Victor Lustig (1890 – 1947) liên quan đến vô số vụ lừa đảo trên khắp châu Âu và Hoa Kỳ trong giai đoạn đầu thế kỷ 20. Ông ta nổi tiếng là "người đàn ông bán được tháp Eiffel hai lần". Ngoài ra, Lustig còn được biết đến qua phi vụ "Chiếc hộp Rumani" và được coi là một trong những thiên tài lừa đảo ghê gớm nhất lịch sử.
Tháp Eiffel từng được vua lừa Victor Lustig bán đến 2 lần.
Victor Lustig sinh ra tại Hostinné, khi đó thuộc Đế quốc Áo - Hungary. Là một đứa trẻ trí óc nhạy bén, ông ta rất hay gây rối và quậy phá. Ở tuổi 19, Victor đã lao vào cờ bạc trong một dịp du lịch tại Paris. Khi rời trường, ông áp dụng cả trình độ học vấn và khả năng nói lưu loát nhiều thứ tiếng để dấn thân vào cuộc đời phạm tội. Ông tập trung thực hiện nhiều vụ lừa đảo tài sản, tiền bạc và biến mình thành một kẻ lừa đảo chuyên nghiệp.
Nhiều phi vụ đầu tiên của ông được thực hiện trên những chuyến tàu qua lại giữa các cảng Đại Tây Dương của Pháp và thành phố New York. Để lừa du khách giàu có, ông giả vờ làm một nhà sản xuất âm nhạc đang tìm kiếm người đầu tư cho một màn nhạc kịch Broadway bịa đặt nào đó. Khi các dịch vụ đi tàu xuyên Đại Tây Dương bị đình chỉ sau Thế chiến I, Lustig phải tìm kiếm địa bàn mới để "kiếm chác" và ông chọn đến Mỹ. Lúc bấy giờ, ông đã bắt đầu bị các cơ quan luật pháp để ý bởi những trò gian lận cổ phiếu và lừa tiền ngân hàng mà mình gây ra vào năm 1922.
Chiếc hộp Rumani
Màn lừa đảo đầu tiên của Lustig liên quan đến một "chiếc máy in tiền". Ông ta đi ăn uống cùng các nạn nhân tiềm năng và bằng sự khéo léo trong giao tiếp của mình, Lustig chia sẻ với họ về "hộp tiền" của mình.
"Chiếc hộp đựng tiền" hay "chiếc hộp Rumani" là một máy in tiền giả nhưng lại phun ra những tờ tiền thật đã được đặt sẵn bên trong. Lustig nói rằng thiết bị này sẽ mất sáu giờ chờ đợi để sao chép một tờ 100 USD.
Chiếc hộp của Victor Lustig.
Tưởng được món hời, người mua sẽ trả giá cao cho chiếc hộp, thường là hơn 30.000 USD. Nhưng trong mười hai giờ sau đó, máy sẽ chỉ cho ra thêm hai tờ 100 USD. Cuối cùng, nó sẽ chỉ cho ra giấy trắng vì số tờ 100 USD mà Lustig giấu sẵn bên trong từ trước đã hết. Khi các khách hàng nhận ra rằng mình vừa bị lừa thì Lustig đã cao chạy xa bay.
Phi vụ tháp Eiffel
Tháng 5/1925, khi đọc thông tin tháp Eiffel đang được bảo trì, Lustig giả vờ làm một quan chức chính phủ và gửi thư mời đến sáu đại lý phế liệu nổi tiếng ở Paris để bàn chuyện làm ăn. Ông ta nói với họ rằng thành phố không còn đủ khả năng chi trả cho việc bảo trì tòa tháp nên sẽ dỡ ra để bán phế liệu.
Sau khi Lustig bán thành công tháp Eiffel với giá 50.000 USD (tương đương 1 triệu USD ngày nay) cho Andre Poisson, ông ta trốn đi Vienna. Đến khi mang theo một đội thi công tới tháo dỡ tháp Eiffel, Poisson mới biết mình bị lừa. Do quá nhục nhã nên triệu phú này đã không báo cảnh sát.
Victor Lustig – siêu lừa đảo đã bán tháp Eiffel đến 2 lần.
Vẫn là tháp Eiffel
Vì vụ lừa đảo đầu tiên diễn ra suôn sẻ nên Lustig quyết định thử lại sáu tháng sau đó. Ông về Paris và gửi lời mời tới năm đại lý kim loại phế liệu mới. Ông ta đi ăn và nói chuyện với họ y như lần trước nhưng một trong số này đã nghi ngờ và gọi cho cảnh sát. Lustig bỏ dở thỏa thuận và vội trốn sang Mỹ. Đến cuối thập niên 1930, siêu lừa đảo này trở lại Paris và một lần nữa bán thành công tháp Eiffel, thu về 75.000 USD tiền mặt.
Lừa cả trùm xã hội đen, làm tiền giả, vượt ngục... và cái kết của bậc thầy lừa đảo
Khi Đại suy thoái xảy ra, Lustig đã dựng lên một trò lừa đảo nhằm vào Al Capone - một trùm xã hội đen khét tiếng dù biết rằng mình chắc chắn mất mạng nếu bị phát hiện phản bội. Ông xin Capone 50.000 USD để đầu tư vào một vụ làm ăn. Lustig sau đó đã giữ số tiền được giao cho mình trong một két sắt. Hai tháng sau, Lustig mở két để trả lại 50.000 USD còn nguyên từ ông trùm của mình. Nhưng ông lại nói với Capone rằng dù vụ đầu tư (chưa từng xảy ra) thất bại, ông ta vẫn trả lại đầy đủ khoản vay. Điều này làm Capone ngạc nhiên và cứ tưởng rằng mình đang làm ăn với một người trung thực, ngay thẳng. Đạt được thiện cảm của ông trùm này, Lustig xin được Capone 5.000 USD với lí do là đang thiếu tiền nuôi thân sau khi "trả nợ" khoản 50.000 USD ấy. Tuy 5.000 USD không phải số tiền quá lớn nhưng không phải ai cũng có "gan" lừa tiền của một ông trùm xã hội đen như Lustig.
Năm 1930, Lustig hợp tác với dược sĩ William Watts và nhà hóa học Tom Shaw để tiến hành một hoạt động tiền giả quy mô lớn. Cứ mỗi tháng, bộ ba này cho lưu thông tới 100.000 USD tiền giả vào nền kinh tế Mỹ và gây ra không ít thiệt hại.
Sau này, Lustig bị bạn gái tố giác vì ghen ông ngoại tình. Ông bị tống vào tù nhưng vượt ngục với một đoạn dây dài làm từ ga trải giường. 1 tháng sau, ông ta bị bắt ở Pittsburgh và bị kết án hai mươi năm tù. Ông trùm lừa đảo qua đời vào tháng 3/1947 do bệnh viêm phổi.
Lustig thản nhiên đi cùng những vị cảnh sát có nhiệm vụ trông chừng ông.
"Mười điều răn cho kẻ lừa đảo" được đúc kết từ bậc thầy Lustig:
- Hãy là một người biết kiên nhẫn lắng nghe.
- Đừng bao giờ tỏ ra rằng mình đang thấy chán.
- Đợi người khác tiết lộ quan điểm chính trị rồi đồng ý với họ.
- Để người khác tiết lộ quan điểm tôn giáo rồi cũng tỏ ra mình cùng quan điểm.
- Gợi ý nói về tình dục nhưng đừng nói tiếp khi người khác tỏ ra không hứng thú tiếp chuyện.
- Không bàn về bệnh tật trừ khi nhận thấy một số mối quan tâm đặc biệt.
- Không bao giờ quan tâm đến hoàn cảnh cá nhân của một người (cuối cùng họ sẽ nói với bạn tất cả).
- Không bao giờ khoe khoang - chỉ cần phô diễn tầm quan trọng của mình một cách lặng lẽ nhưng rõ ràng.
- Không bao giờ được bừa bộn.
- Không bao giờ được say rượu.