Hiện nay, tình hình thiếu đơn hàng đang diễn ra ở hầu hết các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, phần lớn chỉ bảo đảm được lượng hàng cho sản xuất đến hết quý 3.
Bà Từ Thị Bích Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Anh, chuyên sản xuất hàng may thêu xuất khẩu cho biết, năm 2019, doanh nghiệp gặp khó khăn hơn những năm trước rất nhiều. Hiện, lượng đơn hàng của doanh nghiệp đã giảm tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp nhỏ chủ yếu lấy công làm lãi, đầu ra không tăng nhưng chi phí đầu vào lại tăng lên. Thêm vào đó nguồn nguyên liệu không có, phải nhập khẩu với mức giá cao đã khiến doanh nghiệp khó khăn chồng chất khó khăn.
Ngành dệt may khó đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2019.
Tình trạng này không chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà còn tập trung ở các doanh nghiệp lớn như: May 10, May Việt Tiến, May Nhà Bè. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sợi và phụ liệu gặp nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu phụ liệu dệt may nửa đầu năm đã giảm 0,29% so với cùng kỳ năm trước. Điều này khiến mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD của ngành trong năm nay sẽ rất khó để có thể đạt được.Ông Trương Văn Cẩm - Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may (Vitas) chia sẻ, tình trạng khan hiếm đơn hàng khá phổ biến, không khả quan như kỳ vọng từ đầu năm. Lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp dệt may mới chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm 2018.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, ông Cẩm cho hay, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung Quốc đã phần nào ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu toàn ngành, thể hiện rõ rệt nhất là lượng xuất khẩu sợi của Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm mạnh.
Trước đây, bình quân Việt Nam sản xuất 2,2 triệu tấn sợi/năm, xuất khẩu 1,5 triệu tấn, trong đó 60% sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018, tình hình xuất khẩu sợi có nhiều bất ổn. Sang đến năm 2019, tiêu thụ sợi trở lên rất khó khăn, 6 tháng qua, tăng trưởng xuất khẩu sợi chỉ đạt 1,1%.
Cùng với đó, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ để tạo thuận lợi cho xuất khẩu, trong khi VND vẫn ổn định khiến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam có giá thành cao hơn của Trung Quốc cũng “đẩy” xuất khẩu của ngành dệt may vào thế bất lợi.
Một nguyên nhân nữa mà ông Cẩm đề cập tới là xuất phát từ tác động của các Hiệp định thương mại tự do.
Điển hình như FTA Việt Nam - EU (EVFTA), ban đầu tưởng rằng sẽ tạo bước tăng trưởng đột biến cho ngành, thế nhưng thực chất FTA này mới được ký kết chứ chưa có hiệu lực thực sự, hàng xuất khẩu vẫn chịu thuế. Nhiều khách hàng nhìn nhận các FTA mang đến nhiều cơ hội nhưng cơ hội chưa thật rõ nét, Việt Nam mới chỉ là thị trường tiềm năng. Do vậy, cũng chưa thể kỳ vọng sự tăng trưởng mạnh mẽ về kim ngạch xuất khẩu ở thị trường này. Đây có thể là nguyên nhân khiến các nhà nhập khẩu chuyển đơn hàng sang các quốc gia khác và khiến doanh nghiệp trong nước khan hiếm đơn hàng.
Trên cơ sở phân tích những khó khăn hiện tại, ông Cẩm cho rằng, để đạt mục tiêu xuất khẩu trong cả năm nay, các doanh nghiệp sẽ phải cố gắng rất nhiều. Đặc biệt, nửa cuối năm phải đạt mức tăng trưởng xuất khẩu từ 11% trở lên thì kim ngạch xuất khẩu cả năm mới có thể đạt con số 40 tỷ USD. Đây là điều không hề dễ dàng.
“Doanh nghiệp cần tích cực tìm kiếm đơn hàng, đảm bảo sản xuất liên tục từ nay đến cuối năm. Với những doanh nghiệp lớn có khả năng ký đơn hàng lớn thì cần tìm kiếm và chia sẻ với doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp trong nước liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do.
Về dài hơi, muốn ổn định được đơn hàng, doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ yêu cầu của nhãn hàng về phát triển bền vững, tiến tới sẽ được các nhãn hàng công nhận về sự minh bạch và thu hút được đơn hàng trong tương lai”, ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh./.