Bí mật hóa ra… đơn giản!
Trước đó, Viettel vẫn là một công ty viễn thông nhưng với việc tiếp nhận Nhà máy thông tin M1, đơn vị này đã quyết định mở thêm một trang mới. Sau khi nhận M1, ban lãnh đạo Viettel thành lập Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Chế thử. Gọi là Trung tâm nhưng những ngày đầu tiên, trung tâm này chỉ có 5 người làm việc trong một căn phòng rộng khoảng 20m2.
Nhiệm vụ đầu tiên của Trung tâm là sản xuất máy thông tin quân sự sóng ngắn 125 wat (tên sản phẩm là VRS 641). Khi đó, cả trung tâm chưa ai từng làm, trong nước cũng chưa có công ty nào thực hiện. Tất cả các kỹ sư của M1 khi đó còn mơ hồ về nguyên lý để làm ra vỏ máy, chưa nói đến thiết kế phần cứng, rồi nguồn linh kiện đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thiết bị quân sự…
Một buổi chiều, những kỹ sư của Trung tâm tụ tập ở một quán cà phê. Họ tự kiểm điểm lại mình: toàn những người được quân đội đào tạo, đánh giá tốt nghiệp loại đứng đầu khóa. Kiến thức ấy cùng với kinh nghiệm những năm làm công nhân đã cho họ một tư duy về nguyên lý của máy thông tin quân sự. Đó là nền tảng tốt!
Họ nói với nhau: “Còn thứ gì thiếu sẽ bổ sung. Đợi đủ điều kiện mới bắt tay vào làm thì cơ hội sẽ chẳng còn nữa”. Rồi họ mời Phó Giám đốc Công ty M1 ra ngồi cùng cà phê và tuyên bố: “Chúng em quyết tâm rồi!”.
Và khi đã quyết tâm thì “hóa ra chế tạo vỏ cơ khí không quá khó, chỉ là việc mình chưa từng làm”, Nguyễn Văn Ty - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty M1, nguyên phụ trách Trung tâm từ tháng 11/2011 đến 1/2013 kể lại.
Khi lao vào nghiên cứu, tìm nguồn cung cấp, những kỹ sư của Nhà máy M1 cũng phát hiện ra rằng: hóa ra một vài linh kiện điện tử mấu chốt được gọi là bí mật công nghệ thường được bán với giá rất cao chỉ là một linh kiện bình thường được đóng gói với một quy cách khác… “Việc khó mà quyết tâm thì sẽ tìm được lời giải. Còn nếu cứ đứng ngoài mà sợ thì chẳng có phép màu nào xuất hiện”, Nguyễn Văn Ty nhận xét.
Sau 8 tháng tập trung chỉ làm một dự án, chiếc máy thông tin quân sự đầu tiên do Viettel làm chủ toàn bộ đã ra đời. Chiếc máy thứ 2 mà Nhà máy M1 được giao sản xuất là thông tin sóng ngắn 150 wat chuyên dùng cho Quân chủng Phòng không Không Quân.
Theo dự kiến, chiếc máy này chỉ cần 3 tháng là hoàn thành nhưng những phức tạp kỹ thuật thực tế đã khiến thời gian vọt lên tới 1 năm và cần sự tham gia điều hành trực tiếp của Ban Tổng giám đốc Tập đoàn thời đó (ông Hoàng Anh Xuân, ông Nguyễn Mạnh Hùng, ông Tống Viết Trung). Ở những khâu then chốt, mỗi tuần một lần nhóm nghiên cứu lại mang máy móc, đồ nghề, bản vẽ bày la liệt lên phòng giao ban Tập đoàn để làm việc…
Từ không thể đến có thể
Trước khi Viettel tiếp nhận M1 và quyết tâm tiến vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, không có mấy người tin công ty này có thể thành công. Trên thực tế, dù máy thông tin quân sự nhìn bề ngoài có vẻ đơn giản nhưng thế giới cũng chỉ vài nước với những tổ hợp quân sự khổng lồ như Mỹ, Pháp, Israel, Trung Quốc… sản xuất được.
Bên cạnh đó, các công ty Việt Nam chưa từng có dự án nào thành công và phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu từ nước ngoài. Nhiều máy thông tin đã quá cũ, xuống cấp nhưng nhiều đơn vị chưa có điều kiện để thay đổi.
Điều mọi người ít biết là Trung tướng Hoàng Anh Xuân (nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel) từng là Giám đốc Nhà máy M1 – lúc đó chuyên sửa chữa các máy vô tuyến. Từ khi Viettel còn là một công ty nhỏ, ông Xuân đã nuôi giấc mơ sản xuất máy thông tin quân sự.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng (nguyên Tổng giám đốc Viettel, hiện là Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông) là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu dự án máy thông tin quân sự (trước khi Viettel quyết định đầu tư sản xuất thiết bị này). Ông Hùng cùng các đồng nghiệp đã chế tạo thành công bộ tạo số (trái tim của máy thông tin). Dự án này sau đó đạt giải quốc gia về nghiên cứu nhưng chưa thể sản xuất hàng loạt vì thiếu vốn, linh kiện, chưa có thị trường…
Khi Viettel đã trở thành công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam, với số vốn hàng tỷ USD, ban lãnh đạo Tập đoàn này đã quyết định đầu tư mạnh cho việc nghiên cứu sản xuất thiết bị thông tin quân sự. Trong một lần kiểm tra tiến độ tại nhà máy M1, ông Hoàng Anh Xuân đã đập tay vào bàn kính chảy máu vì tiến độ sản xuất sản phẩm chậm....
Và rồi vượt qua nhiều khó khăn, rào cản, những chiếc máy thông tin quân sự hoàn chỉnh của Viettel cũng trình làng. Khi các sản phẩm máy thông tin quân sự của Viettel được nghiệm thu, so với những chiếc máy đã mấy chục năm tuổi, to lớn, cồng kềnh, thao tác phức tạp, mỗi tháng ngốn hết mấy chục triệu đồng tiền điện thì máy của Viettel "đẹp trai" hơn hẳn. Máy do Viettel sản xuất nhỏ gọn, thao tác dễ dàng, chi phí điện năng giảm đến hàng chục lần…
Đến nay, Viettel đã sản xuất được 8 loại máy thông tin quân sự khác nhau với công nghệ ở thế hệ thứ 4 (loại máy tiên tiến nhất trên thế giới ở thế hệ thứ 5). Quan trọng hơn, nhờ làm chủ cả phần cứng và phần mềm của thiết bị, mức độ bảo mật cao đối với lực lượng quân đội Việt Nam đã có lời giải.
Và sản xuất thành công máy thông tin quân sự là một trong 4 nhiệm vụ chính mà Bộ Quốc phòng giao cho Viettel (đều đã được thực hiện thành công) khi bước chân vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng: radar, máy thông tin quân sự, hệ thống quản lý vùng trời, máy bay không người lái.
Sản xuất máy thông tin quân sự chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện trong công cuộc khai mở một hướng đi mới của Viettel, với mục tiêu trở thành Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao vào năm 2020. Riêng với sản xuất máy thông tin quân sự cũng như nhiều khí tài công nghệ cao khác, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) đã khởi tạo một thực tại mới cho nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam – điều mà trên thế giới chỉ có vài quốc gia làm được.
Và cũng nhờ hướng đi về nghiên cứu sản xuất mà Viettel đã chuẩn bị trong nhiều năm, Tập đoàn này đã có thêm chữ "Công nghiệp" trong tên gọi từ đầu năm 2018. Chỉ riêng trong 2 năm 2017-2018, tổng doanh thu từ lĩnh vực nghiên cứu sản xuất thiết bị đã đem lại cho Viettel 17.400 tỷ đồng, với lợi nhuận 5.250 tỷ đồng.