Phát biểu tại hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) diễn ra sáng nay (4/3) tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam có 14 triệu hộ chăn nuôi quy mô nông hộ, bởi vậy việc phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn.
Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) diễn ra sáng 4/3 tại Hà Nội.
Virus dịch tả lợn Châu Phi đã tấn công đàn lợn của hơn 20 quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, từ tháng 8/2018 Chính phủ và các bộ, ngành đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch.Hiện dịch đã xảy ra tại 7 tỉnh, thành phố là Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương. Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn. Tuy nhiên, việc ngăn chặn dịch lan rộng chưa thực sự hiệu quả.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình cho biết, Thái Bình là một trong những tỉnh đầu tiên công bố ổ DTLCP. Trước đó, từ đầu năm 2018, tỉnh đã có kế hoạch, trong đó đưa ra các kịch bản để phòng chống các loại dịch bệnh trên đoàn vật nuôi.
Với chủ trương hỗ trợ tiêu huỷ lợn ở mức cao nhất là 38.000 đồng/kg, kết hợp với nhiều biện pháp nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh, ông Nguyễn Hồng Diên kiến nghị Chính Phủ hỗ trợ kinh phí để xét nghiệm mẫu, phục vụ công tác kiểm soát giết mổ, kinh doanh thịt lợn vì Thái Bình là tỉnh có quy mô chăn nuôi lớn. Đồng thời hỗ trợ kinh phí chống dịch tại các địa phương, vì việc tìm kiếm nguồn hỗ trợ lợn tiêu huỷ đang gặp rất nhiều khó khăn.
"Bộ NN&PTNT cần xây dựng kịch bản để ứng phó với các tình huống khi dịch bệnh xảy ra để làm cơ sở cho các địa phương xây dựng kịch bản tại chỗ; Hướng dẫn việc lấy mẫu xác minh dịch bệnh đối với các hộ chăn nuôi đã đến kỳ xuất bán lợn. Cùng với đó, sớm xác định nguyên nhân gây bệnh ở khu vực đồng bằng và cơ chế lây lan, qua đó giúp các địa phương chống dịch hiệu quả hơn", Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nêu ý kiến.
Không chống dịch được, thiệt hại kinh tế khôn lường
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, DTLCP là bệnh dịch rất nguy hiểm cho ngành chăn nuôi lợn. Bởi lẽ, virus gây bệnh lan truyền rất nhanh bằng nhiều con đường, nhiều hình thức và khi đã xâm nhập vào đàn lợn là tỷ lệ chết rất cao, thậm chí 100%. Hiện trên thế giới chưa tìm ra vacxin phòng, chống. Do đó, nếu không khống chế được thì tổn hại về kinh tế sẽ rất lớn.
Thịt lợn chiếm hơn 70% nhu cầu tiêu thụ thịt của cả nước, do đó nếu không chống được dịch tả lợn Châu Phi, thiệt hại kinh tế rất lớn. (Ảnh minh họa) |
Tại Việt Nam, ngành chăn nuôi chiếm vị trí vô cùng quan trọng. Chỉ tính riêng thịt lợn đã chiếm hơn 70% nhu cầu tiêu thụ thịt của cả nước. Ngay từ khi Trung Quốc xuất hiện ổ dịch đầu tiên vào tháng 8/2018, ngày 30/8 Bộ NN&PTNT đã có văn bản báo cáo, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ra công điện chỉ đạo ngay các bộ, ngành, các tỉnh, thành triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó với dịch bệnh.
Đây là dịch bệnh mới, lan truyền qua nhiều con đường khác nhau. Việt Nam lại có hơn 1.000km biên giới, hàng chục triệu lượt khách du lịch... Do đó, tuy mới từ tháng 2/2019 ổ dịch đầu tiên xuất hiện ở Hưng Yên nhưng đến nay đã lan ra 7 tỉnh, thành phố.
Qua công tác kiểm tra đánh giá tình hình cho thấy các địa phương đã vào cuộc rất gấp gáp, từ lãnh đạo tỉnh, huyện cho đến người dân đều áp dụng mọi biện pháp ngăn chặn, tích cực tiêu độc khử trùng, phun vôi bột và tiêu huỷ khi có lợn mắc dịch. Tuy nhiên Việt Nam có 14 triệu hộ chăn nuôi quy mô nông hộ, bởi vậy việc phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn.
Đại diện tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, đây là một trong những dịch bệnh mới, đặc biệt là đối với khu vực châu Á. Trong hai tuần tới, tổ chức sẽ cử một đoàn chuyên gia trực tiếp sang hỗ trợ Việt Nam các biện pháp cụ thể trong việc chống DTLCP./.