Ngày 30-5, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết với trận mưa chiều 29-5, hệ thống thoát nước của thành phố đã bị quá tải. Số điểm ngập đều có ở hầu khắp 12 quận và một phần huyện Thanh Trì. Mức độ ngập cũng lớn hơn, sau 6 giờ kể từ khi dứt mưa lớn, nhiều điểm vẫn chưa hết ngập.
Giao thông tê liệt
Theo số liệu của TP Hà Nội, quận Cầu Giấy mưa lớn nhất trong chiều 29-5 với hơn 170 mm, tiếp theo là Tây Hồ hơn 150 mm, Hoàng Mai 130 mm. Các quận Ba Đình, Thanh Xuân và huyện Thanh Trì, lượng mưa đều hơn 100 mm. Mưa lớn trong hơn 2 giờ đã khiến gần 40 tuyến phố Hà Nội ngập úng cục bộ, nhiều tuyến ngập sâu trên 50 cm, giao thông tê liệt. Đơn cử phố Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy) là đường lớn, ngập kéo dài 1 km, sâu nhất là đoạn qua tòa nhà Keangnam có thời điểm ngập 60-70 cm.
Thông tin cụ thể hơn về hệ thống thoát nước trong nội đô, ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, cho biết theo thiết kế, hệ thống đáp ứng được năng lực tiêu thoát với lượng mưa 310 mm trong 2 ngày. Trong khi đó, nhiều điểm mưa ở Hà Nội vừa qua lên tới 180 mm chỉ trong vòng 2 giờ. "Lưu vực sông Tô Lịch được đầu tư dự án thoát nước giai đoạn 1 và 2 nên có thể chịu được trận mưa 310 mm trong 2 ngày. Còn lại những lưu vực khác phụ thuộc rất lớn vào hệ thống tự chảy của sông Nhuệ và sông Cầu Bây, hệ thống thoát nước đô thị và thủy lợi nên không tránh khỏi việc thoát nước kém" - ông Sơn thông tin.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó trưởng Phòng Dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết nguyên nhân của đợt mưa giông này là do ảnh hưởng của rãnh thấp bị nén nên ngày 29-5 nhiệt độ ở Bắc Bộ và Trung Bộ có xu hướng tăng. Chiều 29-5, hiện tượng mưa giông nhiệt xuất hiện sớm ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Nam đồng bằng Bắc Bộ, sau đó dịch chuyển đến khu vực Hà Nội gây mưa lớn.
Nhiều tuyến đường ở TP Hà Nội ngập nặng sau vài giờ mưa lớn. (Ảnh: Hữu Hưng)
Đầu tư hệ thống chứa nước ngầm
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội vào ngày 30-5 về trận mưa lớn gây ngập úng nhiều nơi ở Hà Nội chiều 29-5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết thời tiết hiện nay có biến đổi bất thường, nhiệt độ nóng lên. Không phải chỉ Việt Nam mà ở các nước có hạ tầng phát triển như Mỹ, châu Âu thì việc mưa lớn dồn dập tập trung vào một thời điểm sẽ không có hạ tầng nào có thể chịu được.
Nói về nguyên nhân ở Hà Nội và TP HCM thường ngập úng diện rộng sau mưa lớn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cần nhìn lại toàn bộ hạ tầng ở các đô thị. "Khi thiết kế các đô thị với đặc trưng về địa hình khác nhau phải dự báo được tính cực đoan của thời tiết, quy mô dân số. Phải xây dựng hạ tầng để đáp ứng các dự báo đó. Tức là các hệ thống thu, thoát nước mưa, xử lý nước thải phải đồng bộ, phù hợp quy mô dân số" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, có những vấn đề phải dự báo không chỉ trong ngắn hạn mà còn dài hạn. Có thể thời tiết cực đoan 20, 30, 50 năm mới xảy ra 1 lần cực đoan thì cũng phải tính phương án ứng phó, giúp cho khâu thiết kế cơ sở hạ tầng như công trình ngầm, đường giao thông ngầm, đường giao thông bề mặt...
Nhấn mạnh đến việc trong trường hợp thời tiết cực đoan phải tính toán hệ thống để trữ nước, ông Trần Hồng Hà lấy dẫn chứng tại Nhật Bản có khu vực bố trí đường ngầm, gọi là bể ngầm chứa nước lớn vừa giữ lượng nước để dùng khi hạn hán, còn khi mưa lớn thì đóng vai trò chứa nước. Cũng có thể bố trí trường học, sân vận động, cánh đồng lúa trong trường hợp thấy rằng có thể ngập vào những nơi xung yếu thì điều chỉnh van trong hệ thống thoát nước để những nơi đó thành nơi chứa nước. "Ngoài ra, có thể cả một hệ thống ngầm dưới đường giao thông là các tầng, bể rất lớn để chứa nước. Đó là giải pháp mà các nước làm, tất nhiên là đắt đỏ nhưng quan trọng cần có tầm nhìn, thiết kế và đầu tư hạ tầng đồng bộ" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Về việc Hà Nội nên có dự án chống ngập giống TP HCM hay không, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng trước hết Hà Nội cần tăng cường công tác dự báo. Bên cạnh đó, cần có dự án tổng thể, trong đó đánh giá một cách căn cơ và đưa ra những số liệu lịch sử cũng như số liệu hiện nay về hiện tượng cực đoan của thời tiết với lượng mưa như thế này. Ngoài ra, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ càng trong thiết kế đô thị thông minh, chống chịu được các hiện tượng thời tiết cực đoan. Còn bài toán mang tính ứng phó khi đã ngập rồi thì phải sử dụng các máy bơm để thoát nước.