Trong cuộc thi viết TÔI MẤT TIỀN, kinh nghiệm từ thất bại mà nhà đầu tư chia sẻ nhiều nhất là thất bại đến từ những lần đầu tư thành công liên tiếp. Nhà đầu tư Hoàng Anh Tuấn cũng vậy.
Nhà đầu tư Tuấn là một trong những nhà đầu tư hiếm hoi trên thị trường đạt thành công liên tiếp trong 5 năm gần nhất. Mọi chuyện thay đổi kể từ khi phương pháp cũ không còn thích ứng thời đại mới nhưng bản thân vẫn ảo tưởng sức mạnh của bản thân, chọn cổ phiếu theo phương pháp mới mà chưa nhiều cân nhắc.
Kính mời quý độc giả đọc bài viết Sự thành công liên tục và ảo tưởng sức mạnh và đừng quên gửi bài dự thi của mình đến ban biên tập chúng tôi qua email huongnguyenthithanh@vccorp.vn va hainguyenduc@vccorp.vn
***
Từng thành công liên tục trong 5 năm đầu tư gần nhất với phương pháp tập trung vào doanh nghiệp và tìm ra mức định giá rẻ để mua vào. Tuy nhiên đến hết 2017, phương pháp lựa chọn doanh nghiệp tốt có mức giá rẻ bắt đầu hiếm gặp. Để có ý tưởng mới, tôi buộc phải đưa ra hai lựa chọn (1) Đi vào phân khúc các doanh nghiệp vốn hóa nhỏ có định giá hấp dẫn và (2) Chạy theo con sóng cuối cùng này với các doanh nghiệp chu kỳ.
Với cách tiếp cận thận trọng, tôi đưa một phần vốn 25% vào dòng (1) doanh nghiệp vốn hóa nhỏ, 45% vào dòng (2) doanh nghiệp chu kỳ và 30% còn lại thực hiện rút vốn khỏi thị trường. Với các doanh nghiệp mua lần này, tôi vẫn tiếp tục theo cách tiếp cận cũ, cố gắng đưa ra giả định rồi tìm ra một mức giá hợp lý để xác định giá mục tiêu.
Riêng với dòng chu kỳ, tôi bắt đầu nghiên cứu chu kỳ suy thoái của Mỹ, và nhận thấy khi đường cong lãi suất phẳng hơn và giá vàng bật mạnh thì thoát hàng vẫn kịp. Và tôi tự tin rằng chỉ cần để ý hai chỉ số này thì mình sẽ không thua thị trường.
Sự bầm dập giữa năm
Dòng chu kỳ (các cổ phiếu tôi mua thuộc ngành chứng khoán như VND, dòng BĐS như KDH) đã tăng giá rất mạnh cho đến tháng 4. Điều tôi không ngờ là, giá vàng không tăng, lãi suất mới chỉ nhích lên nhẹ giá cổ phiếu đã đi rất sâu những tháng sau đó.
Dòng cổ phiếu vốn hóa nhỏ, với cổ phiếu tôi mua là NTC với kỳ vọng mảng đất khu công nghiệp sốt lên, thì đi xuống rất mạnh từ đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu là do rủi ro quản trị khi các cổ đông lớn muốn chiếm đoạt công ty.
Sau đó, để đảm bảo an toàn tài khoản, tôi buộc phải cắt lỗ VND, KDH với mức lỗ lên đến 15%. Riêng với NTC, sau khi nghiên cứu kỹ, tôi nhận thấy rằng, theo luật chứng khoán, "nếu phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược có liên quan với cổ đông hiện tại của công ty, thì số phiếu của cổ đông liên quan sẽ không được biểu quyết", nhưng vì thấy tài khoản ngày càng bị bào mòn, tôi buộc tiếp tục phải hạ tỷ trọng trong danh mục.
Bản tính hiếu thắng khiến tôi tăng thêm số lỗ
Hàng năm tôi đều kiếm được lợi nhuận, nên nếu buông xuôi thì đây sẽ là năm đầu tiên lợi nhuận âm. Tôi quyết định quay lại các doanh nghiệp vĩ đại (có quản trị tốt, ngành nghề kinh doanh ổn định), và việc mua vội vã lại cổ phiếu MWG với giá trung bình 120k (trước chia) tương đương với 90k (sau chia tách 3:1) khiến mức lỗ tăng lên.
Ngoài ra, tháng 10 sau khi các cổ phiếu trong danh mục tăng mạnh, khiến mức lỗ tổng tài khoản chỉ còn 3%, tôi lại vội vã chuyển 30% tiền rút ra từ đầu năm quay lại mua. Kết quả mua đúng đỉnh và tài khoản càng trở nên âm nặng vào thời điểm cuối năm.
Bài học rút ra
Sau khi ngẫm nghĩ lại những hành động vội vã của mình, chiến lược đầu tư sai lầm, tôi rút ra nguyên nhân thất bại và bài học kinh nghiệm cho mình và các nhà đầu tư.
Thứ nhất, phải hiểu rõ thế mạnh của mình, không nên áp dụng tất cả những gì học được. Trước đây tôi đọc rất nhiều sách, từ O’neil CANSLIM, Peter Lynch, Warren Buffet, Soros, Stan Druckenmiller… và nhận ra rằng bản tính mỗi người chỉ phù hợp một loại phương pháp. Cách tốt nhất để trở nên vĩ đại là trau dồi và luyện đi luyện lại phương pháp của mình. Với trường hợp của mình, tôi thực hiện đọc lại tất cả các sách viết về Warren Buffet, cam kết chỉ thực thi phương pháp của Ông và lấy mô hình kinh doanh làm trọng.
Thứ hai, tránh xa vay nợ. Sử dụng margin sẽ tạo lên áp lực trong đầu tư cổ phiếu, từ đó dẫn đến các quyết định liều lĩnh và vội vàng. Và tôi đã áp dụng nguyên tắc này ngay từ những ngày đầu tiên gia nhập thị trường nên vẫn may mắn tồn tại đến ngày hôm nay.
Thứ ba, dòng tiền đều. Sau trận thua Xích Bích, Tào Tháo nói: "chúng ta tuy hao tổn nặng, nhưng nền tảng của chúng ta vẫn còn đó; thiên hạ châu quận chúng ta vẫn đang nắm; chúng ta có thành trì, binh mã, dân chúng, tô thuế hơn rất nhiều lần so với Tôn Quyền, Lưu Bị.". Có thể thấy, nền tảng của một đất nước không nằm ở sức mạnh hiện tại, mà còn ở tiềm năng kinh tế dài hạn tương lai. Nếu nhà đầu tư xây dựng được một chiến lược đem lại dòng tiền ổn định (lương, cổ tức, cho thuê BĐS), thì nếu năm nay đầu tư thua thì hàng tháng/ quý/ năm, chúng ta lại có thêm tiền mua được cổ phiếu giá rẻ hơn. Đó chính là "bại mà không nản, càng bại càng dũng cảm, và cuối cùng là người dành chiến thắng".