một thời gian thị trường tốt lên.
Tôi đã bán đúng vùng đáy, đáy của thị trường chung và tất nhiên đó cũng là đáy của mấy cổ phiếu kia. Đó là con sóng không lớn nhưng cũng đủ để nhà đầu tư có lời sau khoảng thời gian thảm hại. Tôi như mê ngủ, bán đúng đáy và khi thị trường hồi lại thì tôi lại không dám mua vào. Đến khi tôi mua vào, thị trường lại đi ngang. Vấn đề của tôi không phải là mất tiền do chim lợn, chỉ tại tôi không quyết đoán và dễ bị lung lạc bởi những lời nói của người khác.
Lần mất tiền đó đem lại trải nghiệm không hề dễ chịu cho tôi, khiến tôi tự hỏi mình có phù hợp với đầu tư chứng khoán hay không, nhưng cũng cho tôi có kinh nghiệm để không dễ bị dụ bởi "chim lợn" hay bất cứ ai khác.