Hàng loạt đại gia Việt lọt vào tầm ngắm của các tổ chức đầu tư nước ngoài. Nhiều cổ phiếu bứt phá mạnh mẽ trong bối cảnh dòng vốn nội ngoại dồi dào, Việt Nam kiềm chế được dịch và các doanh nghiệp thích nghi với tình hình mới.
Dồn dập tăng điểm
Tiếp nối những diễn biến tích cực từ các phiên trước, thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch ngày 25/8 ghi nhận lực cầu mạnh, sắc xanh bao phủ lên cổ phiếu nhiều nhóm ngành. Nhiều cổ phiếu trụ cột trên thị trường như Thế Giới Di Động, Bảo Việt, Techcombank, Petrolimex, Vingroup, Sabeco, Vinamilk,... tăng điểm.
Cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex tăng 1.900 đồng, lên 50.400 đồng/cp. Trong vòng 5 tháng qua, PLX đã tăng khoảng 48% từ 34.000 đồng/cp lên mức cao như hiện tại.
Cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động cũng tăng mạnh từ mức 60.000 đồng/cp hồi đầu tháng 4 lên mức gần 90.000 đồng/cp như hiện nay.
Chỉ số VN-Index trong vòng 1 tháng qua đã tăng thêm hơn 100 điểm, lên mức 874,12 điểm. Nếu tính từ đáy 653,23 điểm ghi nhận hôm 24/3, chỉ số này đã tăng hơn 220 điểm, tương đương mức tăng khoảng 34%.
Chứng khoán Việt Nam tăng mạnh trở lại. |
Thị trường chứng khoán tiếp tục tăng điểm mạnh mẽ trong bối cảnh dòng tiền trong nước khá dồi dào khi mà lãi suất huy động ngân hàng ở mức thấp, các kênh đầu tư khác như vàng và bất động sản không mấy hấp dẫn.
Trong khi đó, dòng tiền từ các tổ chức nước ngoài đã và vẫn sẵn sàng đổ vào Việt Nam, nhất là vào cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới CTCK Mirae Asset, cho biết, dòng vốn Đài Loan đang đổ về, trong khi đó dòng tiền trong nước cũng đang “bung ra” mạnh. Thị trường chứng khoán có tín hiệu phát triển mạnh trong quý IV để lấy đà cho một năm sau đó.
Một điểm đáng lưu ý là giới đầu tư lạc quan về việc Việt Nam kiềm chế được dịch và các doanh nghiệp bắt đầu thích nghi được với tình hình mới.
Cũng theo ông Tuấn, định giá cổ phiếu Việt Nam đang ở mức rẻ thứ nhì trong khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia. Do vậy, khả năng hút dòng tiền từ các khu vực khác là khá dễ dàng.
Dòng tiền ngoại lớn vào Việt Nam
Thực tế cho thấy, gần đây, khối ngoại đẩy mạnh mua vào nhiều cổ phiếu trụ cột trên thị trường chứng khoán. Nhiều tổ chức và quỹ đầu tư lớn trên thế giới cũng có kế hoạch đổ thêm tiền vào cổ phiếu Việt.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Tập đoàn ENEOS Corporation (Nhật Bản) vừa đăng ký mua 13 triệu cổ phiếu Petrolimex (PLX). Giao dịch sẽ được thực hiện từ 27/8-25/9. Người có liên quan trong giao dịch này là ông Toshiya Nakahara, thành viên HĐQT của Petrolimex và cũng là lãnh đạo cấp cao của Eneos Corporation. Đây là công ty con của Công ty TNHH tư vấn và Holding JX Nippon Oil & Energy Việt Nam, cổ đông lớn của Petrolimex.
Dòng vốn nước ngoài tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam. |
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, việc một quỹ của Đài Loan huy động được gần 4.000 tỷ đồng đầu tư vào TTCK Việt Nam là một tín hiệu tích cực. Mục tiêu của quỹ này là đầu tư vào các công ty có tiềm năng tăng trưởng đang niêm yết tại HOSE và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Ngoài ra, danh mục đầu tư còn bao gồm VFMVN Diamond ETF - một chứng chỉ quỹ ETF mô phỏng theo VN-Diamond Index, một chỉ số bao gồm những cổ phiếu đã hết “room” ngoại.
Tuần qua, trên sàn chứng khoán, khối ngoại mua ròng gần 1.700 tỷ đồng giá trị cổ phiếu Vinhomes (VHM) thông qua phương thức thỏa thuận.
Ba tháng qua, quỹ Dragon Capital mua hơn 16 triệu cổ phiếu Vietcombank (VCB). Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ lớn nhất do Dragon Capital nắm giữ 30,5 triệu cổ phiếu VCB, trị giá khoảng 108 triệu USD.
Arisaig Asia Consumer Fund Limited gần đây trở thành cái tên đáng chú ý trên TTCK Việt Nam khi liên tục gia tăng sở hữu cổ phần Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài.
Từ cuối năm 2019 tới nay, Arisaig Asia Consumer Fund đã có nhiều lần mua lại cổ phiếu MWG từ các cổ đông ngoại khác thông qua giao dịch ngoài sàn. Ước tính, Arisaig Asia Consumer Fund đang nắm giữ 16 triệu cổ phiếu MWG, trị giá khoảng 1.400 tỷ đồng.
Bên cạnh khoản đầu tư vào MWG, cuối năm 2019, Arisaig Asia Consumer Fund cũng nắm giữ 28,8 triệu cổ phiếu Vinamilk (VNM), trị giá hơn 3.300 tỷ đồng.
Hồi giữa tháng 6, theo Bloomberg, quỹ KKR cho biết muốn tăng gấp 3 quy mô đầu tư tại Việt Nam trong 10 năm tới để nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu. Trước đó, KKR đã rót 1 tỷ USD vào tài sản Việt Nam sau thương vụ mua cổ phần tại Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Trong một báo cáo chiến lược về thị trường, SSI Research dự báo rằng, chỉ số VN-Index sẽ đạt cao nhất 880 điểm trong tháng 8 cho dù Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến bức tranh vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết.
Cụ thể, thanh khoản dồi dào ở hệ thống ngân hàng và môi trường lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố hỗ trợ tích cực cho TTCK Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua ròng USD từ đầu tháng 8, trong khi các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động cho các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng. Một số cổ phiếu được dự báo tăng trưởng lợi nhuận trong quý III/2020 bao gồm: các cổ phiếu tăng trưởng tốt từ dịch bệnh, các cổ phiếu hưởng lợi từ câu chuyện đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Mirae Asset dự báo VN-Index có thể lấy lại mốc 900 điểm vào cuối năm 2020 một phần do kinh tế Việt Nam đang hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu với FDI tăng vọt và các đối tác kinh tế quan trọng mở cửa trở lại nền kinh tế.
Ngoài ra, bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp quý II được cho là không quá ảm đạm. Nhiều doanh nghiệp trong nhóm VN30 công bố kết quả kinh doanh khả quan. Ngoài ra, lực cầu tích cực từ khối ngoại cũng đóng vai trò hỗ trợ quan trọng.
V. Hà