Kế hoạch nâng thuế suất từ 7% hiện tại lên 8% vào tháng 1 năm 2023 và sau đó là 9% vào tháng 1 năm 2024, đã được đưa vào dự thảo ngân sách cho năm tài chính bắt đầu từ tháng 4 - và được đưa ra vào thời điểm lạm phát đang quét qua nền kinh tế.
Chính phủ Singapore cũng công bố tăng thuế thu nhập cá nhân và thuế tài sản, để giúp trang trải các chi tiêu xã hội ngày càng tăng. "Chúng ta sẽ cần thêm nguồn thu", Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong cho biết trong bài phát biểu trước Quốc hội Singapore, đồng thời cho biết thêm, "Nguồn thu từ việc tăng thuế GST sẽ hướng tới hỗ trợ chi tiêu chăm sóc sức khỏe và chăm sóc người cao tuổi".
Thuế GST của Singapore duy trì ở mức 7% kể từ tháng 7/2007. Năm 2018, Chính phủ Singapore tuyên bố sẽ tăng tỷ lệ này lên 9% trong giai đoạn 2021-2025, cho biết họ cần tài trợ cho việc mở rộng hệ thống y tế, trong bối cảnh dân số già đi nhanh chóng.
Thuế GST chiếm khoảng 15% doanh thu hoạt động của chính phủ trong năm tài chính 2020, khiến nó trở thành nguồn thu lớn thứ ba sau thuế thu nhập doanh nghiệp (21%) và thuế thu nhập cá nhân (20%).
Quốc gia giàu có này đã duy trì tình hình tài chính lành mạnh trong nhiều thập kỷ, được xếp hạng 3-A - mức cao nhất - từ các tổ chức xếp hạng tín dụng lớn. Nhưng chi tiêu đang ngày càng tăng trong những năm gần đây, không chỉ cho y tế mà còn cho các lĩnh vực khác như giáo dục và quốc phòng. Một loạt các biện pháp tài khóa trong hai năm qua để giảm bớt tác động của Covid-19 cũng đã tiêu tốn khá nhiều nguồn lực của Chính phủ. Thâm hụt ngân sách cho năm tài chính 2020 lên tới 13,9% GDP, khi các gói cứu trợ trị giá khoảng 100 tỷ SGD (74 tỷ USD) được đưa ra.
Giải thích lý do tại sao đợt tăng thuế ban đầu sẽ diễn ra vào năm tới, Bộ trưởng Wong cho biết đã "cân nhắc kỹ lưỡng" các yếu tố như lạm phát hiện tại và tiến độ phục hồi.
Người Singapore sẽ phải trả nhiều tiền hơn khi mua sắm, với thuế GST được ấn định sẽ tăng lên 8% vào năm tới và 9% vào năm 2024. © AP
Chính phủ Singapore kỳ vọng tăng trưởng kinh tế 3% đến 5% cho năm 2022, sau khi phục hồi 7,6% vào năm 2021. Với nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn phục hồi, đồng thời chịu ảnh hưởng của lạm phát giá thực phẩm và năng lượng toàn cầu - CPI tháng 12 đã tăng 4% trên năm, mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây - một số nhà kinh tế đã cảnh báo việc tăng thuế GST có thể làm tổn thương tâm lý người tiêu dùng.
Yu Liuqing, nhà phân tích của Economist Intelligence Unit, nhận xét về thông báo này: "Việc tăng thuế suất GST theo từng giai đoạn phản ánh thái độ thận trọng của chính quyền vì tác động của nó đối với lạm phát và tâm lý người tiêu dùng có thể làm chậm sự phục hồi kinh tế của Singapore".
Đối với thuế thu nhập cá nhân, tỷ lệ đối với thu nhập vượt quá 500.000-1 triệu SGD (sẽ được tăng lên 23%, từ mức 22% hiện tại. Mức thu nhập vượt quá 1 triệu SGD (khoảng 17 tỷ VND) sẽ được nâng lên 24%, cũng từ 22%, để người giàu phải đóng thuế nhiều hơn.
Ngoài việc tăng thuế GST và thuế thu nhập, chính phủ có kế hoạch tăng thuế suất carbon để khuyến khích các công ty chuyển đổi thành các doanh nghiệp xanh hơn. Mức thuế hiện nay là 5 SGD/tấn, sẽ được tăng dần lên 25 SGD/tấn vào năm 2024 và 45 SGD/tấn vào năm 2026. Đến năm 2030, mức thuế sẽ đạt từ 50 đến 80 SGD/tấn.
Nhìn chung, Chính phủ Singapore cho biết ngân sách năm 2022 là để tạo cơ sở cho sự tăng trưởng trong tương lai của đất nước. Tổng chi tiêu sẽ là 102 tỷ USD, tăng 4% so với mức 98 tỷ USD ước tính trong năm tài chính hiện tại.
Khi nói đến chi tiêu, chính phủ cho biết họ sẽ dành 200 triệu SGD trong vài năm tới để giúp các doanh nghiệp và người lao động nâng cao năng lực kỹ thuật số, giúp thúc đẩy tăng trưởng. Bộ trưởng Wong cho biết chính phủ cũng sẽ hỗ trợ nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp địa phương và đào tạo lại lao động.
Mức thuế GST kế hoạch là 9%của Singapore vẫn sẽ tương đối thấp so với các nước châu Á. Loại thuế tương tự ở Việt Nam là 10%, ở Nhật Bản là 10%, Hàn Quốc 10% và Philippines là 12%. Ở Trung Quốc, thuế này lên tới 13%.
Với thuế thu nhập cá nhân, thuế suất sau khi tăng theo dự kiến của Singapore vẫn sẽ là tương đối thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Tuy nhiên, đối với một quốc gia đã thu hút doanh nghiệp và người dân bằng mô hình "thiên đường thuế", quyết định kéo đòn bẩy này làm nổi bật những áp lực kinh tế và xã hội mà Chính phủ hiện đang phải đối mặt.