Mọi thứ đều đúng, duy chỉ có giá cổ phiếu là sai...Không thể như thế...Nhà đầu tư Phan Văn Hiếu đã ngoan cố không cắt lỗ dù giá liên tục rơi bởi tất cả những nhận định của mình đều rất đúng, rất thận trọng.
Full margin ở hết công ty chứng khoán này đến công ty chứng khoán khác, bán trả nợ, mua đảo liên tục và cuối cùng là buông xuôi.
Mời quý độc giả đọc bài dự thi Ngoan cố không cắt lỗ của tác giả Phan Văn Hiếu và đừng quên gửi bài dự thi của mình đến ban biên tập chúng tôi qua email huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn
***
Tôi làm việc tại bộ phận thẩm định tín dụng ở 1 ngân hàng thương mại. Với lợi thế công việc, tôi đã có một số thành công trong việc mua bán chứng khoán của các Công ty được tiếp cận thẩm định, cấp tín dụng. Tôi đã xây dựng được chiến lược của riêng mình:
(1) Chỉ lựa chọn công ty đã được Ngân hàng mình cấp tín dụng;
(2) Cổ tức đều đặn;
(3) Cổ tức dự kiến năm tới chia cho giá vốn mình đầu tư đảm bảo cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng;
(4) Không tham lam, nếu trong vòng 6 tháng có giá lời 15% là bán;
(5) Không được nao núng nếu giá cổ phiếu giảm (giữ hưởng cổ tức).
Câu chuyện mất tất cả tiền của tôi cũng vì quá tự tin với nguyên tắc trên. Câu chuyện như thế này:
Cty XXX đạt đầy đủ các tiêu chuẩn trên. (1) Ngân hàng tôi cấp giới hạn khá cao; (2) 5 năm liền đều chia cổ tức; (3) Giá hiện tại 12.x, cổ tức 10%, như vậy tỷ suất thực là 8,3% (=1.000/12.000) đảm bảo cao hơn lãi suất gửi ngân hàng đang là 7,9%/năm. Ngoài ra, XXX còn đang sở hữu 51% vốn của YYY. Cổ phiếu YYY đã giúp tôi thắng 15% trong vòng 3 tháng. Tôi vẫn còn đang tiếc húi hụi vì bán non YYY. Nếu kiên trì thêm 1 tháng nữa, tôi sẽ thắng 50%.
Tôi quyết định mua XXX, mua hết tiền ở TK mở tại Cty chứng khoán H. Tôi tự tin chờ giá tăng. Nhưng đời không như mơ, giá XXX lừ lừ giảm.
Sau 1 tháng, trời ơi, giá có 9.x. Rẻ quá: cổ tức 10%, tỷ suất thực là mười mấy %/năm rồi. Phải mua thêm thôi, vừa được lợi cổ tức, vừa để bình quân giá đã bị mua cao. Tôi quyết định vay thêm tiền, lựa chọn Cty chứng khoán C có Margin cao để mở thêm tài khoản.
Tiếp tục mua vào, mua hết tiền mặt và full luôn margin ở C. Tôi chẳng cần quan tâm thị trường chung đang đổ nhào, có những phiên Vnindex đổ vài chục điểm. Tôi tự nhủ, phải tham lam khi mọi người sợ hãi.
Tiếp tục nắm giữ hơn 2 tháng, giá bây giờ chỉ hơn 8K. Vẫn kiên định "Không được nao núng nếu giá cổ phiếu giảm". Lúc đó còn tiền, tôi tin lúc đó tôi sẽ tiếp tục mua.
Và đến 1 ngày… Trời ơi ! tôi nhận được tin nhắn từ Công ty Chứng khoán C: hết thời hạn vay, đề nghị trả nợ… Hic Hic, lấy tiền ở đâu đây để nộp thêm vào, vay mọi người nhiều quá rồi, bán thì lỗ nhiều quá, tiếc đứt ruột.
Lo lắng, nóng ruột, nghĩ cách xoay sở. Một ý nghĩ lóe lên, kiểm tra Cty CK H xem có cho margin XXX không? May quá H có cho, mặc dù tỷ lệ hơi nhỏ. Tôi quyết định nhanh. Bán ở C và mua lại ở H. Tuy có mất ít phí nhưng chưa bị bán lỗ lượng cổ phiếu nào. May đâu mà may thế.
Thực hiện xong việc đảo tay này, TK ở Cty CK H của tôi cũng Full luôn margin.
Ơ kìa, lại có ông sợ chết tháo chạy chung cùng thị trường bán giá thấp thế, có 7.0. Rất dứt khoát, tôi đặt 1 lệnh tất tay full sức mua ở TK Cty Chứng khoán C. Sức mua này có được do vừa bán số cổ phiếu XXX cho chính tôi ở TK Cty chứng khoán H.
1 tháng tiếp tục trôi qua, giá XXX cứ lững lờ trôi, giá không giảm đột ngột nhưng xu hướng mỗi ngày giảm một tí. Khối lượng thì teo tóp, rất ít lệnh được khớp. Tôi vẫn tự động viên mình "Không được nao núng nếu giá cổ phiếu giảm". Tôi tự huyễn hoặc mình không quan tâm đến ô lãi/lỗ dự tính đang được tô màu đỏ rực, với dấu trừ ở trước các con số.
Và đột ngột tôi nhận được tin nhắn từ Cty CK H: " giảm tỷ lệ cho vay margin của XXX về 0%". Vài ngày sau, tôi lại nhận được tin nhắn từ Cty CK C với nội dung tương tự.
Than ôi, giá thị trường bây giờ là 6.x. Tôi không dám xuống tay đặt lệnh bán. Buông xuôi, bỏ bẵng, không thèm mở tài khoản nữa.
Cả 2 Cty chứng khoán đã bán giúp tôi. Vẫn còn may, giá họ bán được là 7.x.