Tình trạng thiếu chip bán dẫn trên toàn cầu đối với ngành ô tô đã được báo động từ hồi đầu năm 2021. Theo Bloomberg, Covid-19 đã cản trở nguồn cung cấp linh kiện, làm thiếu hụt chip giữa bối cảnh nhu cầu tăng vọt từ các hãng điện tử chuyên sản xuất điện thoại thông minh, máy tính bảng, thiết bị chơi game... Các nhà sản xuất chip đã hoạt động gần như hết công suất nhưng cũng cũng không đáp ứng đủ nhu cầu của tất cả các khách hàng.
Mặt khác, các hãng chip lại có xu hướng ưu tiêu cho các tập đoàn công nghệ hơn là các hãng sản xuất ô tô, vì đơn hàng lớn hơn. Riêng thị trường điện thoại thông minh hàng năm đã gồm hơn 1 tỷ thiết bị, trong khi ô tô mỗi năm chỉ có sản lượng dưới 100 triệu chiếc. Ngay cả trong lĩnh vực ô tô thì các hãng lớn cũng được ưu tiên trước.
Glen De Vos, giám đốc phụ trách công nghệ của nhà cung cấp linh kiện xe hơi Aptiv Plc lý giải, sự thiếu hụt chip tự động bắt nguồn từ những dự đoán quá thận trọng đưa ra hồi đầu năm ngoái, khi các hãng sản xuất ô tô phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Sự khan hiếm chip đã trở thành một vấn đề lớn đối với ngành công nghiệp ô tô, nhất là khi sản xuất những chiếc ô tô mới ngày càng cần nhiều thứ tinh vi và phức tạp hơn. Theo ước tính, một chiếc ô tô trung bình có khoảng 50 đến 150 con chip được sử dụng để làm cho phương tiện thông minh hơn, an toàn hơn và hiệu quả hơn. Do đó, các doanh nghiệp ô tô có mặt tại Việt Nam cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.
Tại Việt Nam, hàng loạt thương hiệu lớn như Toyota, Kia, Mitsubishi, Mercedes-Benz, Suzuki... đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng này. Các hãng xe cũng đã chính thức thông báo tình trạng chậm trễ nhất định trong hoạt động sản xuất, đặt - giao xe... trong thời gian tới.
Mới đây, Mitsubishi Việt Nam vừa ra thông báo về việc hoãn giao xe Xpander tới đại lý vì thiếu linh kiện lắp ráp. Lãnh đạo Mitsubishi Việt Nam đã có văn bản gửi tới các nhà phân phối cho thông báo về việc chậm giao hàng theo kế hoạch của tháng 4/2021, chậm nhất là sau 20 ngày làm việc mới có thể nối lại việc giao hàng cho nhà phân phối. Nguyên nhân của đợt chậm trễ này là do việc thiếu hụt nguồn cung cấp chất bán dẫn sử dụng trong các linh kiện điện tử, phía Mitsubishi Việt Nam lý giải.
Trước đó, Suzuki cho biết dự kiến số lượng xe XL7 và Ertiga nhập khẩu trong 3 tháng tới đây (tháng 5 -7/2021) sẽ bị hạn chế do nhà máy tại Indonesia cắt giảm sản xuất. Phía công ty tại Việt Nam cho biết cho biết nguyên mà nhà máy của Suzuki tại Indonesia cắt giảm sản xuất là do thiếu linh kiện.
Dần dần, làn sóng thiếu chip cũng có những ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có sản xuất thiết bị điện tử, công nghệ. Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng cho biết các công ty sản xuất sản phẩm công nghệ đều đang phải "nỗ lực tìm kiếm trên khắp thế giới" để có nguồn cung chip, thậm chí phải lo tranh mua và tích trữ càng nhiều càng tốt.
Ông Quảng cho rằng, đầu tiên là lý do thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, Huawei bị trừng phạt. Để tồn tại, họ đã phải mua gom chip để đủ dùng trong 2 năm, các nguồn tin từ đối tác của BKAV cho biết số liệu như vậy.
Vậy Việt Nam có nên tự sản xuất chip để chủ động nguồn cung cho các doanh nghiệp trong nước?
Nikkei Asia nhận định, Việt Nam đang muốn thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất chip của mình khi các công ty bắt đầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Ban quản lý khu công nghiệp và khu công nghệ cao tại Đà Nẵng cho biết vừa cấp phép đầu tư cho dự án bán dẫn trị giá 110 triệu USD của Hayward Quartz Technology có trụ sở tại Thung lũng Silicon. Nhà máy này chuyên sản xuất vật liệu bán dẫn. Tập đoàn chip khổng lồ của Mỹ Intel cũng đã công bố đầu tư 475 triệu USD vào nhà máy sản xuất Intel Việt Nam.
Năm ngoái, người đứng đầu Chính phủ (lúc đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) cũng đã đề nghị Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong đầu tư vào một nhà máy sản xuất bán dẫn tại Việt Nam.
Trinh Nguyen, một học giả không thường trú tại Carnegie Endowment for International Peace nói với Nikkei, xây dựng một cụm công nghiệp chip nội địa là động thái tiềm năng để Việt Nam có thể tham gia chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, CEO Nguyễn Tử Quảng lại cho rằng việc sản xuất chip sẽ tốt hơn khi chúng ta có thị phần điện thoại thông minh đủ lớn. Ông cho hay: "Nhiều bạn đề xuất Việt Nam nên sản xuất chip. Điều này cũng là chính đáng và nên làm. Về lý thuyết năng lực của người Việt Nam rất phù hợp cho làm chip. Tuy nhiên, đầu tư là rất lớn nên chưa phù hợp vào lúc này. Sẽ tốt hơn khi chúng ta đã chiếm được thị phần smartphone đủ lớn".