Chính quyền thành phố Hồng Kông sẽ có thể đào sâu xuống đất để xây dựng nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt đất xây dựng tại một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới.
Theo Lực lượng Mở rộng quỹ đất (Task Force on Land Supply), một cơ quan trực thuộc chính quyền thành phố đang cố gắng tìm kiếm thêm quỹ đất để phát triển, các công trình ví như nhà máy xử lý chất thải hoặc kho chứa nhiên liệu có thể được chuyển ngầm xuống mặt đất để giải phóng thêm đất xây dựng nhà ở.
Cơ quan này phân tích: “Địa hình nhiều đồi và cấu trúc đá cứng của Hồng Kông cho phép xây dựng những hang động đá, đặc biệt ở các khu vực vùng ven”. Cơ quan này đang cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của công chúng trong vòng 18 tháng tới với khoảng 18 lựa chọn chính sách nhằm tăng quỹ đất.
Dù các khu vực trung tâm của thành phố Hồng Kông có mật độ tập trung dân cư cao nhất thế giới, khoảng 3/4 quỹ đất của Hồng Kông là những không gian mở không cho phép phát triển thêm ví như công viên quốc gia thuộc diện được bảo vệ.
Chính vì vậy, Hồng Kông thiếu đất khủng khiếp, ước tính thành phố này thiếu diện tích đất tương đương đến 60 lần công viên Victoria trong kế hoạch xây dựng đô thị 30 năm tới, theo Lực lượng Mở rộng quỹ đất.
Chính sách kiểm soát lượng đất mới giao cho các công ty bất động sản, những công ty thu về mỗi năm hàng tỷ USD doanh thu, tạo ra tình trạng khan hiếm đất dẫn đến giá đất quá cao. Còn theo các công ty bất động sản, họ gặp khó với các quy định điều tiết khi muốn biến đất tư nhân mà họ mua được để sử dụng theo mục đích nhà ở.
Việc xây dựng các hang động là lựa chọn đắt đỏ nhất và sẽ mất nhiều thời gian hơn các lựa chọn còn lại. Việc thu gom thêm đất nông nghiệp, phát triển các khu vực mới từ đất nông nghiệp trước đây hoặc xây dựng trên đất có mục đích phục vụ cho vui chơi giải trí cũng là các lựa chọn khác đang được cân nhắc.
Tình trạng nhà ở chật hẹp và giá bất động sản tăng cao là những dấu hiệu của khủng hoảng mà trong đó người sống ở Hồng Kông khó mua nhà nhất thế giới.
Còn theo chủ tịch công ty quản lý hệ thống tàu điện ngầm thành phố MTR, ông Frederick Ma, có thể cân nhắc đến việc xây dựng một thành phố Hồng Kông khác trong Trung Quốc đại lục và kết nối với thành phố Hồng Kông hiện tại bằng tàu cao tốc.